Trẻ bị bạo hành: Không để “nước đến chân mới nhảy“

Có thể nói, dùng biện pháp mạnh sẽ là hiệu quả cho nhiều lĩnh vực. Song đối với nhà trường mầm non, biện pháp và kỷ luật mạnh có thể chỉ chiếm khoảng 20 - 30%.

Có thể nói, dùng biện pháp mạnh sẽ là hiệu quả cho nhiều lĩnh vực. Song đối với nhà trường mầm non, biện pháp và kỷ luật mạnh có thể chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, còn lại phần lớn sự quyết định chính là lương tâm và trách nhiệm của các cô giáo làm quản lý và trực tiếp đứng lớp.

Đối với những ông bố bà mẹ có con nhỏ, mỗi buổi sáng đưa con đến trường vốn đã đầy tâm trạng: Lo con khóc, lo con không ăn, lo con ốm... Nhưng giờ đây, họ còn thêm một nỗi lo khủng khiếp hơn nữa: Lo con bị bạo hành. Thử hỏi, các ông bố và bà mẹ liệu có còn yên tâm cho công việc của mình khi trong lòng nơm nớp nỗi âu lo?


Cô giáo này đã bị Công an tỉnh Quảng Bình khởi tố về tội hành hung trẻ em.

Làm sao để trút được gánh nặng lo con bị bạo hành của những ông bố, bà mẹ? Chuyện này phải ngăn chặn từ gốc chứ không thể đợi đến khi có bạo hành mới phát hiện ra cô này ác, cô kia dữ, rồi ai sai, ai đúng? Bởi vì đợi đến khi phát hiện ra một vụ bạo hành mới thấy cô bảo mẫu có vấn đề, nghĩa là phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận rủi ro theo kiểu vào "hang mới bắt được hổ".

Và chắc chắn, dù bạn là phụ huynh, là người nhà hay người dưng thì cũng không ai muốn chuyện xảy ra như ở Trường mầm non Sơn Ca, TP. Đồng Hới, Quảng Bình và nhiều trường hợp khác nữa... Và bởi vì, những tổn thương cho đứa trẻ là quá lớn, và còn lớn hơn nữa là tác động rất tiêu cực đến xã hội. Nó không chỉ làm con người mất lòng tin vào lòng tốt, đạo đức của một người giáo viên mà còn tạo một cách nhìn dè chừng đối với những cô giáo mầm non đang ngày đêm tận tụy với nghề, điều đó là không công bằng.

Vậy làm sao để ngăn chặn được từ gốc vấn nạn này? Qua trao đổi với nhiều giáo viên và hiệu trưởng một số trường mầm non đã tạo được lòng tin, sự an tâm cho các cháu và phụ huynh, có thể chia sẻ một số kinh nghiệm rất thiết thực như sau:

Cần những camera sống từ nhà quản lý

Về phía nhà quản lý: Ban giám hiệu và Công đoàn của trường tích cực tuyên truyền có hiệu quả để nâng cao đạo đức của người giáo viên, lòng yêu nghề mến trẻ. Ngoài ra cần tổ chức các buổi tập huấn thiết thực để hướng dẫn lại các kỹ năng chăm sóc trẻ, kỹ năng kiểm soát cảm xúc cá nhân… Những kỹ năng này tuy đã được học ở trường nhưng khi đi vào thực tế, có thể quên hoặc khó khăn khi vận dụng, nên được hướng dẫn lại thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Tăng cường kiểm tra và giám sát. Việc lắp camera theo dõi cũng cần thiết nhưng chính việc này đôi khi đem lại tác dụng phụ. Cần xem việc lắp camera chỉ là hỗ trợ thêm mà thôi. Bởi vì, khi có camera, ỷ lại đã có camera theo dõi nên sự giám sát của ban lãnh đạo sẽ lỏng lẻo hơn.

Đối với giáo viên, hoạt động của các cháu nhỏ chủ yếu là vui chơi, giáo viên căng thẳng vì suốt ngày phải đối diện với việc khóc, phá, lì, nghịch... của các cháu. Cô giáo hay bảo mẫu có thể hò hét, có thể dọa nạt, dọa trừng phạt cháu... nên camera theo dõi phần nào đó có thể thêm áp lực cho giáo viên. Và rõ ràng, ai cũng hiểu được rằng, cô giáo giận trẻ, muốn bạo hành trẻ thì có nhiều cách để thoát camera (nhà vệ sinh, tìm chỗ khuất...) và lúc đó, đứa trẻ sẽ có thể chịu bạo hành nặng hơn bình thường (trường hợp ở Quảng Bình đúng là có camera).

Và thực ra, camera phát hiện được trẻ bị bạo hành là khi sự việc đã xảy ra rồi. Công tác kiểm tra và giám sát phải đủ sức ngăn chặn, ngăn ngừa chứ không phải khi có sự việc mới bị phanh phui. Việc cán bộ quản lý kiểm tra, giám sát bất kỳ thời gian nào, bất kỳ vị trí nào (đi từ cửa sau hoặc những vị trí khác tùy địa bàn) sẽ là những chiếc camera sống phát hiện những hiện tượng vi phạm nhỏ để chấn chỉnh ngay sẽ là một phương pháp hiệu quả.

Cần quan tâm, chia sẻ những áp lực với cô giáo

Một cách giám sát hiệu quả nữa đó là thường xuyên thăm dò ý kiến trực tiếp của nhiều phụ huynh và hỏi trực tiếp nhiều cháu (đối với lớp trẻ lớn) về lớp học và cô giáo. Có nhiều đơn vị trường học còn lập đường dây nóng là số điện thoại của ban lãnh đạo để giúp phụ huynh có phản ánh kịp thời nhất. Đây là một việc làm rất ý nghĩa bởi nếu phát hiện trường hợp cô giáo có dấu hiệu bất thường thì sẽ có sự điều chỉnh và phản hồi ngay.

Người làm quản lý phải thực sự gương mẫu, có tâm và có trách nhiệm: Muốn các giáo viên của đơn vị mình tận tâm với nghề, với các cháu thì ban lãnh đạo phải là người gương mẫu. Chính sự gương mẫu, tận tâm, thương yêu trẻ của người đứng đầu sẽ là bài học quý và hiệu quả nhất.

Hơn nữa, khi nhận thức được người quản lý mình là người tận tâm, rõ ràng họ sẽ nghiêm túc và nghiêm minh trong công tác kiểm tra và giám sát. Người giáo viên trong trường hợp này, nếu không đủ lòng yêu trẻ thì vẫn phải chịu sự áp lực của kỷ luật. Vì thế, họ sẽ không dám bạo lực với trẻ dù chỉ là một hành động nhỏ. Bởi, nếu bạo lực thì có thể bị kỷ luật ngay và có thể bị đuổi việc.

Về phía các cô giáo, công bằng mà nói, nghề nuôi dạy trẻ chịu nhiều căng thẳng hơn một số nghề khác trong xã hội. Và khi xem xét một số trường hợp bạo hành, có nguyên nhân cô giáo bị mất kiểm soát hành vi. Có trường hợp cô giáo gặp vấn đề của bản thân (gia đình căng thẳng, vấn về tài chính....) sẽ dễ dẫn đến mất kiểm soát khi phải đối diện với một trường hợp trẻ không ngoan, quá lì, quá quậy phá...

Trong trường hợp này, nếu gặp “tình huống khó” với một trẻ nào đó, cô giáo có thể nhờ sự trợ giúp từ phía đồng nghiệp hoặc cấp trên (tổ phó, tổ trưởng, ban giám hiệu...). Nếu một nhà trường có môi trường thân thiện, đây là việc làm dễ dàng. Ít nhất, nó sẽ giúp cô giáo qua được cơn giận giữ và khủng hoảng, tránh được việc làm nóng nảy gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Có thể nói, dùng biện pháp mạnh sẽ là hiệu quả cho nhiều lĩnh vực. Song đối với nhà trường mầm non, biện pháp và kỷ luật mạnh có thể chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, còn lại phần lớn sự quyết định chính là lương tâm và trách nhiệm của các cô giáo làm quản lý và trực tiếp đứng lớp.

Mong rằng, sự chia sẻ của những người có tâm huyết đang làm công việc này sẽ góp một phần nhỏ có thể giúp giải quyết từ gốc vấn đề bạo hành trẻ đang diễn ra hiện nay. Để sau những buổi sáng đưa con đến trường, những ông bố bà mẹ có thể an tâm mỉm cười để bắt đầu một ngày làm việc mới nhiều niềm tin và nhiệt tình.

Theo Lao Động



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.