Trẻ bị “làm hư” vì nghỉ rét?

Chỉ sau vài ngày học sinh phải nghỉ rét, trên mạng xã hội đã có nhiều cuộc tranh cãi. Nhiều người cho rằng so với nước ngoài, việc chúng ta cho học sinh nghỉ rét cũng là một cách “làm hư” trẻ.

Chỉ sau vài ngày học sinh phải nghỉ rét, trên mạng xã hội đã có nhiều cuộc tranh cãi. Nhiều người cho rằng so với nước ngoài, việc chúng ta cho học sinh nghỉ rét cũng là một cách “làm hư” trẻ.

Sao lại cho nghỉ rét?

Tiếp theo các trường mầm non và tiểu học, ngày 26/1, nhiều trường THCS tại Hà Nội cho học sinh nghỉ học vì thời tiết dưới 7 độ. Trên nhiều diễn đàn, một số phụ huynh đã có nhiều tranh cãi trái chiều về việc có nên cho học sinh nghỉ học nếu trời quá lạnh.

Chị Thu Lan (Hà Nội) cho biết, nhìn trẻ em nước ngoài vẫn ở trần chạy dưới cái lạnh 2 độ C mà không hiểu tại sao ở nước mình, lại có tâm lý cho trẻ con nghỉ rét? Như thế, chả phải đã làm hư trẻ còn gì và vô tình tạo cho chúng suy nghĩ ngủ nướng thật đã mắt rồi nằm chờ ti vi dự báo dưới 10 độ để nghỉ.

Chị phân tích: “Kì thực, cho học sinh nghỉ rét ở nhà, có khi còn khổ hơn đi học. Tránh rét không thấy đâu, chỉ thấy con rét hơn vì phải ngồi sau xe máy đi cả chục km theo mẹ lên cơ quan vì gia đình không bố trí được người trông con ở nhà”.

Mặc ấm cho con khi tới trường (Ảnh: Đại Dương)
Mặc ấm cho con khi tới trường (Ảnh: Đại Dương)

Chị chia sẻ thêm, trường mầm non chỗ con mình gửi, trong ngày 25/1 rất nhiều bé đi học nhưng trường không nhận học sinh. Mình phải đưa con về mà lo lắng không yên vì không biết gửi con ở đâu. Thấy ở nước ngoài, trời rét nhưng trẻ em vẫn tập thể dục ngoài trời, vẫn trượt tuyết mà ngưỡng mộ quá.

Anh Nguyễn Tuân (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) cũng cho biết, thử hỏi có bao nhiêu trường chuẩn trên toàn quốc mà học sinh phải nghỉ học? Đã là trường chuẩn thì phải đảm bảo được các điều kiện cần thiết để chống chọi với thời tiết chứ, đặc biệt là các trường mầm non trên toàn quốc. Và nếu có phải nghỉ học, theo anh Tuân, chỉ nên áp dụng với các trường không đạt chuẩn.

Đồng tình với chị Lan, anh Chương (Đống Đa, Hà Nội) cũng nhận xét, học sinh nghỉ học trong khi gia đình vẫn đi làm. Mâu thuẫn ở đây là mang tiếng nghỉ rét nhưng con cái đâu có được ngồi ấm vì bố mẹ phải mang đi gửi đâu đó. Vì thế, theo anh, thay vì một mệnh lệnh hành chính, nên chăng cần để gia đình tự quyết định việc cho con đến trường hay không. Còn nhà trường vẫn nên tổ chức tốt việc trông trẻ trong những ngày giá rét.

“Liệu có nghiên cứu nào chỉ ra 7 độ là nguy hiểm với sức khỏe trẻ em nhỉ? Mình nghĩ là chưa có. Mọi thứ đều chỉ áng chừng mà thôi. Vả lại, ở nước ngoài, hình như không có chuyện cho nghỉ kiểu như thế”, anh Chương nói.

Đừng đem nước ngoài ra so sánh

Trái với nhiều ý kiến trên đây, anh Anh Tuấn (Hải Phòng) cho rằng, quy định của nhà nước là quy định chung cho tất cả mọi người thi hành. Nhiệt độ xuống thấp có thể dẫn đến tử vong ở trẻ. Nếu ai cũng đưa ra lý do của mình thì xã hội này loạn. Và hơn nữa, thời tiết của Việt Nam hoàn toàn không thể so sánh được với nước ngoài.

Ở nước ngoài, mặc dù nhiệt độ thấp nhưng vẫn có nắng. Còn ở nước ta, thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên độ ẩm cao, vừa lạnh vừa gió buốt nên khá nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ em - nhất là hệ hô hấp.

“Tôi đồng ý với quy định cho trẻ nghỉ học khi trời rét. Phụ huynh nào cho rằng, cho trẻ nghỉ rét là “làm hư” con thì sai rồi. Hư hay không còn do cách giáo dục của gia đình chứ không đơn thuần chỉ một vài hôm nghỉ rét. Nếu để các con đi học trong những ngày quá lạnh, nhỡ sức khỏe các em có vấn đề gì, tôi tin chính phụ huynh là người sẽ nổi giận đầu tiên với câu hỏi “vì sao ngành giáo dục vẫn để các cháu phải đi học”?

Học sinh ở Huế co ro chờ bố mẹ đến đón (Ảnh: Đại Dương)
Học sinh ở Huế co ro chờ bố mẹ đến đón (Ảnh: Đại Dương)

Chia sẻ với PV Dân trí, BS Nguyễn Trọng An (Phó Giám đốc TT Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng , nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em- Bộ LĐTB& Xã hội) cho biết, chúng ta không thể so sánh với nước ngoài. Cái chính là phải đặt sức khỏe trẻ em lên trên hết.

Chính vì thế, từ khi có hiện tượng khí hậu bất thường-nhất là quá lạnh, ngành giáo dục đã ra quy định cho học sinh nghỉ học bởi các điều kiện của Việt Nam hoàn toàn khác hẳn với điều kiện của nước ngoài.

Ở nước ngoài, người ta có hai lần cửa. Khi tuyết rơi, từ trong nhà đi ra phải qua một lần cửa và sau đó là lần cửa thứ hai để quen hơn với nhiệt độ bên ngoài. Khi bước ra cửa, người ta có ô tô đưa đón. Tại trường, học sinh có đủ điều kiện để đảm bảo sức khỏe nên cho dù đi học trong ngày lạnh vẫn rất đảm bảo.

Theo BS An, nước ta không thể như thế được. Ngồi trong phòng học nhưng các em bé vẫn phải mặc áo rất dày vì phòng học thông thống, ánh sáng không đủ. Các em đi học chủ yếu được bố mẹ đèo xe máy ngoài đường, không có điều kiện đi ô tô nên va chạm với thời tiết rất nhiều... Vì vậy theo ông, nếu nhìn nhận vì quyền lợi của trẻ em là trên hết thì những hôm trời lạnh thế này, quy định nghỉ rét cho học sinh của ngành giáo dục là đúng đắn.

Về việc một số phụ huynh cho rằng, nên để các em học sinh làm quen với thời thiết khắc nghiệt cũng là một cách để tăng sức đề kháng, BS An cho rằng, ở phương Tây, trẻ em được nghịch tuyết từ bé. Chính sự huấn luyện này nên sức khỏe trẻ em Tây khác hẳn với chúng ta.

Thứ hai, về điều kiện môi trường, ở nước ngoài khá sạch sẽ nên ít vi trùng hơn. Còn ở ta, vi trùng rất dễ xâm nhập do vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Khi trẻ bị nhiễm lạnh, vi trùng vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập gây viêm phổi và nhiều bệnh khác rất khó cứu chữa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết thêm, nếu trời lạnh mà đưa các con đến trường, nhiều nơi cơ sở vật chất chưa đảm bảo, làm ảnh hưởng sức khỏe trẻ em cũng không nên.

“Về chủ trương, chúng tôi đã có quy định rất cụ thể về các trường hợp nhà trường phải trông trẻ nếu gia đình trót đưa con đến trường trong những ngày này. Tuy nhiên, về phía quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng, nên vì sức khỏe trẻ em là trên hết. Các gia đình nên cố gắng chủ động sắp xếp với việc các con nghỉ học trong một thời gian ngắn”, ông Thống cho biết.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.