Trẻ học tại nhà có thể gặp bất ổn về tâm lý

“Bọn trẻ cần bạn bè, sẽ đến lúc bọn trẻ yêu bạn bè hơn cha mẹ. Lúc đó, chắc chắn đứa trẻ home-schooling sẽ gặp một số bất ổn về tâm lý”, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.

“Bọn trẻ cần bạn bè, sẽ đến lúc bọn trẻ yêu bạn bè hơn cha mẹ. Lúc đó, chắc chắn đứa trẻ home-schooling sẽ gặp một số bất ổn về tâm lý”, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.

Trước những ý kiến trái chiều về mô hình học tại nhà (home-schooling) mà một gia đình sống ở Sài Gòn quyết định cho con gái nhỏ của mình theo học,  Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã có chia sẻ để chúng ta hiểu rõ hơn về mô hình này.

Có những kỹ năng chỉ học được ở trường

Phóng viên: Home-schooling (tự học tại nhà) là mô hình học tập được biết đến rộng rãi ở một số nước phương Tây, nhưng ở Việt Nam thì còn quá mới. Theo bà, việc một gia đình ở Sài Gòn quyết định cho con theo học hình thức này khi bé mới 3 tuổi (có thể nói là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam) có phải là một lựa chọn mạo hiểm trong khi cha mẹ không làm trong ngành giáo dục?

TS. Vũ Thu Hương: Theo tôi, home-schooling chưa thực sự phù hợp với Việt Nam. Sự chọn lựa này cho thấy việc khủng hoảng lòng tin trầm trọng trong lĩnh vực giáo dục. Để thực hiện home-schooling, cha mẹ cần có những đầu tư rất đặc biệt cho trẻ nhỏ. Liệu hai phụ huynh đó đã biết họ cần phải làm gì, cần phải chuẩn bị gì và sẽ ứng xử như thế nào trong từng tình huống hay chưa? Có lẽ điều này để hai phụ huynh đó trả lời.

PV: Có ý kiến cho rằng, cha mẹ có thể dạy con kỹ năng sống tại nhà nhưng tri thức và kiến thức xã hội thì phải đến trường bởi cha mẹ không phải là chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực. Bà nghĩ sao?

Kiến thức trong cuộc sống rất đa dạng và nó có mặt ở khắp mọi nơi. Cha mẹ hoàn toàn có thể dạy cho con nếu như họ có đủ khả năng sư phạm. Điều này, tôi không hề nghi ngờ. Tuy nhiên, có những thứ chỉ có trường học mới cung cấp được.

home-schooling, tự học, tại nhà, môi trường, giáo dục, nhà trường, phù hợp, Việt Nam

Có những kĩ năng mà chỉ khi đến trường trẻ mới được học.

PV: Một số vị phụ huynh tin rằng, tri thức có trong sách nên họ có thể dùng sách để dạy con. Thưa bà, việc cha mẹ tự dùng sách để dạy con hay có khả thi hay không?

Thời gian vừa qua, trong cả nước đã phát hiện vô vàn các ấn phẩm được coi là để dành cho trẻ em nhưng có hình thức và nội dung không phù hợp. Do vậy, việc chọn lọc sách, chọn lọc phương pháp dạy con,…. đòi hỏi khả năng sư phạm và trình độ hiểu biết về khoa học kĩ thuật của những người đảm nhận vai trò dạy dỗ cháu bé. Nếu chỉ cần xảy ra một chút sai sót nhỏ, mọi việc có thể sẽ diễn biến khó lường.

PV: Thưa bà, học tại nhà ở độ tuổi bao nhiêu là phù hợp và đến độ tuổi nào thì trẻ nên đến trường?

Tôi thường khuyên các cha mẹ cho con đến trường mầm non khi vừa tròn 2 tuổi. Không nên để con ở nhà lâu hơn. Có những kĩ năng mà chỉ khi đến trường trẻ mới được học. Các giáo viên tiểu học cũng có thể cho chúng ta biết những vấn đề mà một cháu bé trốn mầm non gặp phải khi bước vào lớp 1.

Nếu home-schooling có lợi thế là một “thầy” – một trò, trẻ được học các kỹ năng nhanh hơn và kỹ hơn, được thực hành nhiều hơn. Thì theo bà, giáo dục tại nhà trường có những điểm ưu việt gì?

Những điều vô cùng quan trọng đối với một đứa trẻ là kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thực hiện công việc trong một tập thể, kĩ năng giao tiếp với các bạn bè cùng trang lứa, kĩ năng giữ kỉ luật tập thể, kĩ năng làm việc với những người không phải là cha mẹ mình (các thày cô giáo), kĩ năng ứng xử khi không có cha mẹ ở bên cạnh, kĩ năng làm việc trong môi trường cạnh tranh, kể cả kĩ năng ứng xử khi bị bất công… là những thứ mà các trường học luôn cung cấp cho học sinh cho dù trường đó dạy theo chương trình nào, sách giáo khoa nào.

Ngoài ra, việc dạy một thày một trò sẽ khiến đứa trẻ nhanh chóng mệt mỏi và chán học. Một đứa trẻ chỉ có khả năng tập trung trong 15 phút. Khi học chung cả lớp, khi thày cô hướng sự chú ý sang trẻ khác, các cháu có thời gian giải lao trong vài phút trước khi cô lại chú ý đến mình. Home-schooling không có bạn học chung. Đứa trẻ học liên tục với cường độ quá cao sẽ khiến cho bé nhanh mệt mỏi và chán nản.

PV: Nếu không được đến trường, theo bà, đứa trẻ có bị thiệt thòi gì không? Như thiếu môi trường giao tiếp, sẽ ít bạn bè hơn, và không có bằng cấp chẳng hạn?

Bằng cấp không phải là thứ quan trọng nhất. Nếu cha mẹ ấy thật sự tôn trọng kĩ năng thì cũng cần nhớ là trường học tạo điều kiện cho trẻ phát triển rất nhiều kĩ năng. Hơn nữa, khả năng sống độc lập của trẻ cũng sẽ được bồi dưỡng, trau dồi trong môi trường lớp học.

Đó là chưa kể những kỉ niệm, những niềm vui, những bí mật mà chỉ riêng lũ trẻ biết và chia sẻ với nhau và cả những hoàn cảnh các gia đình khác cũng là những bài học cuộc sống thiết thực mà trường học đã tạo ra cho trẻ.

Đó là chưa kể cảm giác mặc cảm của đứa trẻ khi bị cư xử một cách quá bất bình thường giữa chính quê hương của nó. Chắc chắn đứa trẻ sẽ có cảm giác lạc lõng và cô đơn. Bọn trẻ cần bạn bè, sẽ đến lúc bọn trẻ yêu bạn bè hơn cha mẹ. Lúc đó, chắc chắn đứa trẻ home-schooling sẽ gặp một số bất ổn về tâm lý.

PV: Người mẹ cho rằng, dạy con tại nhà sẽ dạy được những kiến thức bổ ích và thiết thực hơn trong cuộc sống, trong khi nhà trường chỉ cung cấp những kiến thức sách vở, không ứng dụng được trong cuộc sống. Bà nghĩ sao về ý kiến này, có phải trường học hiện nay đang cung cấp những kiến thức không ứng dụng được trong thực tế?

Những thứ người mẹ nói chỉ là một phần rất nhỏ trong khối lượng kiến thức, kĩ năng, và thái độ sống cần thiết mà một đứa trẻ cần có. Nếu xét riêng về kiến thức, có vô vàn cách để kiếm tìm ra nó. Nhưng còn kĩ năng và thái độ thì không đơn giản. Đó là chưa kể kiến thức bậc mầm non và tiểu học đơn giản nhưng phương pháp dạy, tâm sinh lý trẻ… lại không phải là điều đơn giản. Để thiết kế ra một bài học phù hợp với trẻ đòi hỏi cả một công trình làm việc vô cùng nghiêm túc của các giáo sư trong ngành giáo dục.

Hơn nữa, không thể nói rằng 100% kiến thức dạy trong nhà trường hiện này không được ứng dụng trong thực tế. Giáo dục Việt Nam thiếu sự kết nối với thực tế ở một số bài học chứ không phải là toàn bộ.

home-schooling, tự học, tại nhà, môi trường, giáo dục, nhà trường, phù hợp, Việt Nam
“Nếu cha mẹ thật sự tôn trọng kĩ năng thì cũng cần nhớ là trường học tạo điều kiện cho trẻ phát triển rất nhiều kĩ năng” – TS Vũ Thu Hương.

5 điều kiện tiên quyết để home-schooling

PV: Theo bà, mô hình giáo dục tại nhà đã phù hợp để áp dụng ở Việt Nam chưa?

Theo tôi nghĩ, việc này còn tùy vào đánh giá của phụ huynh. Tuy nhiên, tôi sẽ liệt kê ra đây một số điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành mô hình home-schooling cho dù ở quốc gia nào:

- Có gia sư phù hợp cho trẻ. Cho dù học ở nhà hay ở trường, đứa trẻ cũng cần giáo viên. Cha mẹ không thể thay thế nhiệm vụ này vì họ đã là người tạo ra chúng. Cha mẹ không thể có suy nghĩ khách quan để tiến hành làm việc với trẻ 100%. Ngoài ra, khi đứa trẻ gặp những vấn đề mâu thuẫn với giáo viên, chúng cần tìm đến cái nơi ẩn nấp an toàn chính là cha mẹ. Nếu cha mẹ và giáo viên nhập làm một, chắc chắn sẽ có lúc đứa trẻ cảm thấy vô cùng cô đơn.

- Có môi trường bạn bè dành riêng cho bé. Bọn trẻ cần tập thể. Ở nước ngoài, bọn trẻ có cộng đồng home-schooling để có thể chia sẻ với nhau. Vì thế, chúng sẽ không cảm thấy quá cô đơn.

- Chương trình dạy học phù hợp. Chương trình học hiện hay của Việt Nam được soạn dành cho việc dạy ở trường. Nhiều hoạt động đòi hỏi hoạt động tập thể, hoạt động nhóm. Trong những trường hợp đó, mô hình home-schooling sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

- Chương trình giáo dục phù hợp. Dạy học là những hoạt động trên lớp, giáo dục là những hoạt động khác. Một ngôi trường ngoài giờ trên lớp còn có hoạt động ngoại khóa, sao nhi đồng, đội thiếu niên tiền phong, đoàn thanh niên, hoạt động bảo vệ môi trường, các tuần lễ an toàn giao thông, chống bạo lực học đường… Những chương trình này đòi hỏi phải có rất đông học sinh tham gia. Vì thế, home-schooling sẽ thiếu hụt và phải có chương trình khác thay thế.

- Chương trình tái hòa nhập cộng đồng. Đứa trẻ học gì, học thế nào,… thì cũng để sống tốt trong cộng đồng. Home-schooling có hoạt động bó hẹp trong gia đình sẽ khiến đứa trẻ thiếu kĩ năng hòa nhập cộng đồng. Vì thế, mô hình này đương nhiên phải có một chương trình tái hòa nhập cộng đồng dành cho trẻ.

PV: Giáo dục những năm đầu đời quan trọng như thế nào đối với một đứa trẻ? Theo bà, môi trường như thế nào sẽ tốt nhất cho việc tiếp thu và phát triển của trẻ?

Tôi nghĩ, bọn trẻ cần nhất là sự phát triển tự nhiên trong một môi trường phù hợp với vị trí của một người bình thường. Là thiên tài hay người thường thì đứa trẻ cũng sẽ có cuộc sống với tự nhiên và xã hội của chính chúng.

Đứa trẻ chỉ có thể phát triển tốt nếu chúng được coi là hoàn toàn bình thường. Vì thế, theo tôi, cách hay nhất là hãy để cho chúng được là người bình thường và phát triển tự nhiên.

Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.