Trẻ quên mất ý nghĩa 20/11 do có bố mẹ làm hộ

Không phải chỉ có ngày 20-11, trẻ mới ngoan hơn hay tôn trọng thầy cô… Điều này cần được thực hiện mỗi ngày.

Không phải chỉ có ngày 20-11, trẻ mới ngoan hơn hay tôn trọng thầy cô… Điều này cần được thực hiện mỗi ngày.

Không khí 20 -11 đã nhộn nhịp khắp nơi! Tại các trường học, học trò hăng hái tập luyện văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Đâu đó ở công sở, hàng quán, phụ huynh ‘tám’ về các thầy cô của con mình… Thế mới biết, sức ‘nóng’ của ngày 20-11 là như thế nào và những tâm tư tình cảm dành cho những người thầy, người cô qua bao thế hệ vẫn thế, nồng nàn và đầy ý nghĩa.

Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, hàng năm, các trường học đều đặn kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Phụ huynh cũng chu đáo cùng con gửi những lời chúc, lời cảm ơn hoặc những món quà nhỏ để cảm ơn các thầy cô, liệu như vậy đã là đủ và phù hợp? Và từ bao giờ, ngày nhà giáo dường như đã biến thành ngày của người lớn trong khi con trẻ và học trò nói chung mới nên là người cần thể hiện tình cảm của mình với thầy cô?

Xin phép chia sẻ một số quan điểm cá nhân như sau:

Không có gì cần phải bàn khi bố mẹ cảm ơn thầy cô của con mình, ngược lại, còn rất tốt. Đó cũng là một phần trong việc phụ huynh hợp tác, gần gũi… với giáo viên trong quá trình dạy dỗ con trẻ. Và cũng sẽ không có gì đáng phải viết, chỉ là chúng ta muốn con cái của chúng ta học được gì qua ngày 20-11? Mức độ ‘liên quan’ của con với ngày lễ tri ơn thầy cô đến đâu? Phải chăng đã đến lúc chúng ta xem lại mục đích của ngày 20-11!

20 -11 là dịp lí tưởng để học sinh bày tỏ lòng kính trọng và thể hiện sự biết ơn đối với thầy cô. Do đó, hãy để cho trẻ dẫn dắt bạn! Thử lắng nghe con muốn làm gì, làm cho ai, làm như thế nào… Có nên chăng phụ huynh nên để con là người đóng vai chính, còn mình sẽ là người giúp con thể hiện các ý tưởng và dự định của con?

Trẻ quên mất ý nghĩa 20/11 do có bố mẹ làm hộ - 1

Trẻ sẽ rất hào hứng khi được thể hiện tình cảm của mình với thầy cô qua những việc nhỏ như tự vẽ tranh, chọn thiệp, tự viết lời chúc, làm bưu thiếp… (Ảnh minh họa)

Có thể con chỉ thích vẽ một tấm thiệp cho cô giáo dạy nhạc?

Có thể con để ý thấy cô giáo của mình thích mặc đồ có sắc hồng nên con sẽ bảo mẹ mua tặng cô?

Hay con gợi ý mẹ mua một chiếc khăn quàng to dày thay chiếc khăn quàng mỏng cô vẫn dùng đến trường?

Có thể là một lọ chanh muối của bà giúp cô không viêm họng trong mùa đông sắp tới?

Trẻ sẽ rất hào hứng khi được thể hiện tình cảm của mình với thầy cô qua những việc nhỏ như tự vẽ tranh, chọn thiệp, tự viết lời chúc, làm bưu thiếp… Thử tưởng tượng, các thầy cô sẽ thấy vui và ấm áp như thế nào khi nhận được những câu chúc có nét chữ từ chính học trò của mình!

Mỗi một đứa trẻ sẽ có rất nhiều thầy cô dạy dỗ. Tuy nhiên, sẽ có đôi lúc bố mẹ có tâm lí năm nay con mình học lớp nào thì chỉ cần chúc thầy cô đấy thôi! Điều này phần nào làm giảm đi ý nghĩa của ngày 20-11 ‘Nhớ ơn thầy cô’. Vì thế, bạn hãy cùng con lên kế hoạch để chúc mừng những thầy cô đã và đang dạy con. Có thể khó để làm thật nhiều thiệp hay vẽ thật nhiều tranh nhưng chính con cũng sẽ có những chọn lựa phù hợp với từng thầy cô và con sẽ chủ động sắp xếp thời gian phù hợp. Hoặc khi con lớn hơn, do điều kiện không cho phép, con có thể gửi thư, gọi điện thoại cho thầy cô… Đừng vì tâm lí ‘cô cũ, thầy cũ’ hay ‘môn chính, môn phụ’ của người lớn mà làm ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của con trẻ!

Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay, trẻ không chỉ có những thầy giáo, cô giáo ở trường học, mà còn có những thầy cô giáo khác như thầy dạy vẽ, thầy dạy võ, cô giáo gia sư, cô dạy đàn… Hãy nói chuyện cùng trẻ để trẻ hiểu được rằng mình cũng cần thể hiện sự tôn trọng, biết ơn đối với những người dạy mình, dù không phải ở trường. Như vậy có nghĩa là những người thầy giáo, cô giáo cũng có thể là những người ngay chính trong gia đình, những người cùng trẻ học bài mỗi tối, hay cũng có thể là bà ngoại dạy trẻ làm bánh, là anh dạy em chơi một trò chơi mới…

Chia sẻ và giải thích cho trẻ hiểu được những điều nên làm đối với thầy cô. Không phải chỉ có ngày 20-11, trẻ mới ngoan hơn hay tôn trọng thầy cô… Điều này cần được thực hiện mỗi ngày.

20-11 đang rất nhộn nhịp và thực sự là ngày quan trọng trong truyền thống của người Việt Nam. Do đó, hãy để cho những ai đang là học trò và đã là học trò được thể hiện lòng biết ơn đối với thầy, với cô, trả lại ngày này theo đúng ý nghĩa của nó – Ngày học trò tri ân thầy cô của mình!

Con trẻ là nhân vật chính và bố mẹ đóng vai trò hỗ trợ. Có như vậy, ý nghĩa, gốc gác của ngày nhà giáo Việt Nam mới không bị phai mờ!

Nhân ngày 20-11, xin cảm ơn các thầy cô thật nhiều!

Kính chúc tất cả các thầy giáo, cô giáo luôn dồi dào sức khỏe, tràn đầy nhiệt huyết để tiếp tục đồng hành cùng học trò thân yêu!

Theo Khám Phá


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.