Thể thao Việt Nam và câu chuyện xuất ngoại

6 cái tên của thể thao Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất ở thời điểm hiện tại là Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Lê Quang Liêm (cờ vua), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)....

6 cái tên của thể thao Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất ở thời điểm hiện tại là Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Lê Quang Liêm (cờ vua), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) và mới nhất là VĐV quần vợt Lý Hoàng Nam – người vừa đoạt cúp vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015.


Lý Hoàng Nam, Nguyễn Tiến Minh, Lê Quang Liêm thành công nhờ những chuyến xuất ngoại bổ ích bằng tiền của gia đình và nhà tài trợ

Điểm chung dẫn tới thành công và sự nổi tiếng của 6 VĐV kể trên là được thi đấu cọ xát và tập huấn nước ngoài dài hạn.

Với Tiến Minh, Quang Liêm là hàng chục giải quốc tế lớn nhỏ mỗi năm, Ánh Viên là chuỗi ngày quanh năm suốt tháng tập luyện tại Mỹ còn Kim Tuấn cũng thường xuyên đi Bulgaria, Hungari, Nga hay Pháp luyện tập, tranh tài. Khiêm tốn hơn như Xuân Vinh hay Hoàng Nam, mỗi năm cũng dự từ 3-5 giải quốc tế. Tất cả trong số họ đều thừa nhận: “Được tập luyện, thi đấu quốc tế giúp trình độ của họ tiến bộ hơn trong nước rất nhiều”. 

Ai cũng biết, muốn VĐV đạt thành tích cao thì cần đầu tư môi trường tập luyện, thuê chuyên gia, có chế độ dinh dưỡng… tương xứng và muốn thế phải có tiền, thậm chí rất nhiều tiền mới đào tạo nên một VĐV đẳng cấp. Song con số khoảng hơn 1.000 tỷ đồng rót cho ngành thể thao mỗi năm chẳng thấm vào đâu khi phải dàn đều cho hơn 40 môn, đội tuyển tập luyện, thi đấu ròng rã cả năm trời. Tiền ít khiến thời gian mỗi chuyến xuất ngoại của các đội tuyển hoạt động bằng ngân sách buộc phải cắt xén và hiệu quả thu về không như ý.

Cụ thể như lời kể của nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) thì chuyến đi Mỹ tập huấn chuẩn bị cho ASIAD 17, do thời tiết và đồ ăn phương Tây không hợp nên nhiều VĐV bị sút cân, đến lúc vừa mới thích nghi thì phải… về nước mà chưa kịp học hỏi được gì do quỹ thời gian tập huấn ngắn ngủi đã hết. Thực tế cho thấy những chuyến tập huấn  như thế là một sự lãng phí lớn trong bối cảnh “túi tiền” của ngành thể thao còn eo hẹp.

Một sự lãng phí khác đáng lên án đó là việc một số người có trách nhiệm nhân chuyến xuất ngoại tập huấn, thi đấu hoặc học hỏi nâng cao để… du lịch. Mấy năm trước, một số đội tuyển râm ran khi thi thoảng lại thấy người nhà ông trưởng bộ môn, hay “sếp” Tổng cục TDTT có tên trong danh sách đi nước ngoài tập huấn dù chẳng đóng vai trò chuyên môn gì trong đoàn. Rồi căn bệnh “quân anh, quân tôi” dẫn tới việc HLV điền tên “trò ruột” của mình đi nước ngoài tập huấn trong khi các VĐV xứng đáng hơn phải ở nhà.

Hay cũng không thể không nhắc lại chuyến tập huấn Mỹ của tuyển điền kinh năm 2013 gây thất vọng cho chính người trong cuộc khi điều kiện ăn ở, trình độ HLV ở mức làng nhàng, thua cả mặt bằng tập huấn trong nước dù chuyến đi đó ngốn ngân sách của ngành thể thao nhiều tỷ đồng.

Xã hội hóa thể thao để có thêm nhiều những chuyến xuất ngoại cho tài năng trẻ tiếp tục là bài toán đặt ra với ngành thể thao, song song với đó là làm sao để những chuyến xuất ngoại hiếm hoi không biến thành du lịch giá cao.

Theo An ninh thủ đô


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.