John Sperling - Nhà đầu tư kỳ dị

Bao năm nay tiền của tỷ phú John Sperling đã đổ vào những dự án đầu tư lạ lùng, thiết thực đầy ý nghĩa cũng có mà xem ra như ảo mộng huyễn hoặc cũng nhiều.

Một ngày tháng Hai năm 2002, điện thoại bàn tỷ phú John Sperling reo. Ông nhắc máy. Tin từ trại nhân bản thú cưng GS&C ở Texas A&M hồ hởi báo tin họ đã thành công với chú mèo đầu tiên. Thương gia người Arizona bình thản chúc mừng rồi buông ống nghe, thở dài. Mèo chứ không phải chó! Phi vụ đầu tư 10 triệu USD cho GS&C đã có bước khởi đầu tốt nhưng lại chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của cái đầu đầy ý tưởng “quái” như Sperling.

Khởi đi từ tấm lòng

Điều vị tỷ phú này chờ đợi là có được bản sao thứ hai của Missy, chú chó thân yêu đã gắn bó với ông suốt 15 năm. Chính nhờ cô khuyển giống Border này mà thế giới có được nàng mèo nhân bản đầu tiên. Can đảm, liều lĩnh, năng động và hiểu tính chủ, đó là những đức tính của Missy khiến John sẵn sàng chi hằng triệu USD, dấn thân vào ngành kinh doanh nhân bản thú nuôi.

Cũng chính chú là mục tiêu tối hậu nên dự án có cái tên Missyplicity. Nghe kỳ khôi nhưng thực sự John Sperling không kinh doanh thuần cảm tính. Quãng đời trên 80 năm lập nghiệp, nếu chỉ dựa theo xúc cảm mà đổ tiền thì có lẽ gia sản của ông đã bốc hơi từ lâu. Tuổi thơ của John dữ dội ngay từ mái ấm càng khiến ông không phung phí đồng tiền như một người cuồng.

Dấu ấn niên thiếu đã hình thành nên những ý nghĩ lạ, muốn thực hiện những gì người khác không làm, và trong sâu thẳm tính nhân bản chúng cũng mặc từng tầng ý nghĩa riêng biệt.

Từ nhỏ John Sperling là một đứa trẻ mắc chứng rối loạn trí não khó đọc viết nên cả dòng đời luôn gắn liền với hai chữ tự học. John cũng là một cậu bé nhà nghèo, luôn bị cha bạo hành, phải bỏ lớp nửa chừng theo tàu buôn đi tứ xứ. Suốt quãng đường sông nước hàng hải ông vẫn tự làm bạn với sách, tập viết tập đọc ngay trên boong, dần mê tiểu thuyết và cuối cùng đắm đuối với chính rào cản lớn nhất đời mình: giáo dục! Lòng kiên trì với cái học của John cũng lạ lùng như các phi vụ đầu tư của ông sau này.

Chữ nghĩa đắc thủ từ tàu đem theo vào ngành không quân thành vốn liếng và bệ phóng để anh lính Sperling lấy bằng cao học sử nước Anh. Kế tiếp ông ngốn luôn hằng đống giáo trình để lấy chức danh tiến sĩ sử kinh tế đại học Cambridge. Cuối cùng John Sperling hành nghề giáo. Ngôi trường San Jose State bắt đầu bị khuấy động bởi ông thày sử có cách dạy cách tân, thủ lĩnh công đoàn giáo viên, sẵn sàng chống lại các kiểu tiếp thu “hàn lâm vẹt” và cách giảng dạy quan liêu của những đồng nghiệp chỉ lấy chữ nghĩa thuần làm nghề kiếm sống.

Việc theo học và thăng tiến trong quá trình tiếp thu kiến thức của lớp công nhân đã trưởng thành là đối tượng khiến John Sperling suy nghĩ nhiều nhất. Lúc ấy, chẳng có bao nhiêu giáo trình thích hợp giúp những người đang đi làm này có được những học vị cử nhân, cao học hay tiến sĩ.

Sự thiệt thòi vì mưu sinh của họ khiến John day dứt. Năm 1994 Sperling đổ tiền lập công ty Apollo Group, bắt tay với đại học Phoenix đi tiên phong với sách lược giáo dục mở rộng dành riêng cho những người vừa học vừa làm qua các giáo trình được hệ thống hóa khoa học, thích hợp.

Học phí rẻ do viện không đầu tư lớn vào các phòng ốc sang trọng, tiện nghi hay tối tân như các trường đại học truyền thống. Ý nghĩa nâng cao giáo dục cộng đồng ấy hóa ra lại đem về cho John rất nhiều tiền. Học viện phát triển vươn tầm quốc tế với 300.000 người từng theo học. Chương trình này đang là phương tiện chủ yếu cung cấp cho thị trường một khối lượng lớn nhân công có trình độ, được đào tạo bài bản.

Đến các dự án lạ thường

Từ thành công của Apollo Group, John Sperling mang tiếp tinh thần nhân bản ấy “soi” vào luật chống ma túy ở Mỹ.

Cùng với George Soros và Peter Lewis, John đổ ra 13 triệu USD phát động chiến dịch vừa hô hào vừa tài trợ kinh phí để “biến” nhà tù giam phạm nhân ma túy thành cơ sở điều trị.

Chính nhờ nỗ lực của ê-kíp này mà đến nay những con nghiện ở vài bang như Arizona hay California không còn phải ngồi tù như trước. Gia tài vượt mốc 1 tỷ USD thì John đã bước qua ngưỡng tuổi 80. Thế nhưng ngày ngày người ta vẫn thấy người đàn ông độc thân đã 37 năm sau hai lần ly dị này sống như một người trung niên tuổi 50. Ông thức dậy thật sớm, chạy bộ, tập thể hình rồi đến ngôi biệt trang kiến trúc Tuscane ở Phoenix để gửi mail giao dịch với đối tác kinh doanh và các bộ phận đang thực hiện những dự án rất đỗi phiêu lưu của mình.

Kỳ vọng nhân bản chú chó thân yêu Missy ngốn 10 triệu USD chưa đi tới đâu chỉ là một trong vài phi vụ đầu tư kỳ dị bên cạnh những công cuộc làm ăn đầy ý nghĩa như Apollo Group của John Sperling.

Trang trại nhân bản thú cưng GS&C 6 triệu USD hoàn toàn tự động là một cái gai trong mắt PETA. Nhóm bảo vệ quyền thú vật này vui ra mặt khi biết giống chó như Missy của John là loài có vú khó nhân bản nhất trong giới động vật. Thế nhưng chủ nó vẫn tin tưởng còn đủ thời gian sống để thấy phiên bản Missy thân yêu ra đời.

Cùng với Ed Bass, nhà sáng tạo khu vòm sinh học khổng lồ Biosphere và Joe Firmage với các đầu tư nghiên cứu về người ngoài hành tinh, John Sperling hình thành nhóm bộ ba tỷ phú kỳ quặc.

Chưa hết! Viện nghiên cứu và điều trị kéo dài tuổi thọ Kronos ở Phoenix với quy trình cung cấp chăm sóc đặc biệt bằng các thuốc đặc chủng do phòng Lab của viện chế biến cũng ngốn hết của ông 44 triệu USD trước con mắt hoài nghi của nhiều người.

Theo Trung Nghị

TNTT>



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.