Xử lý sai phạm tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã ký công văn yêu cầu Tập đoàn bưu chinh viễn thông (VNPT) xử lý các vi phạm trong đầu tư dự án của một số công ty thành viên, đồng thời đôn đốc các đơn vị nộp các khoản tiền sai phạm trong quá trình cổ phần hóa.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng sau khi xem xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ và giải trình của VNPT liên quan đến Kết luận thanh tra việc thực hiện cổ phần hóa Tập đoàn này và một số đơn vị thành viên.

Theo đó, VNPT có trách nhiệm xử lý các vi phạm của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC), Công ty cổ phần Thương mại Bưu chính Viễn thông (COKYVINA), Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF), vì đã có vi phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu VNPT phải chịu trách nhiệm đôn đốc các đơn vị nộp các khoản nợ phần vốn nhà nước về Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp VNPT 64.660.174.887 đồng; cổ tức phần vốn nhà nước về VNPT là 23.647.258.471 đồng, trước ngày 31-12-2010.

VNPT cũng phải thu hồi ngay các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân là 529.921.706 đồng bổ sung về ngân sách nhà nước; khoản giá trị bán thanh lý tài sản không cần dùng trị giá 281.700.000 đồng về Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp.

Đồng thời, VNPT phải tiến hành rà soát diện tích đất tại các đơn vị đã cổ phần hóa thuộc Tập đoàn đang quản lý sử dụng, xử lý những tồn tại, sai phạm về đất đai như trong Kết luận thanh tra đã nêu. Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ quản của VNPT kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại, sai phạm.

Về việc quản lý sử dụng đất đai tại Dự án đầu tư Khu xây dựng tập trung Định Công do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị - HUD làm chủ đầu tư, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật.

Từ các sự việc trên, Bộ Tài chính có trách nhiệm nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế phối hợp giữa công ty cổ phần, các nhà đầu tư với các cơ quan nhà nước xử lý những thiếu sót, sai phạm về xác định thiếu giá trị tài sản doanh nghiệp nhà nước khi đã có quyết định chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm các đơn vị tư vấn trong việc xác định không chính xác giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị nói trên phải báo kết quả thực hiện trước ngày 31-3-2010.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm trong việc chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) và CPH. Về việc chỉ đạo CPH, Tập đoàn chưa hoàn thành CPH những đơn vị có quy mô vốn nhà nước tương đối lớn như Công ty Thông tin di động, Công ty TNHH một thành viên cáp quang FOCAL; không ra Quyết định CPH đối với 26/39 đơn vị thành viên của VNPT.

Việc phê duyệt điều chỉnh giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC), Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện (POSTEF) chưa chính xác; chưa quyết toán vốn nhà nước khi chuyển sang Công ty cổ phần; chưa bàn giao tài sản, tiền vốn, lao động giữa doanh nghiệp (DN) nhà nước và công ty cổ phần của 24 đơn vị đã CPH.

Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng đất đai còn nhiều thiếu sót, xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp (DN) ở một số đơn vị không đúng quy định. Các đơn vị thành viên quản lý, sử dụng 343.981m2 đất nhưng tính đến hết năm 2008, còn 13 đơn vị chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên - môi trường các địa phương, chưa nộp tiền thuê đất theo quy định, chưa chuyển sang hình thức thuê đất đối với diện tích đất giao, đất chuyển nhượng; trái với quy định của pháp luật.

Về việc CPH, cổ tức của phần vốn nhà nước và khoản lãi chậm nộp chưa nộp về VNPT. Việc điều chỉnh các số liệu tài chính như: tiền thu sử dụng vốn, phân phối lợi nhuận; giá trị lợi thế kinh doanh; giá trị thu hồi tài sản không cần dùng xác định thiếu và sử dụng quỹ dự phòng... không đúng làm tăng giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động không mua hết cho một số cán bộ trong công ty theo mệnh giá mà không có ý kiến phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Tập đoàn chưa tiến hành bàn giao tài sản, tiền vốn giữa công ty nhà nước và công ty cổ phần; xác định thiếu giá trị DN làm giảm giá trị vốn nhà nước; xác định thiếu vào giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần; chưa quyết toán kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư với Bộ Tài chính; chưa nộp tiền thanh lý tài sản về công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng.

Theo V.V.T



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.