Đằng sau các cuộc chuyển dịch CEO bảo hiểm

Không nóng như chứng khoán hay ngân hàng, nhưng sự thay đổi nhân sự cấp cao của các công ty bảo hiểm cũng có nhiều chuyện thú vị.

Không nóng như chứng khoán hay ngân hàng, nhưng sự thay đổi nhân sự cấp cao của các công ty bảo hiểm cũng có nhiều chuyện thú vị.

Sau hơn 1 năm rời Tập đoàn Bảo Việt (BVH) về giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực cho Công ty cổ phần (CTCP) PVI, ông Phạm Khắc Dũng chuẩn bị đảm nhận thêm vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife (do PVI nắm 51% vốn). Không chỉ đến bây giờ, khi đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực nhân thọ, mà ngay sau khi chuyển đổi mô hình thành công ty mẹ - con (hồi tháng 7 năm ngoái), PVI được dự báo sẽ lấy đi một số nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm khác.

PVI đã cho ra đời hai công ty con (do PVI nắm 100% vốn) là Tổng công ty Bảo hiểm PVI (hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ) và Công ty Tái bảo hiểm PVI. Trước đó, ông Dũng từng gắn bó nhiều năm với BVH và nắm giữ vị trí quản lý cấp cao trong Tập đoàn (Giám đốc Khối Quản lý hoạt động). Ông Dũng được mời về PVI với vai trò chính là cùng HĐQT, Ban điều hành chuẩn bị cho việc triển khai công cuộc tái cấu trúc DN cũng như phát triển thương hiệu PVI.

CEO của các công ty bảo hiểm cũng chuyển dịch không ngừng

Còn ông Lê Hoài Nam, sau 17 năm gắn bó với Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) đã từ bỏ vị trí Phó tổng giám đốc điều hành, phụ trách Ban Kỹ thuật và Năng lượng của Vinare để về làm Tổng giám đốc Công ty Tái bảo hiểm PVI (ông Nam bắt đầu sự nghiệp làm tái bảo hiểm vào năm 1994 tại Vinare).

Với các DN bảo hiểm trực thuộc ngân hàng, việc thay đổi nhân sự cấp cao chịu sự quản lý thêm bởi ngân hàng mẹ. Ông Tôn Lâm Tùng, dưới sự chấp thuận của Ngân hàng BIDV, sau một thời gian nắm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc đã chính thức làm Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC).

Tại Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC), ngay sau khi nâng tỷ lệ sở hữu từ 18% lên gần 50% tại MIC hồi tháng 5/2012, Ngân hàng Quân đội (MB) đã cử ông Nguyễn Quang Hiện (Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm của MB) làm Chủ tịch HĐQT MIC thay cho ông Đỗ Văn Hưng. Cùng với đó, MB bổ sung 2 người của mình vào HĐQT MIC. Với dàn lãnh đạo cấp cao mới, MIC được dự báo sẽ mang đậm màu sắc của MB trong công cuộc tái cấu trúc MIC sắp tới.

… và những “lình xình”

Sự kiện gây bất ngờ thị trường bảo hiểm hồi tháng 5/2012 đó là quyết định miễn nhiệm ông Đỗ Văn Hải, nguyên Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI), sau nhiều lần bị khiếu kiện, tố cáo kéo dài. Trong đó, đáng chú ý là ông Hải bị chính nhân viên dưới quyền khiến kiện, chỉ trích về những lạm dụng trong quá trình chỉ đạo điều hành VNI.

Đây được coi là hiện tượng hy hữu trên thị trường bảo hiểm, bởi lâu nay, với lượng cổ đông nội bộ là nhà nước chiếm đa số, công tác điều hành tại các DN bảo hiểm phi nhân thọ được “bọc lót” cho nhau khá tốt. VNI có các cổ đông lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam.

Sau rắc rối nêu trên, HĐQT VNI thừa nhận, đội ngũ nhân sự chủ chốt chưa được lựa chọn kỹ lưỡng, lại thường xuyên biến động, khiến hoạt động của DN kém ổn định.

Tháng 9 tới, ông Vũ Tuấn Phan, Phó tổng giám đốc VNI kết thúc thời gian bổ nhiệm tạm thời (ông Phan được bổ nhiệm trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày 15/5/2012, thay thế ông Hải). Đại diện HĐQT VNI cho biết, trong công cuộc tái cấu trúc DN, ngoài cơ cấu mạng lưới, VNI sẽ cơ cấu lại nhân sự chủ chốt nhằm đưa công ty tiếp tục phát triển tốt hơn và không phát sinh các vấn đề tương tự.

Một trường hợp không gây đình đám, nhưng cho thấy bất ổn ở đội ngũ ban điều hành là tại CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC), khi nhóm cổ đông phủ quyết hầu hết các nội dung quan trọng, trong đó có cả báo cáo tài chính đã kiểm toán tại ĐHCĐ SVIC hồi tháng 5/2012 và giờ vẫn chưa tổ chức lại đại hội. Cụ thể, tại đại hội, nhóm cổ đông đề nghị làm rõ các khoản mà SVIC đã đầu tư, do hoạt động đầu tư năm 2011 của công ty chưa rõ ràng, chưa có báo cáo đánh giá kết quả đầu tư năm 2011.

Theo nhóm cổ đông này, danh mục đầu tư của SVIC có nhiều khoản rủi ro cao như đầu tư vào trái phiếu không có bảo lãnh, đầu tư vào một số công ty tài chính kém hiệu quả. Trong khi đó, SVIC chưa thực hiện theo quy chế đầu tư tài chính, phân cấp đầu tư của HĐQT. Do đó, có ý kiến nhận định, trong công cuộc tái cấu trúc SVIC sắp tới, nhiều khả năng sẽ có cả việc cơ cấu lại đội ngũ Ban điều hành theo ý của cổ đông nắm quyền chi phối.

Theo Đầu tư Chứng khoán
 



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.