Bí mật của mối quan hệ cha mẹ và con cái "chất lượng cao" nằm ở đâu? - Câu trả lời của chuyên gia khiến nhiều phụ huynh "ngã ngửa"

Có người trên diễn đàn Zhihu hỏi: Trong quá trình trưởng thành, điều gì khiến trẻ không còn muốn giao tiếp với cha mẹ? Câu trả lời được ủng hộ nhiều nhất là: "Mất niềm tin".

Làm thế nào để xây dựng mối quan hệ cha mẹ và con cái chất lượng cao? Ông Tiền Chí Lượng, giảng viên nổi tiếng của Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc) - một chuyên gia về giáo dục trẻ em, cho rằng, có 4 điểm mấu chốt giải đáp thắc mắc này.

Ông cho biết, qua những tâm sự mình nhận được từ các bậc phụ huynh, có thể thấy sự xót xa, hoang mang của họ cũng như hàng loạt vấn đề giáo dục trẻ hầu hết nảy sinh từ mối quan hệ cha mẹ - con cái không tốt.

Họ than phiền: "Bọn trẻ rất ít giao tiếp với chúng tôi. Khi ở nhà, chúng thường nhốt mình trong phòng và chỉ ra ngoài một lúc khi đến giờ ăn"; "Con tôi năm nay học lớp 2, bình thường tôi bảo làm gì nó cũng mặc kệ, không nghe lời tôi một chút nào"; "Từ khi con tôi đến tuổi thiếu niên, mối quan hệ với cha mẹ ngày càng trở nên tồi tệ. Nó thường xuyên cãi vã và đối đầu với cha mình mỗi ngày"...

Thực tế, muốn trẻ sẵn sàng hợp tác, trước hết chúng ta cần thu phục trái tim trẻ. Nếu trẻ luôn nhận được sự tương tác tích cực, tôn trọng và tin tưởng bố mẹ thì sẽ dễ bị thuyết phục hơn khi nghe bố mẹ nói. Cảm xúc khi nói chuyện với bố mẹ sẽ bình yên và vui vẻ hơn thay vì buồn chán và tức giận. Ngược lại, nếu mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái không tốt, ảnh hưởng từ lời nói và việc làm của bố mẹ đối với con cái sẽ bị suy yếu, hiệu quả giáo dục sẽ giảm đi rất nhiều.

Bí mật của mối quan hệ cha mẹ và con cái chất lượng cao nằm ở đâu? - Câu trả lời của chuyên gia khiến nhiều phụ huynh ngã ngửa-1
Ảnh minh họa.

"Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn nhấn mạnh: mối quan hệ cha mẹ và con cái quan trọng hơn giáo dục. Muốn dạy con tốt, trước tiên phải thiết lập mối quan hệ tốt", ông Tiền Chí Lượng nói.

Quan sát nhiều gia đình có quan hệ cha mẹ con cái tốt đẹp, Tiền Chí Lượng nhận thấy họ chủ yếu làm 4 điều sau:

01. Biết cách kiềm chế

Ông Tiền Chí Lượng kể một câu chuyện: Một phụ huynh nọ chia sẻ, có một thời gian, cậu con trai học cấp 3 suốt ngày chơi điện tử, không chịu làm bài tập. Ngày nào cô cũng cằn nhằn: "Đã đến lúc làm bài tập về nhà"; "Đưa điện thoại đây! Thấy con thế này mẹ khó chịu lắm!"... Tuy nhiên, nhắc nhở cũng vô ích, ngược lại, càng nói thì đứa trẻ càng trì hoãn, trên mặt lộ rõ vẻ không vui.

Thấy tình hình không được cải thiện, bà mẹ không nói gì nữa. Cô vẫn quan tâm tới con nhưng làm tốt việc của mình, muốn đứa trẻ tự mình nhận ra vấn đề. Không ngờ với sự "dửng dưng" đó, bé đã thay đổi. Từ việc không làm bài tập về nhà, dần dần đến lớp đúng giờ và hoàn thành bài tập hàng ngày. Dù vẫn có thể chơi game nhưng tình trạng đã tốt hơn trước rất nhiều.

Sau đó, khi nói chuyện với mẹ, đứa trẻ thú nhận: "Có đôi khi không biết vì sao, mẹ càng kêu ta làm cái gì, con càng không muốn làm, hoặc làm rất miễn cưỡng. Mẹ à, con đã lớn như vậy rồi, con có thể tự lo liệu tốt, mẹ nên cho con nhiều không gian hơn".

Cô chợt hiểu ra rất nhiều điều: những gì cô cho là nhắc nhở, dặn dò "vì con" thực chất lại là một kiểu can thiệp, kiểm soát, rất dễ khơi dậy tâm lý oán giận, nổi loạn của trẻ. Trong khi, một đứa trẻ lớn lên, nó cần nhiều không gian và tự do hơn để học cách quản lý bản thân và phát triển những động lực bên trong.

Giảng viên Tiền Chí Lượng cho rằng: "Nhiều bậc cha mẹ thường lấy danh nghĩa 'tình yêu' để dàn xếp, kiểm soát con cái. Họ luôn nói 'vì điều tốt nhất cho con', nhưng không nghĩ đến việc đứa trẻ có cần nó hay không, hay cảm thấy thế nào".

Ví dụ, quan tâm trẻ quá mức và giải quyết mọi vấn đề cho trẻ: nếu dây giày bị lỏng thì thay con buộc chặt lại; con có mâu thuẫn nhỏ với bạn cùng lớp thì ngay lập tức đến trường hỏi bạn kia tình hình; không cho con lựa chọn... Càng can thiệp và kiểm soát vượt quá ranh giới, con cái càng muốn thoát ra và phấn đấu để có tự do cá nhân, bất mãn và phản kháng đối với cha mẹ.

Để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp, cha mẹ cần tôn trọng quy luật lớn lên và phát triển của con cái. Hãy để trẻ tự mình trải nghiệm và tự tìm cách giải quyết vấn đề.

02. Học cách tin tưởng

Nhiều người bị tổn thương khi còn nhỏ vì không được cha mẹ tin tưởng: "Khi tôi đi học bị mất tiền, về mách mẹ, mẹ hỏi ngược lại: Tại sao tiền của con lại bị mất? Con đã tiêu hết mà không dám thừa nhận đúng không?"; "Hồi tiểu học tôi bị bắt nạt, nhưng mẹ của đối phương đã tìm đến nhà tôi để 'hỏi tội'. Tôi giải thích thì bố không tin, còn quay lại tát tôi: Mày không chọc người khác thì bị bắt nạt đấy à?".

Có người trên diễn đàn Zhihu hỏi: Trong quá trình trưởng thành, điều gì khiến trẻ không còn muốn giao tiếp với cha mẹ? Câu trả lời được ủng hộ nhiều nhất là: "Mất niềm tin".

Cha mẹ không tin tưởng con cái sẽ khiến chúng càng ngày càng nổi loạn, quan hệ hai bên trở nên thờ ơ, xa cách. Nếu tin rằng con ngoan, thật thà, có ý thức, dần dần con sẽ thực sự trở thành người mà cha mẹ tin tưởng.

Vì vậy, đừng sử dụng giọng điệu chất vấn để trò chuyện với trẻ. Thay vì luôn nghi ngờ này nọ, tốt hơn hết bạn nên trò chuyện thẳng thắn với con để thúc đẩy sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái.

03. Tập trung vào giao tiếp hiệu quả

Có một phân đoạn trong bộ phim truyền hình Mỹ Little Sheldon đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Để trả lại tiền sửa tủ lạnh, cậu bé Sheldon đã đi bán báo kiếm tiền và thu nhập rất ít. Buổi tối về đến nhà, thấy cả nhà nói cười, ăn uống vui vẻ, Sheldon thấy mất thăng bằng, bực bội với gia đình và bỏ về phòng.

Lúc này, bố vào phòng tìm cậu, thay vì chỉ trích, khiển trách, ông kiên nhẫn lắng nghe những lời phàn nàn của Sheldon và bày tỏ sự thấu hiểu. Sau đó, ông bố nói về một ngày khó khăn của mình trong cuộc đời và hỏi con: "Nhưng con có để ý rằng bố sẽ không về nhà để trút giận lên con không?". Sheldon bé nhỏ suy nghĩ một lúc rồi đưa ra câu trả lời khẳng định: "Không, bố không có".

Cuối cùng người bố nói với con: "Mọi người đều đang làm việc chăm chỉ, nhưng trách nhiệm cơ bản nhất là không được mất bình tĩnh với những người yêu thương mình".

Đoạn phim này có thể được coi là một ví dụ về giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.

Bí mật của mối quan hệ cha mẹ và con cái chất lượng cao nằm ở đâu? - Câu trả lời của chuyên gia khiến nhiều phụ huynh ngã ngửa-2
Ông Tiền Chí Lượng.

Đối với hành vi không phù hợp của trẻ, phản ứng đầu tiên không phải là nổi nóng hay la mắng mà là giao tiếp với trẻ một cách chân thành và kiên nhẫn; hiểu chuyện gì đã xảy ra, biết nguyên nhân của cảm xúc đó và bày tỏ sự thấu hiểu.

Để đạt được sự giao tiếp hiệu quả, cha mẹ phải học cách buông bỏ những lời buộc tội, phán xét, thuyết giáo và nói chuyện với con cái một cách bình đẳng và chân thành. Bất kể chuyện gì xảy ra, trước tiên bạn phải kiểm soát cảm xúc của mình, học cách đứng ở vị trí của trẻ, đặt mình vào cảm xúc và tình cảm của trẻ để bày tỏ sự chấp nhận và thấu hiểu thay vì phớt lờ và phủ nhận.

04. Đừng dành tất cả sự quan tâm của bạn cho trẻ

Có một hiện tượng chung ở rất nhiều cha mẹ: họ dồn hết tâm sức và tài lực cho con cái, dù hy sinh bản thân cũng phải khiến con cái thành đạt. Tuy nhiên, mô hình này dễ dẫn đến rắc rối cho cả cha mẹ và con cái.

Cha mẹ mệt mỏi, lo lắng thái quá, cảm xúc không ổn định, háo hức muốn con thành công nhanh chóng; con cái cũng đầy căng thẳng, lo âu trước những đòi hỏi, kỳ vọng cao, tinh thần đau khổ, giày vò. Trong hoàn cảnh như vậy, sợi dây liên hệ giữa cha mẹ và con cái rất có thể bị đứt đoạn.

Cha mẹ đủ hài lòng và hạnh phúc với chính mình mới có thể chấp nhận con cái và đem lại năng lượng tích cực cho con cái. Không nên áp đặt mong muốn của mình lên con trẻ hay ám ảnh bởi việc thực hiện những mong muốn chưa đạt được của mình thông qua con cái.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/bi-mat-cua-moi-quan-he-cha-me-va-con-cai-chat-luong-cao-nam-o-dau-20230224140613352.htm

Nuôi Dạy Con


Bạn trai kém 4 tuổi ham mê cờ bạc nhưng tôi không thể chia tay
Bạn trai tôi thường xuyên "đốt tiền" vào những trò cá cược đỏ đen trên mạng, không ít lần tôi phải đi trả nợ thay cho anh ta. Dù tôi đã nhiều lần chia tay nhưng bạn trai liên tục níu kéo, thậm chí dọa dẫm khiến tôi không thể dứt khoát.
Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.