Lan Phương: “Ra khỏi phim trường, đừng gọi tôi là diễn viên”

Với Lan Phương, ra khỏi phim trường chị không còn là diễn viên nữa mà chỉ tập trung vào vai trò làm vợ, làm mẹ. Vốn là một trong những “bà mẹ bỉm sữa” nổi tiếng trong showbiz, mỗi bài viết hay vlog của chị xung quanh đề tài gia đình luôn thu hút sự quan tâm của dân mạng.

Lan Phương (1983) ghi dấu ấn với các vai diễn Mai Lan (Cô gái xấu xí), Hồng Lam (Những bà bầu hành động), Mai Diệu (Cả một đời ân oán), Yến (Nàng dâu order)…  Năm 2018, chỉ một ngày sau đăng ký kết hôn với ông xã David Dufy (người Anh), Lan Phương sinh con gái đầu lòng Lina Linh Duffy. Từ thời điểm trở thành bà mẹ bỉm sữa, nữ diễn viên thường xuyên chia sẻ nhiều bí kíp nuôi dạy con trên tài khoản xã hội và kênh Youtube riêng của mình. Từ góc độ bản thân và con gái, những chia sẻ thực tế của Lan Phương trong hành trình nuôi dưỡng con hy vọng giúp ích nhiều cho nhiều gia đình khi “lớn cùng con”.

Chị đã chuẩn bị cho kế hoạch làm mẹ của mình như thế nào? Khi bước vào cuộc sống mới này, những gì thực tế có khác với tưởng tượng của chị? Chị xử lý chúng như thế nào?

Tôi đã xem và tham khảo rất nhiều tài liệu, sách và video clip. Từ quá trình bé trong bụng mẹ, mới sinh và những tháng đầu chào đời như thế nào tôi đều trang bị cho mình một số kiến thức nền cơ bản. Điều quan trọng là tôi luôn giữ tâm lý thoải mái, cơ thể khỏe mạnh và vì thế trong suốt thai kỳ đến khi sinh nở đều ổn định.

Lan Phương: Ra khỏi phim trường, đừng gọi tôi là diễn viên”-1

Nếu có những gì khác với tưởng tượng thì tôi nghĩ cũng không quá nhiều. Đơn cử như việc bé bị bệnh sốt hay có vấn đề về hệ tiêu hóa trong liên tục 2-3 ngày. Khi ấy tôi và chồng sẽ đưa bé đến bệnh viện thăm khám. Nhưng tôi nghĩ vì bản thân đã có chút kiến thức về sức khỏe con nhỏ nên không quá áp lực. Tất cả những điều ấy cũng là để bé hoàn thiện và dần thích nghi với hệ miễn dịch đang lớn lên từng ngày của mình.

Đến hiện tại, tôi thấy quá trình ấy không quá nhiều khó khăn. Ngược lại tôi cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Dù việc chăm lo con cũng khiến tôi tốn nhiều thời gian, sức lực cũng như đôi chút bỏ bê bản thân. Nhưng khi được bên con, tiếp xúc con, chứng kiến con lớn lên mỗi ngày với câu chuyện vui buồn trong cuộc sống ... Những điều ấy khiến hành trình làm mẹ của Lan Phương trở nên rất thú vị.

Trong quá trình nuôi dưỡng bé Lina, điều gì chị cảm thấy khó nhất?

Tôi nghĩ điều khó nhất là phải cân bằng giữa gia đình và công việc bởi tôi rất yêu con và cả yêu nghề diễn của mình. Tôi muốn dành mọi thứ tốt nhất cho cả hai. Cũng vì thế mà quỹ thời gian dành cho bản thân gần như không có, đôi khi còn khiến mình bị mệt mỏi, kiệt sức bởi phải cố gắng làm trọn vẹn ở cả 2 vai trò.

"Với em bé gái phải người lớn cơ", thế nhưng "người lớn" có khi nào "bó tay" trước những tình huống mà "em bé gái" gây ra chưa ạ?

Tôi nghĩ mình chưa rơi vào tình huống nào gọi là “bó tay” cả. Tất nhiên thời điểm con dưới một tuổi thì lúc bé khóc hay mè nheo tôi không thể nào kiểm soát được. Lúc ấy, tôi không biết phải làm gì ngoài việc nằm cạnh bé, cho bé bú sữa và chìm vào giấc ngủ. Nhưng trải qua nhiều lần tôi nghĩ việc này không mang lại hiệu quả, trái lại khiến cả mẹ và con đều mệt mỏi, thiếu ngủ. Chính vì thế, tôi cố gắng tập cho bé thói quen tự ngủ và ngủ thẳng giấc, ngoan ngoãn không quấy khóc.

Ở độ tuổi từ 2-6 tuổi, hiếu động giúp các bé tìm tòi và phát triển được trí não. Tuy nhiên, các bé thường có những hành động không kiểm soát, nghịch ngợm khiến người lớn khá đau đầu. Chị có cách gì để cân bằng con không nghịch ngợm quá không?

Điều quan trọng nhất là các ông bố bà mẹ phải hiểu con. Độ tuổi này các bé đang làm quen với cuộc sống, cũng như bước đầu nhận thức được chính mình. Con nhận ra mình là một cá thể riêng biệt, có những nhu cầu và quan điểm riêng. Bé cũng bộc lộ cái tôi nhiều hơn, tự làm theo ý mình và không tuân theo lời bố mẹ.

Lan Phương: Ra khỏi phim trường, đừng gọi tôi là diễn viên”-2

Tôi nghĩ những việc ấy là rất bình thường, cũng như tất cả chúng ta – những người đã trưởng thành ai cũng sẽ làm theo quan điểm của mình và mong nhận được sự tôn trọng từ người khác. Thế nên khi hiểu như vậy tôi cố gắng “bình thường hóa” mọi chuyện để cố gắng lắng nghe con và tìm ra cách giáo dục con đúng đắn nhất.

Bản thân tôi không dùng từ “nghịch ngợm” với con. Bởi tôi cho rằng tất cả là bởi sự hiếu động, tìm tòi và khám phá, ham học hỏi của bé mà thôi. Điều mẹ cần là nên giữ cho bé trong một khuôn khổ, kiểm soát con lại như việc răn dạy con không nên khóc, dựa dẫm hay ỷ lại... Những điều này sẽ giúp bé có thêm động lực để phát triển toàn diện.

Nhiều người cho rằng đây là giai đoạn các bé tiếp thu tốt nhất nên cố gắng ép con học càng nhiều càng tốt. Còn chị thì sao?

Giai đoạn các bé tiếp thu tốt nhất là trong những năm đầu đời. Bởi lúc này, não phải của bé đang phát triển rất tốt. Còn việc vì thế mà ép con học nhiều thì tôi cho rằng như thế không phải là cách tốt nhất. Việc ép con chỉ thỏa mãn nhu cầu và ước muốn của bố mẹ chứ chưa chắc mang lại sự phát triển tốt nhất cho trẻ. Chỉ khi đầu óc các bé được thư giãn, lúc đó mới để con tiếp thu và trao đổi nhiều hơn về cuộc sống xung quanh, về mối quan hệ giữa con người và cách điều khiển cảm xúc, trải nghiệm. Tất cả những điều này rất cần sự tâm lý và định hướng từ bố mẹ để các con có thể có hướng phát triển tốt nhất.

Để nựng con chơi, con ăn... nhiều người "cầu cứu" đến smartphone. Với chị, chị có "thu phục" bé nhà mình bằng điều đó không? Vì sao?

Đây là một thực tế mà nhiều ông bố, bà mẹ gặp phải. Bản thân tôi đôi lúc cũng phải sử dụng đến cách này, nhất là với trường hợp đưa bé đến nhà hàng ăn hay quán cà phê. Chúng ta phải hiểu rằng các bé ở độ tuổi này thì không thể nào ngồi yên một chỗ, mà đó là sự vận động, chạy nhảy để khám phá và tìm hiểu với mọi thứ xung quanh mình.

Lan Phương: Ra khỏi phim trường, đừng gọi tôi là diễn viên”-3

Tuy nhiên, đó chỉ là trường hợp không thể giải quyết. Còn khi ở nhà, tôi và chồng luôn đặt ra những quy tắc và cố gắng hạn chế tối đa để con không phải đụng vào smartphone, hoặc thỏa thuận cho con sử dụng trong một thời gian cố định. Ngoài ra, việc thường xuyên tương tác với bé, tìm ra những trò chơi thực tế khác giúp “đánh lạc hướng” bé với các thiết bị điện tử tôi nghĩ cũng là cách hay.

Cuộc sống bận rộn, chị cân bằng thời gian cho con, cho công việc như thế nào?

Tôi muốn con phát triển một cách tự nhiên với tình yêu đủ đầy của bố mẹ nên tôi quyết định dành thời gian và đầu tư nhiều cho con. Ngoài ra, bản thân tôi cũng cố gắng cân bằng mọi thứ hết sức có thể để tránh sự va chạm hay ảnh hưởng lẫn nhau.

Chẳng hạn như khi bên gia đình, tôi xác định dành toàn bộ tâm trí của mình cho con mà không nghĩ ngợi gì đến công việc. Còn khi đã xác định ra ngoài làm việc, tôi phải gói gọn mối bận tâm gia đình lai để tập trung tối đa cho diễn xuất. Có lẽ như thế mới giúp tôi đảm đương tốt vai trò một người diễn viên trong nghệ thuật, đồng thời sau đó cũng là người mẹ, người vợ trong một tổ ấm gia đình. Nói chung, ra khỏi phim trường tôi không còn là diễn viên nữa, mà tập trung vào vai trò làm vợ, làm mẹ.

mang hai dòng máu, vậy cách chị cho con tìm hiểu văn hóa hai nước như thế nào?

Lan Phương: Ra khỏi phim trường, đừng gọi tôi là diễn viên”-4

Bé Lina mang hai dòng máu nhưng hiện sống tại Việt Nam. Chính vì sinh ra và lớn lên trong môi trường như thế nên việc bé quen thuộc với văn hóa quê hương mẹ cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, tôi và bố của bé luôn thống nhất trong việc giáo dục con tìm hiểu về hai quốc gia. Khi ở với mẹ, bé sẽ được mẹ chia sẻ về cảnh quan, món ăn hay những truyện cổ tích Việt Nam... Lúc bên cạnh bố, Lina sẽ được giáo dục về cách sống và văn hóa theo đúng với những gì ông xã tôi được dạy thuở bé. Ngoài ra, vợ chồng tôi luôn cố gắng thu xếp để có thể cố định dẫn bé về thăm ông bà nội ở Úc. Tóm lại, tôi nghĩ điều này diễn ra tự nhiên, nhẹ nhàng trong cuộc sống chứ hoàn toàn không gượng ép.

Nhiều người nói rất dễ để trẻ con nhận lỗi, nhưng lại quá khó để người lớn làm điều đó. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi nghĩ điều này đúng. Một điều hiển nhiên, khi người lớn chúng ta càng lớn lên thì cái “tôi” mỗi người càng cao. Thế nên khi đã như thế thì kể cả có phạm lỗi họ cũng sẽ không bao giờ chịu thừa nhận mình sai.

Còn với trẻ con thì cái tôi cũng lớn chứ không nhỏ đâu. Càng lớn lên và phát triển, bé lại càng khao khát bộc lộ cái tôi của mình để người lớn bố mẹ thấy. Tuy nhiên, sự nhận lỗi ở mỗi bé lại khác nhau. Có những trường hợp bé nhận lỗi vì nhìn ra được cái sai của bản thân, từ đó mà chủ động xin lỗi bố mẹ. Ngoài ra, cũng có những trường hợp các bé bị ép phải nhận lỗi với tâm trạng không vui.

Tôi từng chứng kiến nhiều phụ huynh dùng vai vế và quyền lực của người lớn để từ đó bắt ép con phải xin lỗi, không cho bé có cơ hội giải thích. Tôi nghĩ như thế là không hiệu quả trong việc dạy con. Bởi lẽ có thể bé xin lỗi nhưng luôn giữ sự ấm ức trong đầu và hiển nhiên sẽ lặp lại lỗi sai ấy lần sau. Cũng vì thế mà sự phát triển tâm lý, tình cảm trong bé cũng sẽ không còn tự nhiên và thoải mái nữa.

Với con mình, tôi luôn lựa chọn cách ôn hòa, lắng nghe và chia sẻ cùng con. Cách tôi muốn là hướng con mình đến sự thành thật, tự nguyện. Có khi ngay thời điểm ấy bé không chịu làm theo ý mình nhưng chỉ cần tôi bảo rằng: “Mẹ rất buồn khi con làm như thế” thì tự khắc bé có thể hiểu và lập tức đến gần tôi để ôm lấy mẹ. Đó như một hành động cho thấy bé hiểu được sự việc và không muốn làm bố mẹ buồn lòng.

Roi vọt có phải là cách giáo dục tốt nhất để các con nghe lời, nhất là những đứa trẻ lì lợm?

Roi vọt chắc chắn không phải là cách giáo dục tốt nhất để con nghe lời, đặc biệt với những đứa trẻ lì lợm thì điều này càng phản tác dụng. Bởi với những đứa trẻ như thế thì sẽ luôn có hành động chống đối lại người lớn. Những gì bố mẹ hay người thân xung quanh nói làm bé không phục hoặc kể cả bị bắt ép làm những điều bé không thích.

Lan Phương: Ra khỏi phim trường, đừng gọi tôi là diễn viên”-5

Em bé cũng là một con người thu nhỏ. Mà đã là con người thì ai cũng có lòng tự trọng và những nhu cầu được lắng nghe, tôn trọng. Vậy nên khi bé không cảm nhận được điều đó thì sẽ trở nên lì lợm. Việc càng dùng roi vọt đánh đập, chửi mắng bé chỉ làm con lì lợm hơn chứ không giải quyết đươc gì cả.

 Ông xã hỗ trợ chị chăm sóc con cái như thế nào?

Ông xã giúp đỡ tôi chăm sóc con ở hết mức có thể. Tôi làm được gì thì anh ấy cũng cố gắng để có thể làm được để những lúc vợ vắng nhà anh có thể lo cả phần tôi. Anh chăm sóc bé rất chu đáo và chưa bao giờ nề hà việc chăm con hay làm việc nhà.  Đây cũng là điều khiến bản thân chúng tôi tự hào bởi chủ trương xây dựng gia đình theo nếp sống như thế. 2 vợ chồng cùng nhau chăm lo tổ ấm, con cái và cùng nhau lắng nghe và động viên nhau những lúc cần là điều cần thiết.

Cảm ơn chị về những chia sẻ quý báu của mình!

Theo Xuân Tiến - Vietnamnet.vn


Lan Phương

con lai

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.