Tiến sĩ giáo dục lên tiếng: Người cần thương cảm là hai mẹ con V.A, Quỳnh Trang thiếu kỹ năng dạy dỗ sao không trả bé cho mẹ ruột?

Thay vì tiếc thương thủ phạm, đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi đó thì cần phải đặc biệt lên tiếng phản đối hành động xấu xa.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội là một chuyên gia giáo dục vô cùng tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam. Những hoạt động, bài viết, quan điểm... của chị luôn nhận được sự yêu mến, trân trọng và có sức lan tỏa tới thầy cô, học sinh và các bậc cha mẹ.

Thời gian gần đây, dư luận cả nước vô cùng đau xót, cũng như bức xúc trước vụ việc bé gái 8 tuổi N.T.V.A (ngụ quận 1) bị "dì ghẻ" Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành đến tử vong. Tính đến thời điểm hiện tại, cả dì ghẻ Nguyễn Võ Quỳnh Trang và bố đẻ của V.A là Nguyễn Kim Trung Thái đều đang bị tạm giam để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.

Là một chuyên gia giáo dục, chị Vũ Thu Hương vô cùng đau lòng trước sự việc xảy ra với bé V.A. Khi dư luận có những ý kiến trái chiều, như việc một số ý kiến cho rằng hành động của Quỳnh Trang là do "trẻ người non dạ", "thiếu kỹ năng dạy dỗ", "thiếu kiểm soát hành vi nên mới gây ra cớ sự", Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã quyết định lên tiếng về vụ việc.

Tiến sĩ giáo dục lên tiếng: Người cần thương cảm là hai mẹ con V.A, Quỳnh Trang thiếu kỹ năng dạy dỗ sao không trả bé cho mẹ ruột?-1
Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

Chúng tôi xin được chia sẻ ý kiến của chị đến quý độc giả.

THAY VÌ TIẾC THƯƠNG CHO TỘI PHẠM, HÃY LÊN ÁN HÀNH ĐỘNG XẤU XA

Câu chuyện cháu bé V.A bị bạo hành tới mức tử vong vào cuối năm 2021 khiến những người sống và làm việc cùng trẻ em như chúng tôi vô cùng đau đớn. Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, đôi khi chúng tôi phải chặn dòng nước mắt khi nghĩ đến con. Đó là những dòng nước mắt của những người hoàn toàn không biết con cho đến khi vụ việc lên báo chí.

Vậy nhưng, đã có những luồng ý kiến bao biện cho hành vi bạo hành trẻ đến tử vong của Quỳnh Trang. Họ cho rằng cần phải xem xét lại giáo dục gia đình, xem lại cả nền giáo dục khi Quỳnh Trang thiếu kĩ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến giáo dục bé V.A quá đà. Ý kiến này khiến tôi vô cùng phẫn nộ.

Thứ nhất, không lên án cái xấu, tìm lý do cho hành vi vi phạm pháp luật (mà còn là loại đặc biệt nghiêm trọng) chính là đang tiếp tay cho những hành vi xấu xa phát triển. Dư luận cần lên tiếng mạnh mẽ, phản ứng lại các hành vi xấu để răn đe những đối tượng khác chùn tay trước những hành động làm hại người khác.

Vì thế, thay vì tiếc thương thủ phạm, đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi đó thì cần phải đặc biệt lên tiếng phản đối hành động xấu xa.

Thứ hai, bé V.A mới 8 tuổi. Là trẻ em, con không có đủ năng lực tự nuôi sống và chăm sóc bản thân. Vì thế, con phải sống dựa vào những người sinh ra con cho đến tuổi trưởng thành. Hành hạ 1 đứa trẻ yếu ớt hơn mình là sự hành hạ đê hèn và không có lý do nào để cảm thông được. 

Nhất là khi người cần xót thương, cảm thông là bé V.A và mẹ ruột chứ không phải kẻ thủ ác. KẺ BẠO HÀNH TRẺ EM KHÔNG THỂ ĐƯỢC CẢM THÔNG DƯỚI BẤT KỂ HÌNH THỨC NÀO.

Tiến sĩ giáo dục lên tiếng: Người cần thương cảm là hai mẹ con V.A, Quỳnh Trang thiếu kỹ năng dạy dỗ sao không trả bé cho mẹ ruột?-2


Thứ ba, 26 tuổi là đã qua tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự cả 10 năm. Quỳnh Trang quá hiểu những gì sẽ xảy đến với V.A khi cô ta trút những cơn mưa đòn roi hận thù lên người bé. Sự bạo hành đã kéo dài nhiều tháng ngày nên không thể coi do Trang vô tình gây ra nỗi đau cho con được.

Thứ tư, nếu như cô Quỳnh Trang có trách nhiệm giáo dục con thật (dù sự thực, cô ta không có trách nhiệm này), và thiếu kĩ năng giáo dục trẻ cũng như thiếu kiểm soát cảm xúc, cô ta hoàn toàn có quyền từ chối trách nhiệm, có quyền bỏ đi khi cơn tức giận cao trào.

Cô ta có quyền nhờ người khác giáo dục bé V.A (giáo viên của con chẳng hạn), hoặc trả V.A cho mẹ đẻ của con giáo dục và chịu trách nhiệm. Chính Trang đã tự mình (cùng người tình, cũng là bố của V.A) tìm cách giữ con lại để hành hạ. Đó không thể là do Trang thiếu kĩ năng mà do Trang không lựa chọn phương án tốt hơn để V.A được sống.

Rõ ràng, không thể chấp nhận được bất kể lý do nào cho kẻ đã bạo hành bé V.A đến tử vong. Sự phẫn nộ của chúng tôi khi đọc các lý do bao biện chính là ở nguyên nhân này.

Sau cùng, điều tôi băn khoăn nhất là tại sao bé VA không tìm cách phản kháng, không tố giác kẻ hành hạ con, không kêu cứu, không tìm cách bỏ trốn. Là người dạy trẻ tự vệ, tôi biết năng lực thật sự của 1 đứa trẻ đủ mạnh để đảm bảo sinh tồn nếu con không bị đe dọa và cấm đoán việc tố giác. 

Câu hỏi này tôi xin đặt ngỏ cho người làm bố của con. Phải chăng Thái đã đe dọa và cấm con tố giác. Như vậy, rõ ràng Thái đã tiếp tay cho hành vi bạo hành bé V.A đến tử vong của người tình...


Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluat.suckhoedoisong.vn/tien-si-giao-duc-len-tieng-nguoi-can-thuong-cam-la-hai-me-con-va-quynh-trang-thieu-ky-nang-day-do-sao-khong-tra-be-cho-me-ruot-162220501080002809.htm

bạo hành trẻ em


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.