Ai để xảy ra chuyện lương khủng?

'Thật không công bằng trong khi các cơ quan chức năng luôn đề cao trách nhiệm của người dân, đề ra nhiều biện pháp phạt vạ, đề ra nhiều loại phí tràn lan và truy thu ráo riết thì ngay cơ quan Nhà nước lại để xảy ra tình trạng ăn chia tiền Nhà nước kiểu xem trời bằng vung kéo dài nhiều năm'

'Thật không công bằng trong khi các cơ quan chức năng luôn đề cao trách nhiệm của người dân, đề ra nhiều biện pháp phạt vạ, đề ra nhiều loại phí tràn lan và truy thu ráo riết thì ngay cơ quan Nhà nước lại để xảy ra tình trạng ăn chia tiền Nhà nước kiểu xem trời bằng vung kéo dài nhiều năm', bà Phạm Chi Lan lên tiếng.

Hình ảnh các sếp ngành công ích nhận lương khủng suốt tuần qua luôn được đặt đối sánh với những người công nhân "móc cống" thu nhập bèo bọt.

Tuy nhiên, bức xúc của dư luận không phải chỉ nằm ở sự bất công quá quắt như vậy! Mà đằng sau đó là hàng loạt vấn đề khác được đặt ra như các cơ quan quản lý Nhà nước đang ở đâu để xảy ra chuyện tày trời như vậy? Liệu 4 đơn vị này có phải là con số 4 giám đốc nhận lương khủng hay chỉ là phần nổi của tảng băng?

Dù một số giám đốc nhận lương khủng đã “nhận khuyết điểm” song để họ “tâm phục khẩu phục” thì có lẽ vẫn chưa.

Bằng cớ là ngay sau khi thông tin được công khai, phóng viên đã liên lạc trao đổi với ông Trần Trọng Huệ, một trong bốn vị giám đốc nhận lương khủng, thì vẫn nhận được lời giải thích điềm tĩnh: “ Thông tin phát ra cho báo chí bắt đầu từ thanh tra của Sở LĐ-TB-XH. Chúng tôi chưa hề nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào yêu cầu giải trình. Nếu cần, các anh (tức phóng viên báo chí) hãy qua Thanh tra Sở LĐ-TB – XH mà hỏi. Còn chúng tôi chưa thể trả lời bất kỳ vấn đề gì lúc này. Có văn bản chính thức của Ủy ban, chúng tôi sẽ giải trình!”.

Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trên báo chí, một số "sếp" khác đã trả lời và giải trình về các văn bản làm cơ sở pháp lý cho mức lương khủng của mình. Dù nói gì thì kết lại vẫn luôn là một lời khẳng định: “ UBND đã chỉ đạo, chúng tôi vẫn chấp hành!”. Thực tế, nhiều lãnh đạo và đơn vị đã tiến hành “sửa sai” theo chỉ đạo khá quyết liệt của UBND thành phố bằng các phương án như “trả lại” tiền cho ngân sách Nhà nước, ký kết lại hợp đồng lao động theo đúng luật!

“Phải xem xét lại”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bức xúc: “ Tôi không hiểu nổi các cơ quan quản lý Nhà nước làm gì, ở đâu mà để xảy ra chuyện như thế này? Chuyện giám đốc, lãnh đạo nhận mức lương khổng lồ như thế đã xảy ra từ khi nào, kéo dài bao lâu rồi? Nhất là khi mà hàng tháng, hàng quý đơn vị có lương khủng vẫn phải báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động lên các cơ quan cấp trên? Kiểu làm ăn như thế này làm sao có niềm tin cho nhân dân trong lúc khó khăn, khủng hoảng?”.

Chưa hết, ngay tại đơn vị cũng đã có sự bất công vô lý không thể biện hộ là lương của người lao động cả tháng không bằng lương giám đốc một ngày! Sự việc kéo dài bấy lâu nay vậy mà không cơ quan chức năng nào hay biết?.

Trả lời câu hỏi liệu có phải các Công ty này đã dùng thủ thuật nào đó qua mặt cơ quan chức năng để “lén lút” chia nhau tiền nhà nước với danh nghĩa lương, nhiều luật sư và các chuyên gia được hỏi đều lắc đầu: “ Không thể làm như vậy được!”.

Ít nhất, cơ quan thuế phải nắm được và thu thuế thu nhập, qua đó phải thấy ngay những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra còn nhiều cơ quan khác nữa cũng thường xuyên kiểm tra giám sát. Vậy mà mấy năm qua mức lương khủng vẫn đều đều diễn ra, bất chấp nền kinh tế cả nước đang vô cùng khó khăn, đời sống của tuyệt đại bộ phận nhân dân, cán bộ công chức suy giảm. Bởi vậy dư luận đã nghi ngờ và đặt vấn đề phải chăng có sự thông đồng, móc ngoặc hoặc bao che của một vài cơ quan chức năng nào đó giúp cho “con voi chui qua lỗ kim”?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lý giải, vấn đề lương cao cần đặt trong tương quan với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp dệt may mấy năm qua hoạt động có hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đã nhận mức lương khá cao rồi, nhưng tính ra cũng chỉ bằng một phần ba mức lương  các sếp công ích.

Cũng theo bà Lan, còn không ít doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khác nhưng sếp ở đây cũng không có ai nhận mức lương khủng như vậy.

Điều đáng nói, bốn vị sếp nói trên là giám đốc các công ty công ích, hoạt động một phần sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, được hưởng nhiều đặc quyền, nhiều lợi thế. Mục tiêu chính của các DN này không phải kinh doanh mà là phục vụ.

Chính sách hiểu thế nào cũng được, miễn có lợi cá nhân

Nhắc tới doanh nghiệp công ích bấy  lâu nay, dân chỉ biết đến nào giá điện, giá nước, các loại phí luôn tăng vù vù. Có hay không chuyện tăng giá đó đã góp phần tạo ra mức lương khủng?

Những giải trình ban đầu cho thấy các đơn vị này đều vận dụng một số văn bản pháp quy để biện hộ cho mức lương khủng của lãnh đạo. Bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề: “ Tại sao chế độ chính sách hiểu thế nào cũng được, miễn là có lợi cho bản thân? Rõ ràng ở đây vai trò quản lý Nhà nước lỏng lẻo trên nhiều mặt nên “đụng” vào đâu là thấy hỏng ở đấy!”.

Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều ngày 28/8 vừa qua, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết mức lương của người đứng đầu Chính phủ gần 15 triệu đồng/tháng. Mức lương của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế không quá 36 triệu đồng/tháng. Nếu có thưởng cũng không hơn 10 triệu. Rõ ràng, mức lương khủng của lãnh đạo 4 đơn vị công ích ở TP.HCM xem các quy định của Nhà nước chẳng ra gì nếu không gọi là giễu cợt, phỉ bang!

Luật sư Trần Công Ly Tao, phó chủ nhiệm Đoàn luật sự TP.HCM đã nhận định vụ lương khủng trên có dấu hiệu hình sự chứ không đơn giản là “vi phạm hành chính”.

Cách xử lý ban đầu không thể chỉ đơn giản là buộc trả lại tiền chi trả sai nguyên tắc một cách quá đáng mà cần phải hành vi cố tình làm sai, vi phạm pháp luật. Thêm vào đó, cần truy trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước bởi suốt quá trình kiểm tra, kiểm soát  vẫn để tình trạng trên kéo dài mà không có biện pháp cảnh báo hay xử lý.

Theo bà Phạm Chi Lan, "thật không công bằng trong khi các cơ quan chức năng Nhà nước luôn đề cao trách nhiệm của người dân, đề ra nhiều biện pháp phạt vạ, đề ra nhiều loại phí tràn lan và truy thu ráo riết thì ngay tại cơ quan Nhà nước lại để xảy ra tình trạng ăn chia tiền Nhà nước kiểu xem trời bằng vung như vậy kéo dài nhiều năm”.

Và, không thể không nói thêm, liệu bốn công ty công ích tại TP.HCM có phải là các đơn vị duy nhất “xem trời bằng vung” không? Còn lại bao nhiều công ty công ích tại TP.HCM và trên nhiều tỉnh thành khác có để xảy ra tình trạng lương khủng của lãnh đạo trả sai quy định?
 
Theo Duy Chiến
Tuần Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.