Bài học khi hết tiền vì mua sắm quá tay, vay nợ mua nhà vẫn chi tiêu bạt mạng

Người trẻ đã rút ra bài học cũng như các phương pháp để vượt qua những lần lỡ chi tiêu “quá tay".

Đi chơi, mua sắm "quá đà" nên giữa tháng đã hết tiền

Khánh Linh (25 tuổi, Hà Nội) đã từng nhiều lần rơi vào cảnh chưa đến cuối tháng nhưng đã tiêu sạch tiền lương. "Mỗi khi nhận lương, mình cùng đồng nghiệp sẽ rủ nhau đi ăn tự thưởng. Bên cạnh đó, đầu tháng khi mà tiền bạc rủng rỉnh mình cũng thường xuyên hẹn bạn bè đi chơi, chi tiêu giải tỏa áp lực trong công việc. Có tháng mới nhận lương được 16-17 ngày, mình đã tiêu sạch tiền lương". 

Những lần như vậy, cô bạn rất chật vật xoay xở tiền bạc. Khánh Linh phải vay mượn bạn bè để chi trả chi phí sinh hoạt cá nhân. Cô bạn cũng hạn chế chi tiêu tối đa trong khoảng thời gian đó, có những lúc muốn mua thức ăn ngon, bộ quần áo cũng không dám xuống tay tiêu tiền, Hơn thế nữa, có lần Khánh Linh đã nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. "Đầu tháng sống như vua, cuối tháng khổ sở chính là nói về mình", Khánh Linh thổ lộ. 

Bài học khi hết tiền vì mua sắm quá tay, vay nợ mua nhà vẫn chi tiêu bạt mạng-1

Ảnh minh hoạ - Pexels

Cũng giống như Khánh Linh, Hoàng Anh (26 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cũng thường xuyên rơi vào cảnh "rỗng túi". Cậu bạn có niềm yêu thích lớn với thời trang, thường xuyên mua quần áo và phụ kiện mới. Hoàng Anh chia sẻ rằng khi nhìn thấy bản thân mình trong bộ trang phục mới, cậu bạn cảm thấy yêu đời hơn. 

Tuy nhiên, điều này đem lại một nhược điểm lớn đó là số dư trong thẻ ngân hàng của cậu bạn thường tụt không phanh. "Mình thích đặt quần áo trên mạng ở nước ngoài, đôi lúc 15-25 ngày mới giao. Song, vì không trả tiền trước cũng không ghi chép, mình nghĩ rằng trong thẻ vẫn còn tiền nên đặt đồ không có điểm dừng. Cho đến khi mọi thứ đều về và được giao cùng một lúc, mình mới 'tá hoả' đi vay mượn tiền bạn bè để trả tiền". 

Bên cạnh đó, Ngọc Anh (29 tuổi, Hà Nội) đã vay nợ mua nhà, hàng tháng phải trả 6 triệu cả gốc lẫn lãi, chiếm khoảng 30% thu nhập. Những tháng đầu tiên, do chưa kịp thay đổi thói quen chi tiêu, cô bạn đã gần như "rỗng túi" khi mới nhận lương 20 ngày. 

"Trước đó, mình chi tiêu khá thoải mái nhưng vẫn có thể tiết kiệm. Do vậy, mình nghĩ rằng dù vay nợ, mình vẫn không cần phải siết chặt chi tiêu, kiểu gì cũng đủ tiền để sinh hoạt. Song, đó là suy nghĩ vô cùng sai lầm, mình đã gặp áp lực tài chính một thời gian khi rơi vào cảnh hết tiền". 

Bài học khi hết tiền vì mua sắm quá tay, vay nợ mua nhà vẫn chi tiêu bạt mạng-2

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Thay đổi thói quen chi tiêu, quan điểm về tài chính

Đối với Ngọc Anh, sau khi phải đối diện 3 tháng liên tục rơi vào cảnh rỗng túi, cô bạn đã thay đổi gần như toàn bộ thói quen chi tiêu. Trong đó, sau khi trả nợ ngân hàng hàng tháng, cô bạn sẽ phân bổ số tiền còn lại vào những mục chi tiêu cụ thể cho ăn uống, đi lại, vui chơi… 

Ngọc Anh cũng hạn chế tần suất đi ăn ngoài, mua quần áo mới và những khoản chi "không tên". "Mình có rất nhiều khoản chi không biết nên xếp vào khoản mục nào. Chẳng hạn như khi tâm trạng vui vẻ, mình sẽ không tự đi xe đi làm mà gọi xe công nghệ, hoặc thay vì uống cốc cà phê 20-30 nghìn mỗi sáng mình chi tiền cho 1 cốc 'sang chảnh' lên tới 100 nghìn đồng. Trước đó, mình thường xuyên chi tiêu dựa vào tâm trạng và hiện tại mình đang nỗ lực kiểm soát điều này". 

Còn đối với Khánh Linh và Hoàng Anh, sau khi nhìn thấy có những khoản mục chi tiêu cao vượt trội, cả hai đã điều chỉnh khá nhiều. Khánh Linh không còn đi ăn ngoài nhiều như trước, học cách từ chối những lời mời nếu cảm thấy không phù hợp. Bên cạnh đó, Hoàng Anh tập thói quen ghi cụ thể những khoản chi cho quần áo để có thể theo dõi sát sao nhất. Cậu bạn cũng tự đặt ra hạn mức chi tiêu cho trang phục để kiểm soát bản thân tốt hơn. 

Bài học khi hết tiền vì mua sắm quá tay, vay nợ mua nhà vẫn chi tiêu bạt mạng-3

Ảnh minh hoạ - Pinterest

"Mình nghĩ rằng điều quan trọng nhất là nhận ra vấn đề của bản thân và có mong muốn thay đổi để trở nên tốt hơn. Thành thật mà nói, niềm vui từ việc tiêu tiền dù nhiều đến đâu cũng không thể giúp mình cảm thấy tốt hơn mỗi khi rỗng ví. Áp lực và sự bất an khi không có tiền là cảm giác mình không muốn trải nghiệm thêm lần nào nữa", Khánh Linh chia sẻ. 

Mặt khác, Hoàng Anh chia sẻ rằng với những bạn không thích ghi chép cũng như lên kế hoạch chi tiêu, ngay khi nhận lương bạn có thể trích ra 10-15% để cho vào khoản "dự phòng những lúc rỗng ví". Như vậy, bạn sẽ không phải dùng đến tiền tiết kiệm hoặc vay nợ để chờ đến lần nhận lương tiếp theo nếu lỡ tiêu hết tiền. 

Theo phunuvietnam.vn


chi tiêu


Hà Nội: Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhồi máu cơ tim vì lý do bất ngờ
Các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E vừa can thiệp cấp cứu và thành công cứu sống một nam thanh niên nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói, nam thanh niên này chỉ mới 32 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập thể hình nhưng vẫn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và có thể để lại những di chứng nặng nề.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.