Điện lực, hàng không, viễn thông thiệt hại nặng nề vì bão

Sau hai ngày cơn bão số 8 quét qua, nhiều khu vực ở miền Trung bị mất điện, hàng loạt chuyến bay bị hoãn, hàng loạt cột viễn thông đứt gãy. Do ảnh hưởng của bão 2 tàu hàng bị rơi container xuống biển.

Sau hai ngày cơn bão số 8 quét qua, nhiều khu vực ở miền Trung bị mất điện, hàng loạt chuyến bay bị hoãn, hàng loạt cột viễn thông đứt gãy. Do ảnh hưởng của bão 2 tàu hàng bị rơi container xuống biển.

Theo thông báo mới nhất vào sáng nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình thời tiết khu vực Bắc miền Trung ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng có mưa to kèm theo gió cấp 6 khiến nhiều khu vực bị mất điện trên diện rộng. Bão gây ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình làm hơn 100 lộ đường dây trung thế gặp sự cố.

Do gió bão và mưa lớn nên hệ thống lưới điện trung thế khu vực miền Bắc (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) gặp nhiều sự cố. Toàn tỉnh Nam Định, Thái Bình, bị mất điện. Hiện "nhà đèn" mới chỉ khắc phục được ở trung tâm của Thành phố. Hải Phòng cũng gặp phải tình trạng tương tự do 45 lộ trung áp bị sự cố.

Sau khi qua Philippines khiến ít nhất 24 người thiệt mạng, cơn bão Sơn Tinh đã càn quét qua các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đạt cấp 12-13 tính đến cuối ngày hôm qua. Do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; một số nơi có gió mạnh hơn, đến cấp 12, cấp 13.

Tháp truyền hình bị đổ do bão số 8 gây ra. Ảnh: Trọng Nghiệp.

EVN cho hay, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí bị gió to đã làm bay các tấm tôn lợp mái lò, gây đứt dây dẫn trong giàn phân phối trạm 220kV.

Ngoài ra 6 đường dây 110kV gặp sự cố và vẫn đang trong tình trạng khắc phục gồm: Phủ Lý - Thanh Nghị, Uông Bí-Hoành Bồ, Chợ Rộc - Cái Lân, Nam Ninh - Hải Hậu, Giao Thuỷ - Hải Hậu, Hoành Bồ - Cẩm Phả, Ninh Bình - Phủ lý. EVN cho biết chưa có số liệu thống kê cụ thể về chi phí và vẫn đang tiếp tục tổng hợp các thiệt hại.

Không chỉ EVN mà các hãng hàng không cũng đang tính toán thiệt hại sau bão. "Chưa có con số cụ thể, tuy nhiên trận bão này có số lượng hoãn hủy chuyến lớn nhất trong năm nay", đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết. Trước mắt, gần trăm chuyến bay đã bị hủy trong mấy ngày vừa qua. Sau khi thông báo hủy 62 chuyến tính đến chiều chủ nhật, tối qua Vietnam Airlines cho biết hủy thêm 6 chuyến chặng Hà Nội - Vinh và và TP HCM - Vinh.

Lịch trình của các hãng thay đổi từng giờ theo đường đi của cơn bão. "Hôm nay theo lịch sẽ có chuyến lúc 12h trưa đến Hải Phòng từ TP HCM và Hà Nội. Tuy nhiên hiện hãng theo dõi sát xem có phải hoãn không vì bão đang di chuyển qua khu vực này", đại diện của Vietjet Air cho hay. Hôm qua, hãng này đã phải hủy 12 chuyến đến và đi từ sân bay Đà Nẵng do bão.

Theo thông báo mới nhất, Jetstar Pacific vừa hoãn một chuyến từ TP HCM đi Hải Phòng trưa nay, dời đến tối để chờ tan bão. Hôm qua, hãng này cũng hủy các chuyến bay đến Vinh, Đà Nẵng.

Theo luật, thời tiết là sự cố bất khả kháng nên các hãng không phải bồi thường cho khách hàng mỗi khi hoãn, hủy chuyến. Tuy nhiên trên thực tế, các hãng cũng gánh thiệt hại không ít. "Nhất là khi không hạ cánh được vì bão, máy bay phải bay vòng đến sân bay gần nhất. Chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến bay như thế tốn hàng nghìn đôla Mỹ. Ngoài ra hãng cũng sẽ phải mua thực phẩm, lo nơi ăn chốn nghỉ cho hành khách tại các sân bay dự bị", đại diện một hãng hàng không giải thích.

Hãng viễn thông cũng gánh thiệt hại nặng do bão. Mưa to, gió giật mạnh tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã khiến nhiều cáp thuê bao bị đứt, đại diện của Công ty FPT Telecom cho biết. Đơn cử tại Hải Phòng, nhiều tuyến cáp bị đứt do cây đổ, cột điện đổ đè vào cáp. Trong khi đó, nhiều phố bị ngập nước ngang thân xe, nên việc ứng cứu gặp khó khăn.

Không chỉ FPT mà cáp viễn thông của nhiều công ty viễn thông, điện thoại cũng bị đứt. Trên địa bàn Hải Phòng, điện thoại mạng Viettel bị mất liên lạc từ 7h sáng thứ hai. Hệ thống cáp điện tại đây cũng bị đứt gây mất điện toàn thành phố. Cơ quan điện lực cho biết khoảng 2 ngày nữa mới có thể cấp lại điện.

Sự cố mất điện treendienej rộng cũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến mạng lưới của các đơn vị, đại diện VNPT cho biết. Tại tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Hải Phòng, nhiều cột Anten bị đổ, một vài khu vực bị mất điện lưới cùng đứt cáp quang treo do cây đổ, cột đổ. Một số tổng đài bị hỏng do ảnh hưởng của sét gây mất liên lạc trên diện rộng. VNPT cho biết đang khắc phục hậu quả bão lụt và chỉ đạo các đơn vị rà soát, thống kê thiệt hại.

Một cột viễn thông cao 48 m được thuê đặt trong vườn nhà dân của Mobifone cũng bị đổ ở Nam Trực, Nam Định. "Cột bị đổ vào 2h sáng qua khi gió đang lúc mạnh nhất. Gia đình chúng tôi đang chờ công ty xuống tính toán thiệt hại. Cột đổ làm sập 2 căn bếp, một nhà từ đường của gia đình và cả một căn bếp của nhà hàng xóm", anh Phiêu, chủ nhà cho biết.

Một nguồn tin từ Mobifone cho hay hãng đang kiểm các sự cố và sẽ đưa ra phương án xử lý kịp thời. "Do hôm qua là ngày nghỉ, nên chúng tôi vẫn đang tổng hợp lại để xem xét", nguồn tin cho hay.

Chiều ngày 28/10, Đài Thông tin duyên hải Hải Phòng tiếp nhận thông tin về 2 tàu Sinar Bintan (quốc tịch Singapore) và Vsico Pioneer (quốc tịch Việt Nam) bị rơi container xuống biển tại khu vực cách đảo Hòn Dáu khoảng 5 hải lý do ảnh hưởng của bão Sơn Tinh. Trong đó, tàu Vsico Pioneer bị rơi 6 container còn tàu Sinar Bintan bị rơi 10 container. Cả 2 tàu đã được yêu cầu vào vị trí tránh bão nhằm đảm bảo an toàn cho thuyền viên và hàng hóa. Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Hải Phòng đã thông báo tới các đơn vị tìm kiếm Cứu nạn khu vực và địa phương.

Sáng nay (29/10), sau khi đi vào khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh, bão số 8 đã suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10 km, suy yếu và tan dần.

Sau bão, nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội tăng giá rau xanh. “Tất cả các loại rau đều tăng gần gấp rưỡi. Rau muống hôm qua bán 5.000 đồng mỗi mớ, hôm nay tăng lên 7.000 đồng”, một tiểu thương tại chợ đầu mối khu vực Đền Lừ cho biết. Riêng cải ngọt tăng giá gấp đôi, từ 4.000 đồng lên 8.000 đồng thậm chí 10.000 đồng mỗi kg.Vào lúc 10h trưa nay, tất cả các gánh hàng rau tại khu chợ này đều báo hết loại rau này.

Ở một số chợ dân sinh, giá rau tăng không đáng kể. Tại chợ tạm (Hoàng Mai, Hà Nội), mỗi loại rau chỉ tăng 1000 đồng/kg. Nhiều chợ, giá rau còn không tăng do các tiểu thương chỉ bán lại rau từ hôm trước.

TheoVnexpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.