Hớ tiền triệu vì mua vé máy bay sớm

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến giá vé máy bay nội địa bất ngờ rơi tự do. Mỗi vé khứ hồi, hành khách mua sớm lỗ tới 1-2 triệu đồng.

"Bốn người bốn vé, mỗi vé 'hớ' mất 1,5 triệu đồng vì mua sớm quá", chị Kim Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) ngao ngán nói. "Giờ dịch bệnh bất ngờ thế này đi thì lo mà không đi thì tiếc vì nếu hủy sẽ mất trắng tiền vé máy bay và tiền phòng", nữ hành khách đã đặt 4 vé khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc trước gần 2 tháng, cho hay.

Chị Hoa không phải trường hợp hiếm gặp chịu thiệt vì mua vé máy bay sớm. Dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn quy luật biến động của giá vé máy bay. Trước thời điểm tháng 3/2020, mua vé máy bay càng sớm càng rẻ gần như đã trở thành nguyên lý mà các chuyên gia kinh tế, hàng không hay lữ hành khuyên hành khách.

Đặt sớm đắt hơn đặt sát ngày

Tuy nhiên mỗi khi có đợt bùng phát dịch bệnh, nhu cầu di chuyển hàng không của hành khách giảm xuống đột ngột khiến các hãng bay không thể kịp điều chỉnh tải cung ứng. Thay đổi tức thời nhất của các hãng hàng không để thích ứng với sự sụt giảm đột ngột này là giảm giá vé để lấp đầy máy bay.

Hớ tiền triệu vì mua vé máy bay sớm-1

Đặt vé trước 1-2 tháng nhưng giá vé mà nhiều hành khách chi trả lại cao hơn giá vé mua sát ngày 1-2 triệu đồng tùy chặng bay. Ảnh: Hoàng Hà.

Những hành khách đặt vé trước 1-2 tháng như chị Hoa rơi vào thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nhu cầu du lịch nội địa đang lên cao. Theo khảo sát của Zing, trên hầu hết đường bay nội địa khởi hành từ TP.HCM và Hà Nội khởi hành trong tháng 5, giá vé đã giảm khoảng 1-2 triệu đồng so với thời điểm đặt vé cuối tháng 3, đầu tháng 4.

Cụ thể như trường hợp chuyến bay của chị Hoa, giá vé chị đặt là 2,7 triệu đồng một vé khứ hồi từ Hà Nội đi Phú Quốc du lịch 4 ngày giữa tháng 5. Giá vé khứ hồi rẻ nhất hiện tại trên đường bay này hiện chỉ còn 1,2 triệu đồng, hãng vận chuyển là Vietjet Air.

Xu hướng tương tự cũng xảy ra trong đợt bùng phát dịch Covid-19 ngay trước cao điểm Tết Nguyên đán 2021. Sau khi nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện tại các tỉnh miền Bắc, giá máy bay Tết 2021 khứ hồi trên trục TP.HCM - Hà Nội, đường bay nhộn nhịp nhất mỗi dịp cao điểm Tết, giảm mạnh. Chỉ cách cao điểm Tết hơn 1 tuần nhưng giá vé khứ hồi trên trục vàng khởi hành ngày 10/2 (29 tháng Chạp năm Canh Tý) và trở lại vào ngày 16/2 (5 tháng Giêng năm Tân Sửu) rẻ hơn 2 triệu đồng so với thời điểm trước đó 2 tháng.

Một trường hợp rõ ràng hơn của xu hướng này là khi Vietnam Airlines bất ngờ mở bán vé máy bay Tết 2021 với mức giá khứ hồi TP.HCM - Hà Nội ngày cao điểm chỉ ở mức 6 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó ít ngày, hệ thống bán vé của Vietnam Airlines đã cập nhật lại bảng giá và các lựa chọn giá rẻ cho dịp Tết không còn hiển thị. Giá vé chặng bay trên trở về mức 8 triệu đồng khứ hồi.

Các chuyên gia hàng không cho rằng đây là lỗi hệ thống từ phía Vietnam Airlines, trong khi nhiều hành khách hào hứng vì đặt được vé bay Tết giá chỉ 6 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí. Chính những hành khách đặt vé trước 6 tháng này lại chịu thiệt khi tới tận sát cao điểm Tết, giá vé khứ hồi cho chặng bay trên chỉ ở mức 4 triệu đồng, mỗi vé đã đắt hơn 2 triệu đồng dù đặt trước 6 tháng.

Giá vé máy bay chạm sàn vì dịch

Cũng theo khảo sát của Zing, những chặng bay nhộn nhịp trước khi dịch bệnh tái bùng phát nay lại ghi nhận cảnh giá vé chạm sàn. Nhiều chặng bay khứ hồi giá vé không tới 1 triệu đồng đã bao gồm thuế phí.

Cụ thể, trong suốt giai đoạn giữa tháng 5, giá vé máy bay khứ hồi TP.HCM - Hà Nội khởi hành ngay ngày 8/5, trở về Hà Nội vào 11/5 rẻ nhất chỉ ở mức 790.000 đồng, mức giá thấp kỷ lục. Đây là mức giá có được nhờ ưu đãi vé 0 đồng, giá vé chỉ bao gồm các loại thuế phí.

Hớ tiền triệu vì mua vé máy bay sớm-2

Covid-19 lại một lần nữa đưa giá vé máy bay nội địa về mức không thể rẻ hơn. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau khi lượng vé 0 đồng đã được bán hết cũng như việc các hãng hàng không đồng loạt tăng phí để bổ sung nguồn thu, giá vé bay khứ hồi nội địa giai đoạn giữa tháng 5 cũng chỉ ở mức 1,1 - 1,5 triệu đồng do nhu cầu bay xuống thấp.

Theo đó, đã có 4 hãng bay điều chỉnh tăng phí quản trị hệ thống là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airways. Từ ngày 9/5, Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco sẽ thực hiện điều chỉnh phí quản trị hệ thống từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng, tăng 100.000 đồng/chiều/hành khách. Điều chỉnh này áp dụng trên tất cả chuyến bay nội địa.

Bamboo Airways cũng cho biết sẽ tăng phí quản trị hệ thống theo mức tăng so với vé lẻ và vé đoàn, bắt đầu áp dụng đối với xác nhận đặt chỗ từ ngày 10/5. Theo đó, vé đoàn sẽ áp dụng phí quản trị hệ thống tăng từ 370.000 đồng lên 460.000 đồng (tăng 90.000 đồng/chiều/hành khách). Đối với khách lẻ, mức điều chỉnh là từ 320.000 đồng lên 410.000 đồng (tăng 90.000 đồng/chiều/hành khách).

Giai đoạn 2017-2018, phí quản trị hệ thống của các hãng hàng không Việt phổ biến ở mức 110.000 - 150.000 đồng/chiều/hành khách. Việc phí này tăng gấp 3 lần trong 3 năm là biện pháp để các hãng bay sinh tồn trong dịch bệnh, bổ sung thêm nguồn thu từ lượng khách ít ỏi.

Ba đợt tái bùng phát Covid-19 gần nhất chưa thể vẽ nên quy luật giá vé mới tại thị trường hàng không nội địa Việt Nam. Tuy nhiên mỗi khi dịch bệnh tái bùng phát, người mua vé sớm chưa chắc đã mua được vé rẻ và mua vé máy bay sát giờ dường như đang là lựa chọn an toàn hơn cho người dùng khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/ho-tien-trieu-vi-mua-ve-may-bay-som-post1213783.html

vé máy bay


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.