Phòng làm việc của Giang trên tầng 15 tòa nhà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hà Nội có diện tích khoảng 10 m2, với bàn làm việc, máy tính, một bàn tiếp khách nhỏ, cùng 3 chiếc ghế cũng nhỏ và không có tủ. Căn phòng để vách kính trắng có thể nhìn từ bên ngoài.
Nếu so với với quy mô của công ty chứng khoán quản lý khối tài sản trị giá hơn 20.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), văn phòng của CEO là khá khiêm tốn. Thế nhưng, phòng của chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này cũng có diện tích và bài trí tương tự.
Nguyễn Hoàng Giang
nhận chức CEO khi mới 24 tuổi. Ảnh: Việt Hùng. |
CEO chứng khoán ở tuổi 24
Tháng 9/2010, khi bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Công ty chứng khoán VNDirect đề nghị Giang nhận chức tổng giám đốc, cậu từ chối vì “hơi bối rối”. Thế nhưng, sau khi được HĐQT thuyết phục, chàng thanh niên 24 tuổi đồng ý. Nguyễn Hoàng Giang trở thành CEO trẻ nhất trong lịch sử ngành chứng khoán Việt Nam vào tháng 10.
Bố Nguyễn Hoàng Giang mất trong một tai nạn giao thông khi anh mới học lớp 4. Mẹ là giáo viên phổ thông phải nuôi 2 anh em ăn học. Đậu Đại học Bách khoa Hà Nội với 28,5 điểm, Giang vẫn tìm cơ hội đi Mỹ và có được một suất học bổng tại Đại học Nebraska (Mỹ) nhưng không phải toàn phần. Tuy nhiên, thanh niên này vẫn đi học được nhờ khoản vay từ một người họ hàng.
Tốt nghiệp Đại học Nebraska (Mỹ) chuyên ngành toán kinh tế - khoa học máy tính, Giang là một trong bốn sinh viên xuất sắc nhất của trường được nhận học bổng Phillip Schrager. Cậu cũng là một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất của Khoa Toán thực hành tại trường này.
Trước đó 3 năm, Giang khởi đầu với vị trí cộng tác viên phòng giải pháp nghiệp vụ, nhưng chỉ 1 năm sau đã giữ chức Trưởng phòng Giải pháp nghiệp vụ và quản lý rủi ro. Vị trí quan trọng tiếp theo trước khi được bổ nhiệm làm CEO là Giám đốc Khối phát triển sản phẩm và giải pháp nghiệp vụ.
Trả lời về lý do chọn CEO mới có 3 năm kinh nghiệm chứng khoán, bà Phạm Minh Hương cho biết, Giang có khả năng học hỏi nhanh và hợp tác tốt với người khác. Thêm nữa, Giang phụ trách một mảng rất quan trọng là quản trị rủi ro và xây dựng hệ thống - lĩnh vực được coi là xương sống của công ty trong tương lai. “Chứng khoán là một ngành mới và cần có người trẻ lãnh đạo, tạo thêm sinh khí cho công ty vào lúc khó khăn. Và tôi cũng muốn tách khỏi công việc điều hành trực tiếp để có nhiều thời gian hơn cho mình và gia đình”, vị chủ tịch bổ sung.
Thời điểm bổ nhiệm, một lãnh đạo tại công ty này nhận xét: “Giang có nhiều ưu điểm, đặc biệt là khả năng học hỏi và hành động quyết liệt. Tuy nhiên, nếu không là cháu của chủ tịch HĐQT thì Giang khó nhận được sự ủng hộ nhanh đến vậy. Để trở thành CEO thực sự, cậu ấy cần chứng minh”.
Trao đổi với Zing.vn, Giang nói: “Lúc nhận lời, tôi nghĩ đơn giản đó là một cơ hội lớn khiến bản thân được học nhiều thứ nhanh hơn. Lúc làm thì cắm đầu vào rồi, cũng chẳng quan tâm ai nghĩ gì bởi nhiều việc quá”.
Tổng giám đốc “học việc”
Thời gian đầu, Giang vẫn tập trung vào mảng xây dựng hệ thống, phát triển các giải pháp cho dịch vụ chứng khoán nhưng có thêm cơ hội học và điều phối công việc ở những lĩnh vực khác. Nhờ hệ thống quản trị được phân theo khối với những người điều hành riêng, áp lực lên CEO trẻ được giảm bớt.
Giang thừa nhận mình là một “tổng giám đốc học việc”, bởi có quá nhiều thứ cần học từ các đồng nghiệp cho công việc điều hành, đặc biệt là kinh doanh. Kết thúc năm 2011, Công ty chứng khoán VNDirect lỗ 202 tỷ đồng (năm 2010 lãi 105 tỷ đồng). “Năm 2010 là đỉnh của đầu tư, và đó là lý do năm 2011 công ty bị lỗ lớn”, CEO trẻ giải thích ngắn gọn.
"Tôi vẫn là một 'tổng giám đốc
học việc' và đóng góp của mình chỉ là một phần nhỏ trong phát triển của
công ty mà thôi", Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ. Ảnh: Việt Hùng. |
Trên thực tế, ngoài lý do khách quan, việc còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm sống nhưng lại rất quyết liệt và “có những lúc bồng bột” (như thừa nhận của Giang) là những lý do dẫn tới vấp váp trong điều hành. Sau 2 năm vật lộn với nhiệm vụ giảm tỷ trọng doanh thu từ tự doanh để tránh bớt rủi ro, tổng giám đốc chứng khoán trẻ nhất Việt Nam bắt đầu thấy thành quả.
Năm 2012 kết thúc, công ty có lợi nhuận gần 79 tỷ đồng. Những năm sau đó, lợi nhuận đều tăng và năm 2015 đạt 227 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là mảng tự doanh trước đây chiếm tới gần 40% doanh thu giờ giảm còn 15%.
Thêm vào đó, các khoản đầu tư dài hạn được cắt giảm rất mạnh, và VNDirect chỉ tập trung vào danh mục ngắn hạn. Thực tế, điều này bắt nguồn từ số liệu thống kê cho thấy, hầu hết các khoản đầu tư dài hạn đều bị lỗ rất nặng. Công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI) là khoản đầu tư dài hạn duy nhất được thực hiện kể từ khi Giang làm CEO, và đến cuối năm 2015, giá trị khoản đầu tư đã tăng gấp đôi trên sàn chứng khoán.
Và sau 5 năm, công ty do Giang làm CEO cũng có thêm nhiều thay đổi. Nếu năm 2010, số lượng tài khoản khoảng 30.000 thì cuối năm 2015 là 90.000. Đặc biệt, tổng tài sản mà công ty này quản lý lên tới 1 tỷ USD (trên 20.000 tỷ đồng); vốn điều lệ tăng từ 1.000 tỷ lên 1.500 tỷ đồng (top 3 công ty chứng khoán); nhân viên từ 150 lên 600 người.
Cùng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về nhân sự và khách hàng, công ty phải thuê thêm trụ sở và Nguyễn Hoàng Giang có phòng làm việc mới. Thế nhưng, căn phòng làm việc của tổng giám đốc cũng lại nhỏ hơn trước nhiều và bài trí đơn giản. Giải thích về điều này, Giang cho biết: “Phòng hoành tráng cũng không để làm gì, trong khi nhỏ và đơn giản sẽ tiết kiệm chi phí”.
Hiện tại, Nguyễn Hoàng Giang vẫn là CEO chứng khoán trẻ tuổi nhất trong ngành, và đầu năm nay được tạp chí Forbes đưa vào danh sách nổi bật nhất dưới 30 tuổi năm 2016 (30 under 30) của Việt Nam ở lĩnh vực kinh doanh, tài chính và quản trị.
Khát vọng 5 tỷ USD
Hơn 2 năm trước, Giang khởi động dự án thay đổi căn bản hệ thống xử lý lệnh mua, bán chứng khoán của VNDirect, dù hạ tầng công nghệ vẫn được xếp vào nhóm công ty dẫn đầu trên thị trường. “Hệ thống đang chạy tốt, tại sao phải đầu tư tiền và nhân sự quan trọng cho điều chưa biết có cần thiết không? Tại sao phải tự làm trong khi có thể đi mua?”, là những câu hỏi được một số lãnh đạo trong công ty đặt ra.
Thời điểm đó, năng lực xử lý của Công ty VNDirect vẫn lớn hơn so với nhu cầu, nhưng theo nhận định của vị CEO trẻ tuổi, thị trường sẽ có những phát triển đột biến về số lượng giao dịch. Nếu không chuẩn bị trước cho những điều sắp diễn ra, công ty sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh lõi là công nghệ và chất lượng dịch vụ.
Ngoài thành lập và chỉ đạo một đội ngũ riêng để thực hiện dự án, độc lập khỏi các công việc hàng ngày, Nguyễn Hoàng Giang tiến hành nhiều buổi họp, chia sẻ với các bộ phận khác nhau để giải thích về sự cần thiết, cũng như lợi ích của dự án, với những dữ liệu được thu thập, kiểm chứng. Giang cho biết, khoảng 3/2016, dự án này sẽ hoàn thành, đưa tốc độ xử lý lệnh mua bán của hệ thống tăng gấp 100 lần so với hiện nay.
Theo thống kê từ 2 Sở giao dịch chứng khoán, tổng số lệnh thực hiện qua Công ty VNDirect lên tới 12% toàn thị trường, trong khi thị phần môi giới chỉ 6%. Khi việc mua bán chứng khoán trong ngày được áp dụng chính thức, số lượng lệnh mua bán phải xử lý trong phiên giao dịch sẽ tăng vọt. Nếu không chuẩn bị, các công ty chứng khoán (trong đó có VNDirect) sẽ bị quá tải, hoặc không đảm bảo chất lượng dịch vụ. Cũng vì thế, sự chuẩn bị về hệ thống mà Giang cùng cộng sự tiến hành từ hơn 2 năm trước là bước đi chiến lược cho sự thay đổi ở tương lai gần.
"Nếu thực hiện đúng chiến lược, chúng tôi sẽ quản lý 5 tỷ USD tài sản vào năm 2020". Ảnh: Việt Hùng. |
Từ năm 2010 đến 2015, tuổi trung bình của nhân viên công ty tăng từ 28 lên 30,3 nhưng bầu không khí ở VNDirect lại trẻ trung hơn. Vũ Thu Hoài, một nhân viên cũ tại đây cho biết, khi gặp lại các đồng nghiệp cũ, chị thấy họ được giao nhiều quyền quyết định hơn, và công ty cũ có nhiều hoạt động trẻ trung hơn dù tuổi… già hơn.
Nguyễn Hoàng Giang giảm bớt việc vận hành trực tiếp, chuyển dần sang điều phối, phát triển các mảng thị trường mới...
Trong chiến lược phát triển tới năm 2020, ngoài việc liên tục cải tiến công nghệ, một mục tiêu quan trọng mà Giang và các đồng nghiệp đặt ra là phải cá nhân hoá việc tư vấn đầu tư và sử dụng các dịch vụ tài chính cho khách hàng. Bên cạnh đó, nếu áp dụng thêm công nghệ mới, một nhân viên sẽ tư vấn được cho 100 khách hàng thay vì 20 như hiện nay. “Nếu làm đúng các chiến lược đặt ra, tổng tài sản mà VNDirect quản lý cho khách hàng vào năm 2020 sẽ là 5 tỷ USD”, Giang dự báo.
Chia sẻ với Zing.vn về 5 năm làm CEO VNDirect, Giang nói: “Cảm xúc từ hào hứng lúc nhận thử thách, có lúc chuyển sang chán nản vì quá khó, tiếp đến là thất vọng vì kết quả, rồi lại sung sướng vì thấy nỗ lực của mình có thành công bước đầu… Nhìn chung thì đến giờ tôi vẫn là ‘tổng giám đốc học việc’, vẫn cần học hỏi, trợ giúp rất lớn từ bạn bè, đồng nghiệp. Cái khác lớn nhất là mục tiêu mà thôi. Điều quan trọng là phải luôn học thêm cái mới vì thị trường tài chính sẽ còn thay đổi rất nhiều trong tương lai”.
Hiện tại, Nguyễn Hoàng Giang đang theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh từ xa dành cho những nhà điều hành (Executive MBA) của Đại học Chicago, và đến năm 2017 mới kết thúc.
Một sở thích của Giang trong lúc rảnh rỗi là chạy bộ. Và ngay cả với thú vui này, chàng thanh niên cũng muốn học thêm một cái gì đó, như chạy hết 5 km mà không bị thở gấp, số bước chân theo thời gian để tối ưu… “Vào cuối tuần, nếu vợ cho phép thì tôi sẽ đi chơi golf với bạn bè. Nhưng mong ước trong năm 2016 là tham dự một chặng marathon nào đó”, Giang tâm sự.