Kinh tế thế giới tạm biệt khủng hoảng?

Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới được công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới được công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến.

IMF nhận xét, các nền kinh tế khu vực trên toàn cầu đang phục hồi với tốc độ rất khác nhau. Kinh tế Mỹ và châu Âu đang khởi sắc với tốc độ chậm hơn những gì người ta dự báo trước đó, trong khi châu Á và Australia nhanh chóng vượt trội.

Những con số “biết cười”

Theo báo cáo, kinh tế thế giới sau khi giảm 0,6% năm 2009 sẽ trở lại tăng trưởng 4,2% năm nay và 4,3% năm 2011. Những nhà kinh tế danh tiếng như Robert Gordon của ĐH Northwestern, Jeffrey Frankel đến từ Harvard và Robert Hall thuộc ĐH Stanford đều tuyên bố, khủng hoảng đã là quá khứ.

Kinh tế thế giới tạm biệt khủng hoảng?

Nền kinh tế toàn cầu đang tăng tốc.

Cơ sở của tuyên bố lạc quan này chính là những con số “biết cười”. Tập đoàn tài chính Mỹ JPMorgan Chase cho biết, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo toàn cầu trên đà tăng mạnh kể từ tháng 3, đặc biệt ở Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc, với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của toàn thế giới đạt mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/1998.

Tại Mỹ, Viện quản lý nguồn cung (ISM) cũng cho hay, sản lượng của các nhà máy tăng 8 tháng liên tiếp và đạt tới nhịp độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2004, với số lượng đơn đặt hàng tăng 60% trong tháng 3/2010.

Trong khi đó, chỉ số sức mua tăng từ 56,5 vào tháng 1 lên 59,6 trong tháng 3, vượt mọi dự báo của các nhà kinh tế. Công nghiệp ô tô thế giới cũng phục hồi nhanh với tất cả các hãng chế tạo ô tô lớn trên thế giới đều tăng doanh thu kể từ tháng 3 năm nay so với cùng kỳ năm trước, từ mức thấp nhất 21% của hãng General Motors (Mỹ) đến mức cao nhất là 43% của hãng Nissan Motor (Nhật Bản). Hãng Ford Motor (Mỹ) cũng tăng doanh thu 40%.

Hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ nhận định, những thành quả trong công nghiệp toàn cầu này sẽ báo trước sự phát triển tăng vọt trong thương mại toàn cầu.

Các nền kinh tế mới nổi -  con át chủ bài

Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang đóng vai trò là động lực chính cho tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới. Tổ chức này này dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 10% trong năm nay và 9,9% trong năm 2011. Dự báo mà IMF dành cho Trung Quốc trong năm 2010 lần này không thay đổi so với lần trước, nhưng mức dự báo cho năm sau tăng thêm 0,2%.

Kinh tế thế giới tạm biệt khủng hoảng?

Kinh tế Trung Quốc là một trong những "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới.

Đặc biệt, IMF nhận định, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm nay, tăng 1,1% so với dự báo trước. Tăng trưởng của nền kinh tế đông dân thứ 2 thế giới sẽ giảm tốc về mức 8,4% trong năm 2011.

Các mức dự báo tăng trưởng mà IMF dành cho Việt Nam trong năm 2010 và 2011 gần ngang bằng với các mức 6,3% và 6,5% mà định chế này đưa ra cho nhóm nước các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nói chung.

Cùng với đó, Mỹ Latinh dự kiến cũng trở thành một trong những nền kinh tế khu vực có tốc độ phục hồi mạnh mẽ nhất, với GDP dự báo tăng 4,1% trong năm tới, nhờ có các chính sách phù hợp và điều kiện cơ bản thuận lợi như hệ thống tài chính vững mạnh và khả năng hút nguồn vốn đầu tư.

Tại Trung Đông, kinh tế cũng đang phục hồi với tốc độ mạnh mẽ, nhờ giá dầu tăng cao và chương trình chi tiêu hào phóng của Chính phủ các nước giàu hơn trong khu vực. Theo IMF, kinh tế của Trung Đông và Bắc Phi sẽ tăng 4,5% trong năm nay và 4,8% năm 2011.

Các nước phát triển – "quả bom nổ chậm"
 
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng dự báo mà IMF dành cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới khiêm tốn hơn nhiều. IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng 3,1% trong năm nay và 2,6% trong năm tới. Đối với khu vực sử dụng đồng euro, các mức dự báo tương ứng là 1% và 1,5%, đối với Nhật Bản là 1,9% và 2%.

Theo IMF, Mỹ và các nước phát triển khác đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc vừa kiềm chế thâm hụt vừa duy trì mức chi tiêu cao của Chính phủ để kích thích kinh tế.

Kinh tế thế giới tạm biệt khủng hoảng?

Kinh tế của khu vực đồng euro đang tăng trưởng rất khiêm tốn

Điều này đang thể hiện rõ nhất ở Hy Lạp và nguy cơ trong ngắn hạn đó là nếu không được kiểm soát, vấn đề nợ chủ quyền ở nước này có thể sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Phát biểu nhân sự kiện công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Olivier Blanchard, cảnh báo, các nước phát triển nặng nợ cần thắt chặt chi tiêu công để ngăn chặn sự hình thành “bom nợ” tương tự như ở Hy Lạp hiện nay. Báo cáo của IMF cho hay, tỷ lệ nợ công so với GDP tại các nước giàu hiện đứng cao hơn cả, và sát với mức của thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2.

Tuy nhiên, ông Blanchard cũng chỉ ra rằng, việc thắt lưng buộc bụng sẽ tác động bất lợi tới nhu cầu và tăng trưởng cũng như tình hình việc làm, đồng thời khẳng định đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều nền kinh tế đang phải đương đầu.

IMF nhận định, giảm bớt tình trạng nợ nần của thế giới là một nhiệm vụ đầy gian nan. Việc rút lui khỏi các biện pháp kích thích tăng trưởng sẽ chỉ giúp giảm chi tiêu công một khoản tương đương 1,5% GDP và các nước sẽ phải giảm chi tiêu công nhiều gấp ba lần con số này để ổn định tỷ lệ nợ công so với GDP. Tổ chức này cho rằng, để làm được điều đó, các nước sẽ phải thực hiện thêm các biện pháp quyết liệt như tăng thuế và cắt giảm các chương trình phúc lợi.

 Theo Bích Diệp
Kinh tế thế giới tạm biệt khủng hoảng?



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.