Lọc không khí làm gì nếu vẫn chạy xe xăng?

Phương tiện giao thông được xem là “thủ phạm” ô nhiễm không khí. Trong bối cảnh lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân còn nhiều tranh cãi thì việc chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe chạy điện có thể xem là “một mũi tên trúng hai đích”.

Phương tiện giao thông được xem là “thủ phạm” ô nhiễm không khí. Trong bối cảnh lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân còn nhiều tranh cãi thì việc chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe chạy điện có thể xem là “một mũi tên trúng hai đích”.

 

Liên tục những ngày cuối tháng 9, ứng dụng quan trắc không khí AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Dù chính quyền thành phố và Bộ Tài nguyên Môi trường đều đã lên tiếng bác bỏ và cho rằng “số liệu của các trang, ứng dụng này chỉ dùng để tham khảo”, nhưng người Hà Nội có lẽ chưa bao giờ hoang mang đến thế, khi hàng ngày chứng kiến cảnh các tòa nhà cao tầng biến mất trong màn sương mù buổi sáng, thậm chí đến trưa bầu trời Thủ đô vẫn mù mịt, âm u dù trời đang nắng.

Phương tiện giao thông: Thủ phạm chính

Trong cuộc họp báo chiều 1/10, người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội Vũ Đăng Định đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, trong đó đứng dầu danh sách là khí xả thải từ ô tô, xe máy.

Cùng quan điểm, bà Holly Lindquist Thomas, Trưởng phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Y tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nhận định: “Nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội cao nhất vào sau giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, vì thế, nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm chính là khí thải từ giao thông”.

Theo ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, “chất lượng phương tiện còn hạn chế, xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên làm cho gia tăng đáng kể nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí”.

Lọc không khí làm gì nếu vẫn chạy xe xăng?-1
 

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, bình quân mỗi tháng trên địa bàn thành phố có khoảng 27.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó ô tô khoảng 5.000, xe máy khoảng 22.000. Ở quy mô toàn quốc, mỗi năm lại có thêm 3 triệu nguồn xả thải mới gây ô nhiễm môi trường, tương ứng với mức doanh số trung bình 3 triệu chiếc xe máy mới bán ra hàng năm.

Chuyển từ xe xăng sang xe điện: Lợi ích kép

Để cải thiện chất lượng không khí cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, căn cơ vẫn là giải quyết nguồn thải từ các phương tiện giao thông. Theo các chuyên gia, Việt Nam có sức tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh nhất khu vực. Trong vòng 20 năm, từ 1994 đến 2013, mức độ tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 75%/năm.

Ông Mai Thanh Dung nhận định: “Việc đặt ra những giải pháp giảm tiêu thụ nhiên liệu hoặc đưa những nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn vào sử dụng sẽ là những giải pháp hết sức quan trọng để ngăn phát thải ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.”

Ủng hộ quan điểm đó, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng: “Trước mắt nên tập trung vào loại xe máy điện và xe điện thông minh, vì theo đánh giá về môi trường thì hiện nay 70% khí thải ô nhiễm là do các phương tiện giao thông gây ra. Trong 70% này, xe máy hiện nay thải ra trên 90% các khí độc hại gây ô nhiễm không khí.”

Chuyển đổi từ phương tiện chạy xăng sang phương tiện chạy điện như xe máy điện, ô tô điện, xe buýt điện… để bảo vệ môi trường là một xu hướng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng của loại phương tiện này đang rất nhanh. Hiện tại, thế giới có 3 triệu xe điện, chiếm 1% tổng lượng phương tiện, nhưng dự báo đến năm 2050, xe điện sẽ chiếm 80% tổng phương tiện.

Lọc không khí làm gì nếu vẫn chạy xe xăng?-2
 

Các chuyên gia dự báo, khoảng 30-40 năm nữa, xe máy vẫn còn phổ biến tại Việt Nam. TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, cho biết: “Một số nước trên thế giới như Trung Quốc người ta cấm xe máy có động cơ nhưng người ta không cấm xe máy điện, người ta chỉ cấm xe nhiên liệu hóa thạch thôi.”

Tại thị trường Việt Nam, người dân đang có vô số lựa chọn về xe máy điện, từ bình dân đến cao cấp, từ xe nhập đến xe sản xuất trong nước. Ngoài nhà sản xuất VinFast, các hãng xe máy truyền thống như Honda, Yamaha, Piaggio… cũng đang có tham vọng gia nhập thị trường xe điện. Cùng với việc phát triển các giải pháp về hạ tầng, xe máy điện được dự báo sẽ sớm thay thế xe máy chạy xăng truyền thống.

Với phương tiện công cộng, Hà Nội phấn đấu đến năm 2021 sẽ đưa xe buýt điện vào hoạt động. Ngoài ra, nhiều người cũng đang kỳ vọng vào các dự án xe buýt điện do các doanh nghiệp tư nhân triển khai, điển hình như VinBus của Tập đoàn Vingroup dự kiến hoạt động từ tháng 3/2020, sẽ góp phần tạo ra những thay đổi lớn cho bộ mặt giao thông đô thị.

Chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện giờ đây không còn đơn thuần là một lựa chọn văn minh mà đã trở thành một yêu cầu cấp bách, một hành động có trách nhiệm với môi trường. Ra đường cùng các phương tiện “xanh” sẽ là giải pháp vừa mang tính căn cơ, vừa phù hợp với xu hướng thế giới.

Mỗi ngày 164 người tử vong vì... hít thở

Ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới. Từ năm 2016 đến nay, Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu thế giới về số ca tử vong do ô nhiễm không khí với hơn 1,3 triệu người/năm. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của khoảng 60.000 người. Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày có 164 người Việt Nam chết chỉ vì… hít thở.

Hà Lê


xe buýt điện

phương tiện xanh

xe máy điện

ô nhiễm không khí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.