Bài thuốc bắt bệnh suy hô hấp đang bùng phát ở trẻ qua đốt chỉ tay

Những ngày qua, trẻ bị suy hô hấp liên tục nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Trong khi các chuyên gia cảnh báo diễn biến bệnh còn phức tạp, giải pháp phòng và điều trị sớm cho trẻ đang được các bậc cha mẹ quan tâm. Lương y Hứa Hiền Quang (Hội viên Hội Đông y Việt Nam) đã chia sẻ một vài mẹo nhỏ để cha mẹ phòng ngừa và đoán bắt tình hình bệnh của con sớm hơn.


Tiên lượng bệnh cho trẻ 
Thời  gian gần đây, thời tiết tại TP.HCM thay đổi thất thường, lúc nắng, lúc mưa, độ ẩm trong không khí rất cao là điều kiện thuận lợi để vi rút, vi khuẩn phát triển gây bệnh. Đối tượng bị ảnh hưởng bởi dạng thời tiết này chính là đường hô hấp của trẻ nhỏ, nhất là ở những bé có hệ miễn dịch yếu. 
Áp dụng đông y trong việc chữa trị bệnh về đường hô hấp của trẻ nhỏ cũng chính là sự điều hòa quân bình âm dương. “Mỗi trẻ nhỏ mắc bệnh về đường hô hấp đều có nguyên nhân khác nhau, tùy theo cơ địa mà cách chữa cũng khác nhau. Chính vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đúng mức tới sức khỏe con trẻ. Trong y gia cổ xưa có đề cập đến một phương pháp khá đơn giản để cha mẹ tự đoán được giai đoạn khởi phát bệnh hô hấp trẻ nhỏ, chính là xem chỉ tay. Chỉ tay ở đây thực ra là các tĩnh mạch nhỏ tại ngón tay trỏ, gần gốc xương ngón tay”, ông cho biết.  
Lương y Hứa Hiền Quang chia sẻ về bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm các đường hô hấp ở trẻ nhỏ

Phương pháp cổ xưa này áp dụng với trẻ dưới 10 tuổi. Bởi theo lương y, lớp da của trẻ dưới độ tuổi này còn rất mỏng và non, tĩnh mạch nông dễ nổi và nhìn thấy dễ dàng. Cuối mỗi đốt đều có các chỉ tay, chỉ cần dựa vào sự biến đổi màu sắc của chỉ tay thì cha mẹ có thể tự chẩn đoán bệnh cho trẻ và có cách đẩy lùi tức thì nếu bệnh ở giai đoạn khởi phát. Chẳng hạn, để ngửa ngón tay trọ lên khi thấy chỉ tay có màu trắng, tức thì trẻ đã bị nhiễm hàn. Việc làm ngay lúc đó là cần lấy khăn ấm áp lên vùng phổi sau lưng thì trẻ sẽ dễ thở hơn. Nếu chỉ tay màu đỏ đậm, cơ thể trẻ đang bị nhiệt, nóng, có sốt thì bôi chút dấm hai bên nách cho bé thì thân nhiệt sẽ từ từ hạ. Đây là bước đầu đẩy lùi căn bệnh viêm đường hô hấp, bởi phong hàn, phong nhiệt và khí táo là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm họng, viêm phế quản ở trẻ nhỏ. 

Bài thuốc từ thảo dược thiên nhiên
Thực tế, không thể phủ nhận vai trò của thuốc kháng sinh. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, mỗi lần ốm cứ cho trẻ uống thuốc kháng sinh dễ dẫn đến bội nhiễm, kháng thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Đối với bệnh viêm đường hô hấp nếu lạm dụng chất kháng sinh có thể gây ra mãn tính, và xuất hiện tác dụng phụ như trẻ bị rối loạn tiêu hóa, sống phân, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, nôn. Những bài thuốc thảo dược chính là cách để giúp các bậc cha mẹ hạn chế dùng thuốc kháng sinh và phòng ngừa tái phát bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ.
Để áp dụng cho trường hợp trẻ mắc bệnh đường hô hấp, lương y Hứa Hiền Quang đã bào chế ra bài thuốc phù hợp với triệu chứng mắc phải của trẻ nhỏ. Ông cho biết, nếu trẻ có các triệu chứng như nhiều đàm,ho, sốt thì cần có các vị: tía tô, trần bì, bá hạ, phục linh, cam thảo, cát cánh (trị ho), kiên kiểu (giải cảm) mỗi thứ rất ít khoảng 2gram. Tất cả đều được bỏ chung vào đun sôi chưng cách thủy 15 phút, mỗi ngày cho trẻ uống ba lần, mỗi lần 1-2 muỗng nhỏ. Tuy nhiên, theo lương y Quang liều lượng của bài thuốc sẽ thay đổi tùy theo bệnh lý của trẻ. 
Cây Tía tô, thảo dược dân gian quan trọng trong bài thuốc

Trong thành phần của bài thuốc này có một vài vị gần gũi với cuộc sống của con người như tía tô, cam thảo, cát cánh. Trên thực nghiệm, lá tía tô có chứa tinh dầu làm ức chế các vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu tan máu, phế cầu. Riêng hoạt chất Luteolin trong tía tô còn có tác dụng chống dị ứng. Do đó dân gian thường dùng nắm lá tía tô làm thuốc chữa ho, long đờm. Cam thảo, thảo dược có trong thành phần của bài thuốc trên với hoạt chất Acid glycyrhizic có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, chống viêm, chống dị ứng, giảm ho, chống co thắt cơ trơn. Cam thảo thường được dùng phối hợp với các vị khác trong đông y để làm long đờm, chữa viêm họng, viêm phế quản. 
Ngoài ra, các nhóm hoạt chất Saponin có trong vị thuốc cát cánh có tác dụng kích thích niêm mạc họng và phế quản làm tăng phản ứng tiết dịch nhầy ở niêm mạc dẫn đến tiêu đờm rõ rệt. Theo lương y Quang, kết hợp với việc cho trẻ sắc thuốc uống, để hiệu quả cha mẹ cần kết hợp “mát-xa” lưng làm ấm phổi khi phát hiện trẻ bị lạnh. Đồng thời ấn và xoa nhẹ đằng sau dái tai phả của trẻ rồi kéo ra sau cổ làm tương tự với tai trái, làm ngược lại như vậy có tác động lên cuống họng giúp dễ tiêu đờm. Cha mẹ cũng có thể lấy vỏ quýt, vỏ chanh tươi bôi thêm một chút mật ong quấy vào nước cho trẻ uống nếu đàm nhiều.
Thông thường tháng 8 đến tháng 10 là thời điểm “vào mùa” của bệnh viêm các đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Vì vậy, để tránh bệnh cho con khỏi nhiễm bệnh, cha mẹ cần có những cách phòng ngừa nhất định. “Một điều mà các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đó chính là phòng bệnh cho trẻ. Khi thời tiết giao mùa trở lạnh nếu đưa trẻ ra ngoài ban đêm thì cần phải giữ ấm các vị trí quan trọng như đầu, cổ, ngực, tay, chân. Nên hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm lạnh, thay vào đó là tăng cường các chất dinh dưỡng từ rau, củ quả. Tránh cho trẻ xuất hiện ở đám đông chật chội ngột ngạt khí và không nên tiếp xúc với những người mắc cúm”, ông Quang chia sẻ. 

Ái Thụy/VietNamNet




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.