Bố mẹ giúp trẻ nói không với nước ngọt bằng cách nào?

Trẻ con vốn thích ngọt nên hầu như đứa trẻ nào cũng “mê” nước giải khát đóng chai, trong khi nếu sử dụng nhiều chúng có thể gây hại cho sức khỏe.

Trẻ con vốn thích ngọt nên hầu như đứa trẻ nào cũng “mê” nước giải khát đóng chai, trong khi nếu sử dụng nhiều chúng có thể gây hại cho sức khỏe. Để giúp trẻ nói không với loại nước giải khát này, TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam đã có một số gợi ý sau cho các bậc cha mẹ.

Nước giải khát đóng chai khiến trẻ tăng động

TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, hầu như đứa trẻ nào cũng thích đồ ngọt. Trong nước giải khát đóng chai, vị ngọt lại là vị đặc trưng nên rất hấp dẫn trẻ. Ngoài vị ngọt, nước ngọt đóng chai cũng có vị gây tê tê đầu lưỡi, kích thích vị giác  người uống. Do vậy, đôi khi chỉ cần một lần uống là đứa trẻ đã thích ngay và đòi uống cho lần sau. Vài chục lần uống là sẽ trở nên nghiện.

Các nhà khoa học Mỹ và Thụy Điển đã có rất nhiều nghiên cứu về những tác hại của nước ngọt đóng chai lên sức khỏe con người. Kết quả những nghiên cứu cho thấy, nước ngọt đóng chai rất dễ gây nghiện. Bởi trong nước ngọt đóng chai chứa một lượng đường rất lớn. Theo các nhà khoa học Hội Tim mạch Mỹ, trong một chai nước ngọt có dung tích 350ml thường chứa 7 muỗng cà phê đường. Trong khi đó mỗi ngày, trẻ em chỉ được phép tiêu thụ không quá 3 muỗng cà phê đường. Đường có tác dụng kích thích sự phóng thích dopamine, chất dẫn truyền nội tiết thần kinh trong não, làm cho chúng ta cảm thấy tươi khỏe và hưng phấn. Tuy nhiên, đường cũng có cơ chế gây nghiện như cocain khiến cho người tiêu dùng rất khó từ bỏ.

Nguy hại hơn là trong nước ngọt đóng chai, một số loại vị trong đó  là… hóa chất. Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và cho thấy, nếu thường xuyên  uống nước ngọt đóng chai, không những trẻ em mà người lớn sẽ phải đối mặt với hàng loạt bệnh như: Béo phì, tiểu đường, tim mạch, suy thận, loãng xương…

Trẻ sử dụng nước ngọt có ga dễ gây tăng động. Ảnh: T.L

Theo TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, những nghiên cứu trên chủ yếu là nghiên cứu ở nước ngoài. Ở Việt Nam, tình trạng làm giả, làm nhái nước ngọt khá nhiều, đặc biệt là thị trường ở nông thôn. Hiện nay có những “làng” ven các thành phố lớn, họ chuyên sản xuất các loại đồ uống giả này để đưa về nông thôn với giá thành rất rẻ.

Trẻ nhỏ vốn mải chơi, lại lười uống nước. Trong lúc khát mà được người lớn mua cho một chai nước ngọt thì chúng vô cùng sung sướng. Nước ngọt đóng chai lại vừa rẻ, vừa tiện, trẻ lại thích nên các bậc phụ huynh cũng rất thích “chiều” cho con uống loại đồ uống này. Trong khi đó, không mấy ai biết tác hại của nước ngọt đóng chai, thậm chí biết cũng không tin vì nghĩ đó là đồ uống thì không thể độc hại.

TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, người trực tiếp điều trị những đứa trẻ bị tăng động cho biết, trong phác đồ điều trị dành cho trẻ tăng động thì nước giải khát đóng chai là loại đồ uống nằm trong danh mục bị cấm tuyệt đối. Bởi khi đứa trẻ tăng động uống loại nước giải khát đóng chai này thì càng làm cho chúng trở nên tăng động hơn.

Trẻ thích nước ngọt bởi những nguyên nhân sau:

-Do vị ngọt đặc trưng trong nước giải khát đóng chai.

- Do lúc nào cũng sẵn ở các cửa hàng, siêu thị, quán xá vỉa hè, thôn xóm…

- Do quảng cáo hấp dẫn, có tính chất “khuyên” trẻ uống.

- Do trẻ nhìn thấy người lớn, ông bà, bố mẹ, anh chị đều uống.

Cách giúp trẻ “nói không với nước ngọt”

Những nguyên nhân nêu trên nếu muốn con nói không với nước ngọt, bố mẹ có thể thực hiện theo những cách sau:

1.Bố mẹ phải làm gương cho con:

Bố mẹ phải làm gương cho con bằng cách: Không mua và không uống loại đồ uống này. Ngay cả khi đi du lịch, nếu trẻ khát chỉ nên gọi nước lọc tinh khiết. Nếu trẻ thích uống đồ ngọt, bố mẹ có thể gọi nước chanh tươi, cam vắt… Không nên mua nước cam, chanh, đào… đóng sẵn.

2.Giải thích cho con tác hại của nước ngọt đóng chai:

Sự giải thích này đối với trẻ không chỉ bằng lời mà phải kèm theo bằng chứng (ví dụ cho trẻ xem hình ảnh những người béo phì...).

3.Phân tích và nói cho con hiểu bản chất của những thước phim quảng cáo.

4. Nghiêm khắc khi trẻ đòi uống.

Bố mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng: “Bố mẹ không muốn cấm con nhưng không còn cách nào khác để khiến con nói không với nước ngọt nên đành phải làm như vậy. Bố mẹ cấm con uống không phải cho bố mẹ mà là cho con những điều tốt nhất”.

5.Chuẩn bị sẵn nước uống an toàn:

Bố mẹ sau khi đã nghiêm cấm trẻ uống nước ngọt đóng chai thì nên có “biện pháp thay thế” khác. Biện pháp đó là, hàng ngày nên bố trí thời gian để chuẩn bị sẵn những ca nước giải khát tự nhiên như nước dâu ngâm, nước mơ ngâm, nước chanh tươi, cam vắt, chanh leo… sẵn trong tủ lạnh cho cả nhà, trong đó có trẻ. Việc chuẩn bị sẵn này sẽ giúp trẻ thỏa mãn được nhu cầu “giải khát” mà không cần tìm đến những chai nước giải khát đóng chai.

Theo Báo Gia đình & Xã hội



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.