Bộ Y tế lý giải vì sao không áp dụng gây tê tủy sống khi sinh mổ

Sau khi thông tin thay thế gây tê tủy sống bằng gây mê nội khí quản được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, các bác sĩ đã bày tỏ lo ngại còn các thai phụ thì hoang mang. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Tiến về vấn đề này

Sau khi thông tin thay thế gây tê tủy sống bằng gây mê nội khí quản được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, các bác sĩ đã bày tỏ lo ngại còn các thai phụ thì hoang mang. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Tiến về vấn đề này.

Bác sĩ lo ngại, thai phụ hoang mang

Mặc dù công văn nêu rõ chỉ dừng áp dụng phương pháp gây tê tủy sống với các thai phụ có bệnh lý như rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật... nhưng mấy ngày qua những tít bài “Cấm gây tê tủy sống trong mổ lấy thai”, “Thay gây tê tủy sống bằng gây mê trong mổ đẻ”... đã khiến dư luận hoang mang.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều bà mẹ đã sinh con bằng phương pháp này bày tỏ lo lắng bởi đã từng gây tê tủy sống trong khi sinh mổ. Những người mổ rồi thì lo lắng tình trạng đau lưng có phải là biến chứng do gây tê tủy sống, những người chuẩn bị sinh thì xin ý kiến xem nên dùng phương pháp nào không đau khi sinh mổ.

Một bác sĩ chuyên ngành sản khoa bày tỏ: “Các bác sĩ sản khoa như mình đâm lo vì các thông tin như vậy gây ra rất nhiều hoang mang cho các thai phụ và người nhà. Bởi lẽ họ chỉ đọc đầu đề mà không hiểu rõ thông tin bên trong chỉ nói về một số bệnh cảnh lâm sàng cần chống chỉ định trong gây tê tuỷ sống. Phương pháp vô cảm cho sản phụ thích hợp cho mổ lấy thai phụ thuộc vào mẹ, thai nhi và các yếu tố sản khoa”.

Trả giá đắt nếu chủ quan

Trả lời vấn đề này, GS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định: “Công văn này chỉ dành cho các trường hợp sản bệnh lý còn đại đa số các tường hợp bà mẹ bình thường thì gây tê tuỷ sống”.

GS. Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới với biện pháp mổ lấy thai thì bác sĩ đều sử dụng biện pháp gây tê tuỷ sống với tỉ lệ lên tới trên 95 % bởi kỹ thuật này hiện nay rất tốt.

GS. Tiến dẫn chứng, trước đây, do dùng kim to nên khi gây tê tuỷ sống có thể bị đau đầu, đau gáy nhưng nay dùng kim nhỏ nên di chứng này không còn nữa. GS Tiến khẳng định, so với gây mê thì gây tê tuỷ sống an toàn hơn và bác sĩ mổ đẻ dễ hơn.

Về 5% còn lại, GS. Tiến khẳng định đó là những trường hợp đặc biệt có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm,….

“Nếu chủ quan (với 5% trường hợp này – PV) sẽ phải trả giá đắt cho việc mổ lấy thai bằng gây tê tuỷ sống này”, GS. Tiến cho biết.

Bởi ngay tại những cơ sở y tế hiện đại, việc cấp cứu các sự cố trong những trường hợp sản phụ bong nhau non, nhau tiền đạo, tiền sản giật, tiền sản giật, rối loạn đông máu… do gây tê tuỷ sống còn khó. Nếu ở tuyến thấp hơn, bác sĩ có thể sẽ bó tay vì phương tiện cấp cứu không có... Nhất là khi để sản phụ ngừng tim trên bàn mổ sẽ dẫn tới rối loạn đông máu, một biến chứng mà phẫu thuật viên nào cũng kinh hãi và nguy cơ dẫn đến tử vong người mẹ rất cao.

Còn về việc ký văn bản khuyến nghị ngừng phương pháp gây tê tủy sống, GS. Tiến giải thích: Với 30 năm kinh nghiệm trong nghề, ông rất đau xót dù chỉ 1 trường hợp tử vong mổ lấy thai nên thời gian qua ông đã ký 1 văn bản để chỉ đạo các bệnh viện sản khoa, khoa sản, trung tâm sản khoa trường hợp nào nên áp dụng gây mê toàn thân để đảm bảo an toàn cho người mẹ.

Cuối cùng, GS Tiến khẳng định, chọn phương pháp gây tê tủy sống hay gây mê nội khí quản là do bác sĩ và các thai phụ có tiền sử bệnh lý nên trao đổi với bác sĩ để cuộc sinh mổ được thành công nhất.

Theo Dantri.com.vn


gây tê tủy sống


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.