Tất tật những điều các mẹ cần biết về mũi gây tê ngoài màng cứng - phương pháp giảm đau phổ biến khi sinh nở

Những thông tin về mũi gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp mẹ bầu quyết định phương pháp giảm đau phù hợp nhất trong quá trình sinh nở của mình.

Những thông tin về mũi gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp mẹ bầu quyết định phương pháp giảm đau phù hợp nhất trong quá trình sinh nở của mình.

Mỗi bà mẹ đều đồng ý rằng: cho dù họ đọc bao nhiêu quyển sách, hay nghe bao nhiêu câu chuyện từ những người bạn, họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được cảm giác sinh nở chừng nào họ thực sự trải qua quá trình đó. Để chuẩn bị cho việc sinh nở, một trong những điều mẹ bầu cần làm là tìm hiểu về các phương pháp giảm đau. Và gây tê ngoài màng cứng là lựa chọn gây tê phổ biến hàng đầu hiện nay. Dưới đây là những điều mẹ bầu cần biết về phương pháp này.


Gây tê ngoài màng cứng là lựa chọn gây tê phổ biến hàng đầu hiện nay.

Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Theo giải thích của Bác sỹ Sangeeta Kumaraswami, chuyên gia gây mê sản khoa thuộc Bệnh viện Weschester – đơn vị hàng đầu trong mạng lưới các Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Westchester ở Valhalla, New York, "Gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong sinh nở là một dạng gây tê mà ở đó thuốc giảm đau được tiêm vào vùng cột sống bên dưới. Nó làm tê liệt cơ thể bên dưới mũi tiêm, cho phép người mẹ duy trì trạng thái tỉnh táo và cảnh giác nhưng giúp họ thoải mái hơn trong ca sinh, đồng thời có áp lực 'rặn' khi đến thời điểm đứa trẻ cần chào đời. Phương pháp này cũng được biết đến với tên gọi giảm đau ngoài màng cứng hoặc tiêm ngoài màng cứng."

 
Gây tê ngoài màng cứng làm tê liệt cơ thể bên dưới mũi tiêm.

Gây tê ngoài màng cứng hoạt động như thế nào?

Khi người mẹ đến thời gian chuyển dạ, tử cung của người mẹ co lại, khiến họ cảm nhận được cơn đau truyền từ tử cung qua các dây thần kinh trong cột sống đến não bộ, Bác sỹ Kumaraswami giải thích. "Cơn đau thường không quá khó chịu khi người mẹ mới chuyển dạ, nhưng sẽ càng tồi tệ hơn khi gần kề thời điểm sinh nở."

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp người mẹ ngăn chặn được cơn đau dữ dội này. Bác sỹ Iffath Hoskins – phó giáo sư lâm sàng Khoa Sản Nhi thuộc Bệnh viện Langone, Đại học New York ở thành phố New York, giải thích rằng thuốc tê được tiêm vào khoang trên màng cứng bao quanh các dây thần kinh trong cột sống. "Thuốc gây tê sau đó phủ kín các dây thần kinh, khiến chúng bị tê liệt và nhờ đó ngăn chặn quá trình dẫn truyền cảm giác đau", bà cho biết.

Gây tê ngoài màng cứng khác gây tê tủy sống như thế nào?

Gây tê tủy sống: Phương pháp này có thể sử dụng một mình hoặc kết hớp với phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Bác sỹ Kumaraswami giải thích: "Khi dùng một mình, nó được truyền qua một mũi kim cắm sâu qua vùng lưng dưới vào ống tủy sống. Tác dụng giảm đau xuất hiện ngay lập tức, thường kéo dài từ 1,5 đến 3 tiếng và có thể hết tác dụng trước khi thai nhi chào đời".

Gây tê ngoài màng cứng: Phương pháp này cho phép đặt thêm ống gây tê (ống này được luồn vào khoang trên màng cứng và dính vào lưng người mẹ khi mũi kim được tháo ra). Ống gây tê cố định trong suốt ca sinh nở. Bác sỹ Kumaraswami cho biết: "Liều gây tê nhỏ có thể được truyền vào lúc các bác sỹ nghỉ tay nếu cần thiết". Bác sỹ Hoskins giải thích thêm: "Tác dụng giảm đau có thể duy trì trong suốt ca sinh, lên tới 24-36 tiếng và một vài giờ sau đó".

 


Minh họa phương pháp gây tê ngoài màng cứng.

Chú ý rằng vị trí giảm đau trên thực tế có thể được điều chỉnh bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng so với gây tê tủy sống. Tại một vài bệnh viện, người mẹ có thể tìm đến phương pháp gây tê ngoài màng cứng di động, giúp người mẹ không bị giới hạn không gian hoạt động trên giường. Như vậy, Bác sỹ Kumaraswami cho biết: "Bạn có thể không được phép đi lại một khi ông gây tê được cố định vì lý do an toàn và yêu cầu theo dõi từ phía bệnh viện".

Nếu người mẹ cần thực hiện ca sinh mổ hoặc phẫu thuật thắt ống dẫn trứng sau khi trẻ chào đời, bác sỹ có thể tiếp tục sử dụng gây tê ngoài màng cứng cho người mẹ.

Gây tê ngoài màng cứng gây ra tác dụng phụ như thế nào?

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sớm gây tê ngoài màng cứng không làm gia tăng khả năng sinh mổ hoặc ảnh hưởng đến thời gian người mẹ chuyển dạ. Về vấn đề sức khỏe của trẻ, các nhà nghiên cứu cho biết gây tê ngoài màng cứng không ảnh hưởng đến cân nặng, chỉ số APGAR (chỉ số đánh giá nhanh tình trạng của trẻ sơ sinh ngay sau khi chào đời) hoặc các phương pháp đánh giá khác.

Bác sỹ Kumarswami cho biết, người mẹ có thể gặp phải các tác dụng phụ như huyết áp giảm, nổi mẩn nhẹ, đau lưng, đau đầu. Bà nói: "Biến chứng lớn như tổn thương thần kinh, xuất huyết, nhiễm trùng cột sống và tê liệt là cực kỳ hiếm gặp".

 


Gây tê ngoài màng cứng không làm gia tăng khả năng sinh mổ hoặc ảnh hưởng đến thời gian người mẹ chuyển dạ, không ảnh hưởng đến cân nặng, chỉ số APGAR hoặc các phương pháp đánh giá khác (Ảnh minh họa).

Để giảm tối thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng, người mẹ cần trao đổi với bác sỹ về bất kỳ vấn đề y khoa nào họ đang gặp phải, như dị ứng thuốc tê, các vấn đề về hô hấp, xuất huyết, phẫu thuật cột sống… Bác sỹ Hoskins khuyến cáo người mẹ cũng cần cẩn thận khi bắt đầu chuyển động lại. Bà cho biết: "Sau khi sinh, hãy đợi đến khi bạn lấy lại toàn bộ cảm giác ở cùng cơ thể dưới bởi bạn có khả năng cao bị ngã hoặc chấn thương nếu dấu hiệu tê liệt vẫn tồn tại".

Cuối cùng, đau khi chuyển dạ và sinh nở là khác nhau ở mỗi người phụ nữ và mỗi ca sinh. Bác sỹ Kumaraswami khuyên sản phụ nên cân nhắc kỹ lưỡng giữa các phương pháp giảm đau bằng cách trao đổi với các chuyên gia, bác sỹ và hộ lý sản khoa chịu trách nhiệm chăm sóc họ và sau đó lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

Theo Helino

 


gây tê ngoài màng cứng

gây tê tủy sống

gây tê màng cứng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.