Tâm lý rối loạn sau khi sinh tồn tại ở phần lớn các bà mẹ. Có khoảng 70-80% sẽ bị mắc hội chứng “baby blues” – trạng thái khóc lóc, ủ rũ một vài tuần đầu sau khi con chào đời và 10-20% bị trầm cảm sau khi sinh. Đặc biệt, phụ nữ trong lần đầu làm mẹ với nhiều bỡ ngỡ, quá trình sinh con đau đớn cùng với áp lực của việc chăm sóc một em bé sơ sinh như thế nào cho tốt, vừa thiếu ngủ, vết mổ đau nhức, cảm giác buồn chán khi cơ thể mất đi vẻ gợi cảm... khiến các bà mẹ bị nhiều áp lực tâm lý nặng nề.
Trong thời gian mang thai, nội tiết trong cơ thể người phụ nữ thay đổi rất lớn, lượng hormone estrogen và progesterone tăng cao nhằm chuẩn bị người mẹ sẵn sàng cho quá trình nuôi dưỡng thai nhi và sinh con. Sau khi sinh, lượng hormone này giảm xuống đáng kể dẫn đến sự mất cân bằng trong cơ thể gây ra hội chứng "baby blues" và trầm cảm sau khi sinh.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Hội chứng “baby blues" thường xuất hiện từ 1- 3 tuần đầu tiên sau khi sinh. Các bà mẹ sẽ có những triệu chứng như mau nước mắt, dễ tổn thương (kể cả từ những điều nhỏ nhất), khóc hàng giờ, cảm thấy chán nản, không có năng lượng làm bất cứ việc gì... Những dấu hiệu này thường mất đi từ 2-3 tuần sau khi sinh. Hội chứng “baby blues" kéo dài có thể chuyển sang trầm cảm.
Trầm cảm sau khi sinh cũng có những biểu hiện như hội chứng “baby blues" nhưng tiêu cực hơn. Các bà mẹ này thường tránh giao tiếp, không muốn quan tâm đến em bé hoặc quan tâm một cách thái quá không muốn ai gần con, cảm giác tuyệt vọng, chán chường.
Tiêu cực nhất là sự xuất hiện của những suy nghĩ muốn làm hại chính mình hoặc con. Ví dụ như ôm chặt con và khóc làm con ngộp thở hay ôm con lắc mạnh làm bộ não em bé chấn thương khi va vào sọ dẫn đến tử vong...
Bên cạnh vai trò MC, Huyền Ny còn được biết tới là Tiến sĩ dược. Cô là mẹ của 3 nhóc tỳ xinh xắn, đáng yêu. |
Tôi từng không muốn ai gần con mình
Tôi trải nghiệm những triệu chứng của "baby blues" trong cả hai lần sinh. Lần sinh con trai đầu lòng là nặng hơn cả, tôi đã không muốn ai ở gần con mình và lo lắng thái quá khi mọi người tiếp xúc sẽ dễ gây bệnh cho con...
Tôi lớn lên ở Mỹ lại làm công việc y tế nên ảnh hưởng phương pháp chăm sóc con và ăn uống phương Tây. Ba mẹ và người thân lại theo cách chăm sóc bà mẹ, trẻ em theo truyền thống Việt Nam. Hai bên có sự bất đồng ý kiến nên khi gia đình tỏ ý muốn giúp đỡ, tôi chỉ thấy thêm rắc rối và đều từ chối. Ôm hết mọi việc vào người như thế khiến tôi rất mệt mỏi.
Rút kinh nghiệm, sang lần sinh thứ 2 với 2 con gái, tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Tôi nhận được sự giúp đỡ của gia đình hai bên trên tinh thần hợp tác và giúp đỡ chứ không gây áp lực cho tôi. Tuy nhiên, lần này lại có sự lo lắng khác lần trước. Vừa chăm sóc 2 con nhỏ vừa muốn chu toàn cho con trai để bé không cảm thấy bị thiệt thòi nên tôi cũng bị căng thẳng khi mọi việc không được trôi chảy.
Tình trạng của tôi thuyên giảm hẳn khi biết sắp xếp thời gian hợp lý hơn. Hai vợ chồng chia thời gian ra để tranh thủ ngủ và nhờ sự giúp đỡ của gia đình, mỗi người chia nhau vài tiếng trong ngày. Như thế, tôi có chút thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, bơm sữa, đi bộ nhẹ nhàng trước sân và sắp xếp việc ăn uống, chăm sóc cho các con trong ngày.
Tổ ấm hạnh phúc của Huyền Ny. |
Làm gì để tránh trầm cảm sau sinh?
Các phương pháp các bà mẹ có thể áp dụng nhằm giảm triệu chứng của "baby blues" và trầm cảm sau khi sinh:
- Một người bình thường cần ngủ ít nhất 4 tiếng/ngày để có thể hoạt động bình thường. Các bà mẹ nên nhờ đến sự giúp đỡ của chồng và người thân để nghỉ ngơi. Đừng quá lo cho con mà ôm tất cả mọi việc vào người. Một số phụ nữ mắc hội chứng “baby blues” cảm thấy tình trạng thuyên giảm hẳn đi khi họ được ngủ đủ giấc trở lại.
- Dành cho bản thân 2-3 lần, mỗi lần 5-10 phút thư giãn trong ngày để không bị quá tải. Bơm sữa cũng là một cách để thư giản vì thông thường mẹ hay vào phòng ngồi bơm 20-30 phút trong khi chồng hoặc người thân trông em bé giúp.
- Ra ngoài vào sáng sớm từ 10-15 phút để được tắm nắng và hít thở không khí trong lành. Ánh sáng mặt trời có khả năng giúp cho cơ thể giảm bớt sự uể oải và tâm trạng được sảng khoái.
- Dành một ít thời gian để vận động nhẹ nhàng trở lại, ví dụ như bắt đầu đi bộ chậm rãi 10 phút rồi tăng lên 30 phút mỗi ngày. Nghiên cứu cho thấy, đối với căn bệnh trầm cảm, việc vận động cơ thể cũng có tác dụng ngang bằng với việc uống thuốc.
- Sắp xếp thành phần thức ăn hợp lý, nhiều rau quả và đạm, tinh bột vừa phải, không mỡ động vật hay đồ chiên rán... Thức ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của mẹ và sữa cho con nên các bà mẹ cũng cần lưu ý.
- Đừng che giấu cảm xúc của mình đối với chồng và người thân. Nếu cảm thấy mình có những ý nghĩ không an toàn cho bản thân hay con thì cần tìm sự giúp đỡ. Nếu tình trạng kéo dài hơn 3 tuần sau khi sinh, các bà mẹ sẽ cần gặp bác sỹ.
- Nói chuyện với những bà mẹ vừa mới sinh xong để chia sẻ kinh nghiệm đồng thời nhằm giải tỏa stress.
Để đón được một em bé vào đời, người phụ nữ thường trải qua một hành trình của những chuyển biến tâm lý từ đơn giản cho đến phức tạp. Đằng sau niềm hân hoan, hạnh phúc còn là sự chao đảo, lo lắng và sợ hãi. Nếu không biết cách kiểm soát sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Phụ nữ thường xông pha vào việc có con mà ít khi nghĩ đến những thay đổi trong và ngoài cơ thể. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nắm những thông tin cần thiết để có thể bảo vệ vừa cho mình vừa cho con.
Chúng ta cần hiểu, hội chứng “baby blues” là một sự xáo trộn về tâm lý rất phổ biến ở hầu hết mọi phụ nữ sau sinh. Các bà mẹ do đó không nên cảm thấy xấu hổ hoặc áp lực khi chia sẻ nó với người thân và các bác sĩ. Có sự giúp đỡ kịp thời sẽ giúp các bà mẹ sớm tìm được sự cân bằng và không để trở thành căn bệnh trầm cảm kéo dài.