Cận kề "cửa tử" mới biết mình mắc căn bệnh "giết người thầm lặng"

Tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng" bởi không phải lúc nào người bệnh cũng có những dấu hiệu lâm sàng. Nhiều trường hợp đang nói chuyện bình thường, 1, 2 phút sau đã đột tử.

Tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng" bởi không phải lúc nào người bệnh cũng có những dấu hiệu lâm sàng. Nhiều trường hợp đang nói chuyện bình thường, 1, 2 phút sau đã đột tử.

>> Mách bạn cách không mua phải bánh trung thu giả, hồng ngâm hóa chất

Nguy hiểm không báo trước

Chị Tạ Thị M. (Thái Bình) đến khoa Phục hồi chức năng bệnh viện Bạch Mai để điều trị nốt những di chứng còn sót lại của căn bệnh tai biến mạch máu não. Chị M. cho biết sức khỏe của chị đang rất bình thường cho đến khi chị đột ngột cảm thấy đầu óc bị choáng váng, thị lực giảm hẳn, nói năng khó, một nửa người bên phải yếu hẳn gần như bị liệt.

Gia đình đã đưa chị M. đến khám tại bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Tại đây, bác sĩ cho chị nhập viện ngay vì chị có dấu hiệu của tai biến mạch máu não nhẹ. Kiểm tra huyết áp của chị lúc này là 150mmHg/80mmHg. Bác sĩ nói chị có huyết áp tâm thu cao. Đây là lần đầu tiên chị M. mới biết mình bị tăng huyết áp.

Cũng như chị M., anh Đoàn Văn G. (Hà Nội) cũng không hề biết mình bị tăng huyết áp. Anh bị bệnh tiểu đường trong nhiều năm, cứ ngỡ mình đã kiểm soát được căn bệnh này nên anh tự mua thuốc dùng mà không đến kiểm tra định kỳ tại bệnh viện.

Lâu dần anh G. thấy mình hay phải đi tiểu đêm, người mệt mỏi, xanh xao, hay đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần... Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ cho biết chức năng thận của anh chỉ còn lại 1/10 so với mức bình thường và anh cũng gặp vấn đề với huyết áp tâm thu.

Trường hợp của anh G. chính là biến chứng suy thận do tăng huyết áp. Trước đó, do chủ quan với sức khỏe, anh cũng không hề biết mình bị tăng huyết áp. Nếu không cẩn thận, anh G. có nhiều nguy cơ phải chạy thận nhân tạo cả đời.

Cận kề cửa tử mới biết mình mắc căn bệnh giết người thầm lặng - Ảnh 1.

5 biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp

Các trường hợp tương tự như 2 bệnh nhân kể trên không phải là hiếm. Theo TS.BS Phạm Trần Linh, Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam, tại Viện Tim mạch quốc gia, các bác sĩ vẫn gặp rất nhiều bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... khi được vào viện mới phát hiện tăng huyết áp lần đầu tiên.

TS Linh cũng cho biết, do triệu chứng của tăng huyết áp không rõ ràng, người bệnh chỉ cảm thấy hơi đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khó thở khi lao động nhiều... nên nhiều người bỏ qua vì nghĩ là nghỉ ngơi sẽ khỏe lại. Đây là những trường hợp có bệnh tăng huyết áp mà không được điều trị.

Cũng có những người được phát hiện ra bệnh do tình cờ được đo huyết áp hoặc đi khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, do không hiểu được tầm quan trọng của việc khống chế tăng huyết áp nên không tuân thủ phác đồ điều trị, không điều trị đạt mục tiêu. Rất nhiều người bệnh cho đến khi đã bị các biến chứng của tăng huyết áp, thậm chí tử vong mới biết minh bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp - căn bệnh giết người thầm lặng: Báo động đỏ về tỷ lệ người mắc

Tăng huyết áp là tình trạng trong đó các mạch máu liên tục tăng áp lực. GS.TS. Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam coi tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng" bởi không phải lúc nào người bệnh cũng có những triệu chứng lâm sàng như: chóng mặt, đau đầu, ù tai…

GS Lợi cho biết, rất nhiều người tăng huyết áp không có biểu hiện này. Vì vậy, nhiều trường hợp đột tử nhưng trước đó 1-2 phút vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh. Đây được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, mỗi năm trên thế giới có khoảng 17.5 triệu người tử vong vì các bệnh tim mạch, trong số đó, tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến nhất và cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất để gây nên nhiều biến cố tim mạch nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.

Năm 2008, theo kết quả điều tra dịch tễ học tại 8 tỉnh thành phố của nước ta, tỷ lệ tăng huyết áp của những người lớn từ 25 tuổi trở lên là 25,1%.

Tuy nhiên, kết quả điều tra dịch tễ học mới nhất năm 2015 tại chính 8 tỉnh thành phố này cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp tăng cao một cách rất đáng báo động: lên đến 47,4% ở người lớn 25 tuổi trở lên, trong đó tỷ lệ những người bị tăng huyết áp nhưng chưa được phát hiện bao giờ là 39,1%.

Tỷ lệ những người tăng huyết áp được điều trị là 92,8%, song tỷ lệ những người mắc bệnh này điều trị đạt được huyết áp mục tiêu mới chỉ là 31,3%.

Dự đoán, năm 2016, tỷ lệ người lớn (từ 25 tuổi trở lên) bị tăng huyết áp chiếm khoảng 48% ở mức báo động đỏ.

Những biến chứng đáng lo ngại của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp và biến chứng của nó gây ra những hậu quả hết sức khủng khiếp. GS.TS. Đỗ Doãn Lợi cho biết, cứ 100 ngàn dân thì có 104 - 150 ngàn người chết vì bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Mỗi ngày, Bệnh viện Tim mạch Quốc gia tiếp nhận 5 - 10 người bị nhồi máu cơ tim.

Nhưng không chỉ gây ra các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp còn có những biến chứng nguy hiểm khác như biến chứng ở thận, ở mắt...

Dưới đây là các biến chứng đáng lo ngại của căn bệnh tăng huyết áp theo thông tin đưa từ trang web www.ngaydautien.vn - một trang web ra đời từ sự hợp tác giữa các hiệp hội y khoa ở Pháp và Việt Nam, hướng đến mục tiêu đẩy lùi tăng huyết áp và nhiều bệnh tim mạch khác.

Tổn thương tim và động mạch

Tăng huyết áp tạo ra các mô sẹo trên thành động mạch, gây thu hẹp, xơ hóa và tổn thương động mạch. Những mô sẹo này có nguy cơ làm nghẽn dòng lưu thông máu, dẫn đến tình trạng đột quỵ hoặc đau tim.

Tim phải co bóp mạnh hơn để bơm máu đi qua các động mạch bị tổn thương, khiến cơ tim bị dày và phì đại. Khi tim và các cơ quan khác không nhận đủ lượng máu cần thiết, người bệnh sẽ bị các cơn đau thắt ở ngực.

Đột quỵ

Ở người bệnh tăng huyết áp, động mạch rất dễ bị nghẽn hoặc vỡ, dẫn đến tình trạng đột quỵ. Khi mạch máu trên não bị nghẽn hoặc vỡ, phần thùy não đó sẽ chết, khiến cơ thể mất khả năng cử động cũng như mất nhiều chức năng khác.

Tổn thương thận

Thận của chúng ta chứa rất nhiều động mạch. Khi các động mạch này bị tổn thương, thận sẽ mất dần khả năng lọc chất độc và điều hòa dịch cơ thể. Cuối cùng, khi bị tổn hại nghiêm trọng, thận sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn.

Rối loạn chức năng tình dục

Tăng huyết áp làm giảm lượng máu lưu thông đến dương vật, dễ khiến nam giới bị rối loạn cương dương hoặc liệt dương. Lượng máu lưu thông đến âm đạo bị giới hạn cũng khiến phụ nữ bị khô âm đạo và mất hứng thú trong quan hệ tình dục.

Mù lòa

Tăng huyết áp làm gia tăng áp lực ở mạch máu nhỏ trong nhãn cầu, từ đó làm giảm thị lực của người bệnh. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh tăng huyết áp và các cơn đột quỵ kèm theo có thể khiến người bệnh bị mù lòa vĩnh viễn.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.