Điều dưỡng gây mê hồi sức- nghề thầm lặng trong phòng mổ

Một ca phẫu thuật thành công là thành quả của cả một ekip cùng phối hợp nhịp nhàng, trong đó có một bóng dáng lặng thầm ít ai để ý - điều dưỡng viên gây mê hồi sức.

Một ca phẫu thuật thành công là thành quả của cả một ekip cùng phối hợp nhịp nhàng, trong đó có một bóng dáng lặng thầm ít ai để ý - điều dưỡng viên gây mê hồi sức.

Nghề thầm lặng…

Điều dưỡng gây mê hồi sức- nghề thầm lặng trong phòng mổ-1
Ngô Thị Thảo (điều dưỡng viên gây mê hồi sức - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc). Cô điều dưỡng trẻ luôn tận tâm với nghề

Với nhiều người cụm từ điều dưỡng viên nghe có vẻ lạ tai. Trước đây, ở Việt Nam, người điều dưỡng thường được gọi là y tá, có nghĩa là người phụ tá của thầy thuốc. Ngày nay, điều dưỡng đã được xem là một nghề độc lập trong hệ thống y tế, do đó người làm công tác điều dưỡng được gọi là điều dưỡng viên.

Về điều dưỡng viên gây mê hồi sức, đây là những người hỗ trợ bác sĩ gây mê hồi sức trong việc chăm sóc, theo dõi và xử trí cho người bệnh trước, trong và sau mổ. Để trở thành điều dưỡng viên gây mê hồi sức có 3 yếu tố tiên quyết: kiến thức chuyên môn, kỹ năng tay nghề và đặc biệt là sự cẩn trọng trong quá trình hành nghề. Vì trong mỗi ca phẫu thuật, việc gây tê, gây mê và hồi sức cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác, nếu không sẽ xảy ra tai biến khôn lường.

“Khi đã bắt tay vào công việc thì trong đầu óc phải tập trung hoàn toàn vào bệnh nhân, không được phép lơ là dù chỉ một phút.” Ngô Thị Thảo (công tác tại khoa Ngoại - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc) vui vẻ chia sẻ. Cô gái nhỏ nhắn gỡ khẩu trang y tế, khoe nụ cười dễ mến trong những giờ phút nghỉ ngơi ngắn ngủi giữa ca trực. Rời xa bố mẹ và quê hương Hải Dương yên bình, Thảo lựa chọn cống hiến tuổi trẻ của mình cho công việc điều dưỡng viên gây mê hồi sức.

Làm việc quên ăn, quên ngủ là chuyện thường

Một ngày làm việc của Thảo bắt đầu bằng cuộc họp giao bàn để sắp xếp và phân công nhiệm vụ. Tiếp đến là dọn dẹp phòng mổ, kiểm tra lại các trang thiết bị, phương tiện, thuốc men dùng trong gây mê hồi sức. Sau đó là hỗ trợ tiếp đón bệnh nhân vào phòng mổ, giúp bệnh nhân ổn định tâm lý.

Ở giai đoạn gây mê, Thảo sẽ là người chuẩn bị người bệnh rồi chuẩn bị đường truyền, lắp các thiết bị theo dõi (máy gây mê kèm thở, máy monitoring…), chuẩn bị các thiết bị dụng cụ gây mê cho bác sĩ. Khi quá trình gây mê đã hoàn tất, Thảo sẽ theo dõi bệnh nhân và kiểm tra thông số trên các máy móc dùng trong quá trình này liên tục cho đến khi kết thúc phẫu thuật.

Điều dưỡng gây mê hồi sức- nghề thầm lặng trong phòng mổ-2
Công việc của người điều dưỡng gây mê hồi sức đòi hỏi sự tập trung cao độ, chuẩn xác và cẩn trọng trong từng chi tiết.

Sau ca mổ, các bác sĩ phẫu thuật đã có thể tháo găng nhưng công việc của Thảo vẫn chưa kết thúc. Lúc này cô sẽ cùng di chuyển với bệnh nhân đến phòng hồi sức và tiếp tục theo dõi cho đến khi người bệnh ổn định hoàn toàn mới bàn giao cho khu vực Điều trị. Thảo cho biết: “Có những đợt cao điểm đến tận 11 - 12 giờ em mới xong việc về nhà, chưa kể những ngày trực đêm, mổ bất chợt lúc 1 - 2 giờ sáng.”

Không chỉ đi sớm về khuya, việc ăn uống của người điều dưỡng gây mê hồi sức cũng khá thất thường. Tại khoa Ngoại của Bệnh viện Thu Cúc, lượng bệnh nhân điều trị ra vào liên tục, chính vì vậy cường độ làm việc của điều dưỡng viên gây mê hồi sức rất cao. “Nhiều khi đang chuẩn bị nghỉ trưa để ăn cơm thì lại có ca mổ, thế là bở dỡ để chuẩn bị và hỗ trợ bác sĩ. Ca mổ kết thúc nhưng nhiệm vụ vẫn chưa xong, em lại tiếp tục theo dõi cho đến khi bệnh nhân tỉnh táo và ổn định hẳn thì mới hoàn thành công việc. Lúc ấy đã quá bữa rồi, chỉ ăn nhanh cái bánh hoặc hộp sữa để tiếp tục đón các bệnh nhân khác.”

Lặng lẽ cống hiến, không ngừng nỗ lực vì người bệnh

Mỗi bệnh nhân lại có một vấn đề, một nỗi niềm riêng. Đặc biệt với những người đang chuẩn bị lên bàn mổ, sự lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Thu Cúc có thể không biết mặt, không nhớ tên người điều dưỡng viên gây mê hồi sức đón mình vào phòng mổ nhưng chắn chắn không quên những lời động viên: “Chị đừng lo, ngủ một giấc tỉnh dậy là xong; lúc em tiêm sẽ hơi đau một chút, chị chịu khó nhé.”

Những câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng lại có tác dụng ổn định tâm lý, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn trước khi bước vào ca phẫu thuật. Để có được sự hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh, điều dưỡng viên gây mê hồi sức không chỉ học từ sách vở nhà trường mà còn tích cóp từ thực tiễn hàng ngày. “Các cô, chú, anh chị ở khoa chỉ dạy em nhiều điều, không chỉ là kinh nghiệm chuyên môn mà còn về thái độ, cách ứng xử với người bệnh. Mỗi ngày làm việc đối với em là một ngày học hỏi để hoàn thiện hơn”, Thảo hào hứng chia sẻ.

Điều dưỡng gây mê hồi sức- nghề thầm lặng trong phòng mổ-3
Hình ảnh các điều dưỡng viên của khoa Ngoại (Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc) - những con người lặngthầm cống hiến với tôn chỉ: sức khỏe người bệnh là trên hết.

Đi sớm về khuya, công việc dồn dập, nhiều áp lực nhưng Thảo chia sẻ rất giản dị: “Em quen rồi. Đó là đặc thù của nghề, khi đã lựa chọn thì phải biết hy sinh. Hơn nữa khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe trở lại em vui lắm vì cảm thấy mình giúp đỡ được nhiều người, có mệt một chút cũng không đáng là bao.”

Chia sẻ của Thảo có lẽ cũng là suy nghĩ chung của đông đảo anh, chị em điều dưỡng viên và bác sĩ của khoa Ngoại (Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc). Họ vẫn đang ngày đêm lặng thầm làm việc với tinh thần trách nhiệm và hướng tới một mục tiêu duy nhất là giúp người bệnh phẫu thuật hiệu quả, an toàn, hạn chế tối đa các rủi ro, nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tận hưởng niềm vui cuộc sống.

Minh Tuấn


điều dưỡng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.