F0 chống chọi với COVID-19 suốt 30 ngày: Những trải nghiệm trong khu cách ly và điều trị

F0 23 tuổi cho biết, có những ngày mệt mỏi không thể nuốt được cơm, nhưng bản thân cũng cố để ăn, có những hôm ăn từng chút một, 2-3 tiếng mới hết...

F0 chống chọi với COVID-19 suốt 30 ngày: Những trải nghiệm trong khu cách ly và điều trị-1
Ảnh minh họa.

Phúc Âm (23 tuổi, tại quận Bình Thạnh, TP HCM), sau 30 ngày điều trị COVID-19, đã được bệnh viện cho về nhà tự cách ly. 

Trong khoảng thời gian 30 ngày, cô nhận được rất nhiều câu hỏi về thời gian ở bệnh viện thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Sau khi về nhà, cô gái 23 tuổi đã có những chia sẻ cá nhân về những ngày được trải nghiệm ở đó.

Những ngày dài điều trị giá 0 đồng

Câu hỏi Phúc Âm nhận được nhiều nhất là, khi mới nhập viện có phải ứng tiền trước hay không.

"Ở bệnh viện mình ở, ban đầu có nói là tính tiền nhưng cuối cùng không thu. Ba mẹ mình em gái nằm Bệnh viện Củ Chi cũng nói 180 nghìn/ngày tiền ăn nhưng lúc về cả ba người sau 21 ngày đóng mỗi người trọn gói có 150-300 nghìn. Dì mình ở 29 ngày tại Bệnh viện Trưng Vương tổng cộng đóng có 130 nghìn.

Mình được điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong vòng 14 ngày, ban đầu thông báo đóng 5 triệu, nhưng khi về thì được trả lại chỉ tính tiền xe chuyển viện hết 500 nghìn. Có bạn còn được trả lại nguyên tiền vì không có chuyển viện đi đâu cả. Bệnh viện thăm khám xét nghiệm siêu âm chăm sóc bệnh nền truyền dịch thuốc thang ăn uống đầy đủ thường xuyên", Phúc Âm chia sẻ.

Sau 14 ngày, Phúc Âm được chuyển về Bệnh viện dã chiến thu dung số 4 vì tình hình sức khỏe có tiến triển. Tại đây Phúc Âm được thông báo mỗi người sẽ phải trả 80 nghìn tiền ăn cho một ngày, nhưng sau những ngày dài ăn uống, người thân gửi đồ vào, trẻ con nhận sữa nhận quà, mạnh thường quân tặng đồ ăn đầy đủ, đi xe về, thì chi phí bệnh viện thu là 0 đồng.

"Nếu bạn không đi cách ly ở khách sạn (~2 triệu 1 phòng tối đa 3 người ở, tính tiền theo phòng không theo đầu người), thì không ai làm khó với bạn vụ tiền bạc, hay không có tiền sẽ bị đuổi về. 

Vì mỗi bệnh viện sẽ có những chính sách để bạn gia hạn. Nhưng nếu ở chỗ bạn cách ly có tính khoản phí nào và bạn trong khả năng cố gắng thanh toán được thì nên trả cho người ta, hãy biết ơn những gì bạn được nhận, dù có thể nó không đạt như kì vọng của bạn, nhưng tất cả đều đang cố gắng hết sức!. 

Đừng nghe kẻ xấu loan tin, hay nguồn tin chưa xác thực đúng sai về vấn đề tiền bạc. Đừng lo nghĩ, hãy đi cách ly!", Phúc Âm nói.

F0 chống chọi với COVID-19 suốt 30 ngày: Những trải nghiệm trong khu cách ly và điều trị-2
Khi cầm giấy xuất viện trên tay, Phúc Âm rất hạnh phúc.

Đừng bực bội nếu sau 21 ngày chưa được về nhà

Câu hỏi tiếp theo mà Phúc Âm nhận được là bệnh viện cung cấp đồ dùng gì?

Theo cô, có bệnh viện cung cấp những nhu yếu phẩm vệ sinh cơ bản, có bệnh viện thì không, bạn phải nhờ người nhà gửi vào. Ở một số bệnh viện, họ sẽ liên kết với một bên bán những đồ cần thiết (nước muối, xà bông, sát khuẩn, dầu gió, bột giặt, bánh trái...), mình cần mua thì thanh toán cho bệnh viện theo giá sản phẩm.

Khi vào bệnh viện, mọi người nên chủ động khai báo tình hình sức khỏe để được điều trị triệu chứng. "Thứ chúng ta đang điều trị là điều trị triệu chứng, và cấp cứu khi trở nặng. Nói cách khác, ho thì uống thuốc ho, sốt thì uống hạ sốt, tiêu chảy thì uống thuốc cầm, C sủi. Tốt nhất chúng ta vẫn nên hỏi bác sỹ trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào, gọi điện cho số điện thoại y tế dán ở phòng.

Chúng ta từ dương chuyển sang âm tính, là vì khi bệnh trong người ủ đủ ngày cơ thể sẽ sản sinh kháng nguyên đánh lại con vi rút này, thường ở tầm 19-21 ngày có thể hơn 27-35 ngày. Riêng mình thì ở nguyên một tháng, cũng khá lâu", Phúc Âm dí dỏm.

Cô chia sẻ thêm, hàng ngày cô vẫn tập thể dục, hít thở đều cho ra mồ hôi, vì càng ra mồ hôi càng mau khoẻ. Khi ho quá thì cắt 1 lát chanh mỏng chấm muối, ngậm sâu, miết hết nước, rồi nhả bã. Hàng ngày cô sẽ xông gừng sả chanh, uống cam, chanh, ăn cam, táo, bổ sung sữa chua, sữa trái cây, sữa probi, uống nước sôi hoặc nước ấm sẽ tốt cho sức khỏe.

Cô cho biết, có những ngày mệt mỏi không thể nuốt được cơm, nhưng bản thân cũng cố để ăn, có những hôm ăn từng chút một, 2-3 tiếng mới hết. Đều đặn mỗi ngày 10h tối cô sẽ lên giường đi ngủ để có thể đảm bảo sức khỏe tốt. 

Lỗ tai có đau đến mấy, có chảy máu cũng phải đeo khẩu trang 24/24 kể cả khi đi ngủ, khi đi lấy cơm thì cô thường mang 2 khẩu trang, về phòng vứt ngay rồi thay cái khác. 

Theo kinh nghiệm của bản thân cô, thời gian quan trọng của bệnh là 7-10 ngày đầu, khi sốt và nhức mỏi cơ sẽ hành hạ, ai qua được giai đoạn sốt thì xem như đã có thể yên tâm.

"Đừng thấy khoẻ re mà nghĩ mình âm tính, cũng có những trường hợp từ dương tính điều trị sang âm tính nhưng vẫn sẽ còn triệu chứng ho nhẹ, hắt hơi. Nên cũng đừng quá bực bội khi tại sao nếu nhỡ 21 ngày rồi chưa được về. Hết bệnh rồi về, không ai mà rảnh hơi mà nhốt bạn lâu làm gì cả. Có người xa nhà cả tháng... đừng có đếm ngày trông về", Phúc Âm nói.

Vì theo cô, mỗi người cần tuân thủ các lời khuyên, căn dặn của bác sĩ thì mới mau hết bệnh, đừng cáu gắt vì ai cũng bận, ai cũng mệt. Nếu bản thân mình có ý thức thì tất cả mọi chuyện đều có thể giải quyết êm đẹp. Hãy thương những nhân viên y tế, họ đã dốc hết sức vì mọi người. 

Có những người hàng tháng trời vẫn chưa được gặp gia đình nhưng vẫn không kêu than. "Họ đang cứu mạng sống của mọi người, nên hãy biết thương lấy họ", cô chia sẻ.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/f0-chong-choi-voi-covid-19-suot-30-ngay-nhung-trai-nghiem-trong-khu-cach-ly-va-dieu-tri-161210508140004138.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.