Hà Nội xuất hiện ca viêm não Nhật Bản đầu tiên, Sở y tế cảnh báo triệu chứng của 4 giai đoạn, cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua

Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng cao lên tới 35%. Đáng nói, bệnh thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống bệnh viêm nhiễm khác.

Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận bé trai 12 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, là bệnh nhân viêm não Nhật Bản đầu tiên tại thành phố trong năm nay.

Ngày 16/6, bé khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau, bé bị cứng gáy, đi lại loạng choạng, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Qua thăm khám và tiến hành làm xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy của bệnh nhi cho thấy dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Đáng chú ý, trước đó bé trai đã tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản, trong đó mũi cuối cùng vào ngày 15/6/2019.

Hà Nội xuất hiện ca viêm não Nhật Bản đầu tiên, Sở y tế cảnh báo triệu chứng của 4 giai đoạn, cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua-1
Bệnh viêm não Nhật Bản vô cùng nguy hiểm với trẻ em do tỷ lệ tử vong và di chứng cao

Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Ở Việt Nam, muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loài muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.

Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh, triệu chứng biểu hiện rõ dần như sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp.

Bệnh diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí một ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là tử vong. Ngoài ra, bệnh còn gây những di chứng thần kinh về sau, khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Triệu chứng ở 4 giai đoạn bệnh

Sau khi virus viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể, não và hệ thần kinh trung ương của người bệnh sẽ xuất hiện nhiều tổn thương. Đặc biệt, nhiều triệu chứng không mong muốn có thể xảy ra theo từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Sau khi virus viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ trải qua thời gian ủ bệnh trong khoảng thời gian 5-14 ngày. Ở giai đoạn này, người bệnh thường chưa xảy ra bất kỳ triệu chứng nào.

Giai đoạn khởi phát

Sau quá trình ủ bệnh, virus viêm não sẽ bắt đầu tấn công vào mạch máu não, gây ra tình trạng phù não. Những triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện đột ngột như sốt cao trên 39 độ C. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy đau đầu, buồn nôn hoặc nôn.

Trong 1-2 ngày đầu phát bệnh, người mắc viêm não Nhật Bản có thể gặp những triệu chứng điển hình như cứng gáy, mất ý thức, tăng trương lực cơ hoặc vận động của nhãn cầu bị rối loạn… Đặc biệt, ở trẻ nhỏ khi bị mắc bệnh này thường sẽ xuất hiện những triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn với ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn và đi phân lỏng.

Hà Nội xuất hiện ca viêm não Nhật Bản đầu tiên, Sở y tế cảnh báo triệu chứng của 4 giai đoạn, cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua-2
Sốt cao, đi loạng choạng, đau đầu, buồn nôn là những biểu hiện của bệnh viêm não Nhật Bản

Giai đoạn toàn phát

Đây là giai đoạn xuất hiện những triệu chứng rất nguy hiểm của bệnh viêm não. Đó chính là những tổn thương về não nói  chung và thần kinh khu trú nói riêng như bị liệt chi, liệt cơ mặt hoặc lác mắt. Tình trạng bệnh không giảm đi mà càng ngày càng nặng hơn. Bệnh nhân sẽ bị mê sảng rồi dần rơi vào tình trạng hôn mê sâu.

Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện nhiều triệu chứng của thần kinh thực vật như bị tiết mồ hôi rất nhiều, mạch đập nhanh, huyết áp tăng cao và rối loạn nhịp thở. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong của người mắc viêm não Nhật Bản là rất cao nếu như không được điều trị kịp thời, nhất là đối với trẻ em.

Giai đoạn lui bệnh

Sau tầm 7-8 ngày, nếu không xảy ra tình trạng bội nhiễm, nhiệt độ của cơ thể người bệnh sẽ giảm dần và không còn bị sốt cao nữa. Bên cạnh đó, những hội chứng về não cũng như tình trạng rối loạn thần kinh sẽ cải thiện hơn nhiều nếu như nhận được sự điều trị kịp thời và đúng cách.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Virus lây qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex. Vì vậy, mọi người cần làm những điều sau để phòng bệnh:

Hà Nội xuất hiện ca viêm não Nhật Bản đầu tiên, Sở y tế cảnh báo triệu chứng của 4 giai đoạn, cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua-3
Tiêm phòng viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh tốt nhất

- Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. 

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống chín.

- Nên ngủ màn cả ban ngày và ban đêm đề phòng muỗi đốt.

- Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.

- Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.  

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm não Nhật Bản. Do đó, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Trẻ em cần tiêm 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau một tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Theo Nguoiduatin

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-xuat-hien-ca-viem-nao-nhat-ban-au-tien-so-y-te-canh-bao-trieu-chung-cua-4-giai-oan-cha-me-tuyet-oi-khong-uoc-bo-qua-a436324.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR2Ya_Z2X1x1kMp7h94E1owO7nK4Jkdvdpb3_saMJIPr9PfLdfA-xutkcQQ_aem_ZmFrZWR1bW15MTZieXRlcw

viêm não Nhật Bản


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.