Một số bài thuốc từ rau má và những lưu ý khi sử dụng

Ngoài tác dụng của rau má đối với sức khỏe và làm đẹp, hãy tham khảo những thông tin dưới đây để biết được những lưu ý khi dùng rau má.

Rau má là một thứ rau dại ăn được thường mọc ở những nơi ẩm ướt như thung lũng, bờ mương thuộc những vùng nhiệt đới.

Lá có cuống dài mọc ra từ gốc hoặc từ các mấu. Lá hơi tròn, có mép khía tai bèo. Phiến lá có gân dạng lưới hình chân vịt. Hoa mọc ở kẽ lá. Cánh hoa màu đỏ hoặc tía.

Một số bài thuốc từ rau má

Báo Giáo dục Việt Nam cho biết, rau má có tác dụng chữa được một số bệnh thông thường, đồng thời cũng là bí quyết làm đẹp tự nhiên an toàn cho chị em phụ nữ. Dưới đây là một số bài thuốc thông dụng từ rau má:

1. Chữa mụn nhọt:

Rau má 50g, lá gấc 50g. Cách dùng: Rửa cả hai thứ thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại. Ngày thay thuốc hai lần. Đắp đến khi khỏi.

2. Chữa vàng da, vàng mắt:

Rau má 50g, lá ngải cứu 50g. Đem hai thứ rửa sạch, đun nước uống hàng ngày.

3. Chữa kiết lỵ:


Bài 1 (rau má 150g, muối ăn 10g).

Rửa rau má thật sạch, để ráo nước, cho vào cối sạch, bỏ muối vào, giã thật nhỏ, sau chế thêm một bát nước sôi, quấy đều, để lắng, gạn lấy nước trong uống.

Người lớn uống cả một lần, trẻ em tuỳ theo tuổi mà giảm liều lượng. Khi uống thuốc nên ăn cháo, kiêng các thứ khó tiêu, kiêng mỡ, các thức ăn tanh, cay, nóng;

Bài 2, rau má, rễ cây ngải cứu, rễ cỏ may, rễ mơ lông, liều lượng bốn vị bằng nhau (khoảng 100g), sao vàng, hạ thổ, sắc uống ngày hai lần cho tới khi khỏi.

4. Chữa chảy máu cam:

Rau má giã nhỏ, vắt lấy nước, uống mỗi ngày 2 - 3 lần trong 5 ngày liền.

5. Chữa sốt xuất huyết nhẹ tại nhà:

Rau má 30g, cỏ nhọ nồi 30g, lá và bông mã đề 20g (hay lá cối xay, rễ cỏ tranh).

Đem các vị rửa sạch, giã nhỏ, cho nước sôi vào vắt lấy nước uống, hoặc sắc uống.

Tác dụng phụ của rau má

Theo BS. Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội chia sẻ trên Phụ nữ Today, chưa có một nghiên cứu nào nói rằng dùng quá nhiều rau má và dùng với lượng bao nhiêu thì có thể gây bệnh, nhưng theo quy luật bình thường thì dùng cái gì quá nhiều cũng không tốt, kể cả thức ăn thường ngày.

Dùng quá nhiều rau má và kéo dài có thể gây biến chứng cho một số tế bào máu, tế bào gan, tế bào thận.

Một ngày mỗi người bình thường có thể dùng một cốc rau má, tương đương với khoảng 40 gram rau má trở lại, nhưng cũng không nên uống quá một tháng.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy uống thuốc hay nước rau má nhiều quá có thể bị nhức đầu, thậm chí mất ý thức thoáng qua; phụ nữ uống thuốc rau má lâu ngày có thể giảm khả năng mang thai...

Bên cạnh đó, vì rau má có tính hàn nên nếu đang bị đầy bụng, tiêu chảy phải cẩn thận khi dùng, nên ăn kèm với vài lát gừng cho ấm bụng và trung hòa tính hàn của rau.

Trong một số trường hợp, rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu, vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.

Thảo mộc này cũng có thể dẫn đến sẩy thai nếu sử dụng trong thời kỳ mang thai. Do vậy, trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng nên tránh dùng loại rau này.

Rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm... Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.

Rau má cũng có thể có một tác dụng làm giảm tác dụng an thần khi dùng với các loại thuốc cảm lạnh và ho, hoặc khi uống rượu.

Theo GĐVN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.