Bệnh uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, đặc trưng bởi tăng trương lực cơ và các cơn co cứng, gây ra bởi một độc tố protein mạnh là tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra.
Chết vì một cái đinh
Anh Bùi Đức Liêm, 34 tuổi trú tại Nam Định, làm nghề thợ hồ ở Việt Trì, Phú Thọ. Sau bữa cơm, anh cùng những người thợ khác ngủ ở lán dựng tạm bên trên đống gỗ cốp pha. Một lần, mọi người ngồi xem đá bóng, anh Liêm vui quá khi đội anh yêu thích ghi được bàn thắng nên nhảy múa và vô tình dẫm phải một chiếc đinh han. Ngay sau đó, anh đã rút đinh và thấy vết thương nhỏ như cái đầu tăm ở chân, có chảy tí máu. Anh chủ quan nghĩ không sao.
Một tuần sau, anh thấy người mệt mệt, ngái ngái khó chịu nên xin về quê nghỉ ngơi. Về nhà, anh hay bị nóng và sốt, ăn uống kém hẳn. Anh tưởng sốt bình thường nên đến phòng khám nhỏ ở quê tiêm phòng. Rồi anh bảo vợ cứng hàm khó nhai cơm rồi không nhai được nữa. Anh được đưa đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bị uốn ván. Vì bệnh đã xuất hiện các cơn co cứng nên không thể can thiệp được. Sau 10 ngày nằm viện, anh Liêm qua đời.
Hay như trường hợp của anh Võ Đức Ngà trú tại Cao Bằng cũng vậy. Anh Ngà vốn khoẻ mạnh, nhưng một lần đi rẫy, anh vô tình vấp vào cán cuốc han để góc rẫy. Vết thương chảy máu nhưng không nhiều.
Anh Ngà về nhà, sát trùng bằng nước muối, lấy giẻ băng lại, vài hôm liền sẹo. Tuy nhiên khoảng 10 ngày sau, anh Ngà thấy mỏi hàm, khó nhai, khó há miệng, sau đó cứng hàm tăng dần và xuất hiện liên tục. Cảm giác đau vùng cơ nhai khi há miệng rồi đau liên tục vùng cơ nhai, không thể ăn và nói được. Bệnh khởi phát được 20 ngày và anh qua đời.
Tỷ lệ tử vong của uốn ván lên tới 90%
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà - Tổng thư ký hội truyền nhiễm Việt Nam - cho biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong từ 25-90%. Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%. Bệnh uốn ván vẫn còn là vấn đề lớn về y tế công cộng trên toàn thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển. Việc điều trị bệnh nhân uốn ván nặng và làm giảm tỉ lệ tử vong vẫn rất nan giải.
Uốn ván gặp ở khắp nơi trên thế giới, nhưng thường xuyên nhất là ở những vùng đông dân cư khí hậu nóng, ẩm có đất giàu chất hữu cơ. Mầm bệnh thấy chủ yếu ở trong đất và đường ruột của động vật và người. Lây truyền chủ yếu do vết thương nhiễm bẩn (nhìn thấy rõ hoặc không). Vết thương có thể lớn hoặc nhỏ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số các trường hợp có vết thương nhỏ đã trở nên nhiều hơn, có lẽ vì những vết thương nặng có nhiều khả năng được xử trí đúng cách hơn. Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, đinh đâm, xước da, giập móng, ngoáy tai, xỉa răng... đến các vết thương to, rộng, nhiều ngóc ngách như gãy xương hở, bỏng sâu..., thậm chí có thể gặp sau đẻ có kiểm soát tử cung, có sót rau, nạo thai, sau mổ đường tiêu hóa, cắt trĩ, cắt rốn với các dụng cụ bị nhiễm bẩn.
Rất hiếm khi xảy ra uốn ván trên bệnh nhân đã được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin uốn ván. Bác sĩ Hà cũng cho biết việc chỉ định tiêm vắc-xin và kháng huyết thanh uốn ván tuỳ thuộc vào tiền sử tiêm vắc-xin và tình trạng vết thương.
Nếu như vết thương lớn, dập nát và bẩn mà bệnh nhân chỉ mới tiêm dưới 3 mũi vắc-xin hoặc có tiền sử tiêm vắc-xin uốn ván không rõ ràng thì nên tiêm cả vắc-xin và kháng huyết thanh. Đó là do các mũi vắc-xin trước có thể chưa gây được miễn dịch mà mới chỉ kích thích hệ miễn dịch.
Kháng huyết thanh trong trường hợp này có tác dụng cung cấp miễn dịch tạm thời với kháng độc tố trực tiếp, đảm bảo cho cơ thể được bảo vệ chống uốn ván trong thời gian chờ đợi cơ thể sinh miễn dịch theo đáp ứng với vắc-xin.
Theo Infonet