Nhiều người lớn mắc sởi, bố mẹ lây cho con

Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng phải nhập viện vì mắc sởi. Không ít trường hợp bố mẹ lây bệnh cho con cái.

Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng phải nhập viện vì mắc sởi. Không ít trường hợp bố mẹ lây bệnh cho con cái.
 
 

Bộ Y tế khuyến cáo cách nhận biết, phòng chống bệnh sởiBộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân sởi tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: T.Hà

Con lây bệnh từ bố mẹ
 
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, cho biết, từ đầu vụ dịch, bệnh viện đã điều trị cho hơn 300 ca mắc sởi, trong đó người lớn chiếm 85-90%. Bệnh nhân lớn tuổi nhất là 47.

Tại Bệnh viện Saint Paul, anh Nguyễn Cao Cường (34 tuổi, Hà Nội) đang chăm sóc con gái Hà Linh (7 tháng tuổi) bị sởi.

Anh Cường cho biết, bị sởi khá nặng và phải nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai 6 ngày. Ban đầu là các biểu hiện sốt cao, ho cơn dài. Bốn ngày sau, anh Cường mới đi khám bệnh và được xác định mắc sởi.

Anh không nhớ mình đã được tiêm phòng, hay từng mắc sởi chưa, nhưng với suy nghĩ sởi chỉ có ở trẻ nhỏ, nên không tiêm thêm vắc-xin theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho người ngoài 20 tuổi. Sau khi anh Cường được xuất viện thì con gái phải nhập viện do lây bệnh từ bố trong quá trình ủ bệnh.

Đau lòng nhất phải kể đến trường hợp chị H. bị sởi và lây sang 2 cậu con trai 25 tháng và 7 tháng tuổi. Ba mẹ con được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, nhưng do bệnh cảnh nặng nên 2 bé được chuyển sang Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai).

Người mẹ đã khỏi bệnh nhưng ngất lên ngất xuống khi chứng kiến con trai đầu lòng 25 tháng tuổi tử vong ngày 21/4 tại Bệnh viện Bạch Mai, do sởi biến chứng thành viêm phổi quá nặng. Bé thứ 2 vẫn đang được theo dõi và điều trị đặc biệt.

TS Kính cho biết, những bệnh nhân sinh từ năm 1968 trở về trước là giai đoạn chưa có chương trình tiêm chủng mở rộng, nên chưa được tiêm vắc-xin, nếu chưa mắc sởi thì sẽ không có miễn dịch, nên có nguy cơ mắc sởi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), cho biết, từ khi xuất hiện dịch đến nay, chưa ghi nhận ca bệnh người lớn nào diễn biến nặng, có một vài trường hợp phải thở oxy và tiến triển tốt được ra viện.

Cho đến ngày 23/4, tại bệnh viện này chỉ còn điều trị những bệnh nhân sởi thông thường, không có biến chứng nặng. Theo ông Kính, người lớn mắc sởi thì biến chứng thường gặp nhất là viêm não gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp làm bệnh nhân có thể tử vong.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết, nếu phụ nữ mắc sởi khi đang có thai thì nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng đến thai nhi rất cao. Virus sởi có thể gây sảy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân, thậm chí dị tật.

Gồng mình cứu bệnh nhi

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), liên tục di chuyển giữa các buồng bệnh để kiểm tra công tác điều trị cho những bệnh nhi nặng. Đã 3 tháng nay cùng các đồng nghiệp trong khoa, TS Dũng gồng mình chữa trị những ca bệnh nặng.

Vừa công tác quản lý, vừa điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, TS Dũng còn phải động viên đồng nghiệp và học trò cứu chữa cho các bé bị sởi. Ông nói, những phút giây chứng kiến trẻ thở thoi thóp rồi lịm dần ai cũng đau lòng, nhưng vẫn cố điều chỉnh máy thở với hy vọng mong manh, nhưng rồi cháu bé vẫn ra đi mãi, có người bật khóc vì bất lực.

Những điều dưỡng đang làm việc tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chưa bao giờ họ thấy dịch sởi nào nhiều đau thương, mất mát như lần này. Điều dưỡng Cao Thị Hợp đã chứng kiến 4 bệnh nhi tử vong và luôn ám ảnh gương mặt các bé khi cố gắng thở nhưng rồi cứ lịm dần đi và kiệt sức đến tử vong.

Mỗi điều dưỡng thường làm việc 11 tiếng trong đợt dịch này. Ngoài ra, cứ 5 ngày, họ lại có 1 ca trực kéo dài 24 tiếng liên tục từ 7 giờ đến 18 giờ. Đó là chưa kể những khi đông bệnh nhân nặng, các điều dưỡng lại gánh thêm việc, thêm giờ. Hiện khoa Nhi vẫn còn hơn 60 trẻ bị sởi, trong đó nhiều cháu bệnh nặng, nhiều cháu phải thở máy.
 
Theo T.Hà (Tiền Phong)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.