Những điều cần biết về việc đông lạnh trứng - xu hướng của giới trẻ hiện nay

Đông lạnh trứng là phương pháp phù hợp với những người chưa muốn có con nhưng sau này không mất đi cơ hội làm mẹ, những người có bệnh lý ảnh hưởng đến sinh sản hay đang hóa - xạ trị.

Chất lượng và số lượng trứng ở người phụ nữ sẽ giảm dần theo tuổi tác. Trong khi giới trẻ ngày nay thường có xu hướng kết hôn muộn và tập trung phát triển sự nghiệp. Để đảm bảo cơ hội có con sau này, đông lạnh trứng đang là phương pháp được nhiều người lựa chọn.

Đông lạnh trứng là quá trình lấy trứng từ buồng trứng của người phụ nữ để đông lạnh và lưu trữ. Đến khi người đông lạnh trứng muốn có con, trứng này sẽ được rã đông và sử dụng trong một quy trình gọi là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

1. Những ai nên đông lạnh trứng?

Việc đông lạnh trứng nhằm mục đích để giúp quá trình mang thai sau này. Phương pháp này phù hợp với một số trường hợp như:

- Chưa có mong muốn mang thai: Bạn có thể cảm thấy chưa sẵn sàng về mặt tài chính hoặc cảm xúc để có con, hoặc có thể sự nghiệp của bạn hiện đang được ưu tiên, bạn có thể cân nhắc đông lạnh trứng.

- Một tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Bệnh thận, bệnh đa xơ cứng và bệnh lupus đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Việc điều trị một số tình trạng bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai hoặc mang thai an toàn của người bệnh. Do đó, việc đông lạnh trứng có thể cung cấp các lựa chọn cho tương lai.

- Chuẩn bị điều trị y tế: Xạ trị và hóa trị có thể gây độc cho trứng và buồng trứng. Nếu bạn đang chuẩn bị điều trị, việc đông lạnh trứng có thể bảo tồn các lựa chọn sinh sản trong tương lai.

Những điều cần biết về việc đông lạnh trứng - xu hướng của giới trẻ hiện nay-1
Đông lạnh trứng để đảm bảo khi chất lượng và số lượng trứng suy giảm, bạn vẫn có cơ hội có con dễ dàng hơn (Ảnh: Internet)

2. Quá trình đông lạnh trứng

Có 4 bước cơ bản trong quá trình đông lạnh trứng:

- Bước 1: Kiểm tra và đánh giá

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn và bắt đầu kiểm tra để đánh giá sức khỏe sinh sản.

Bạn có thể cần xét nghiệm máu và siêu âm để đánh giá số lượng trứng bạn có (được gọi là dự trữ buồng trứng). Các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng yêu cầu bạn phải sàng lọc bệnh truyền nhiễm để phát hiện các tình trạng như HIV và viêm gan B và C.

- Bước 2: Kích trứng và theo dõi

Tùy thuộc vào khuyến nghị của bác sĩ và giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt hiện tại, bạn có thể bắt đầu quá trình này bằng cách uống thuốc tránh thai hoặc các loại thuốc khác như estrogen, lupron hoặc Aygestin để giúp đồng bộ hóa nang trứng để chúng phản ứng tương tự với các loại thuốc kích thích mà bạn sẽ dùng sau đó.

Bạn sẽ tiếp tục được theo dõi bằng xét nghiệm máu hoặc siêu âm để đảm bảo rằng bạn bắt đầu tiêm kích thích vào đúng thời điểm. Sau khi bạn được phép bắt đầu tiêm, bác sĩ hoặc điều phối viên điều trị sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách tự tiêm.

Mặc dù phác đồ dùng thuốc và phác đồ điều trị có thể khác nhau, hầu hết mọi người sẽ dùng gonadotropin — hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone hoàng thể hóa (LH) — kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng trong một chu kỳ.

Những điều cần biết về việc đông lạnh trứng - xu hướng của giới trẻ hiện nay-2Kích trứng để các nang trứng trưởng thành (Ảnh: Internet)

Các mũi tiêm này sẽ được thực hiện trong khoảng 10 đến 12 ngày liên tiếp và tiêm dưới da bụng. Trong những ngày đó, bạn sẽ được theo dõi thường xuyên và bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng và kết hợp thuốc của bạn, tùy thuộc vào cách cơ thể bạn phản ứng với các mũi tiêm.

Đến ngày thứ 5 hoặc ngày thứ 7, buồng trứng của bạn có thể bắt đầu to ra và bác sĩ có thể khuyên bạn không nên tham gia các hoạt động mạnh hơn như chạy hoặc tập luyện cường độ cao trong thời gian này.

Trong giai đoạn kích trứng, bạn thường sẽ có 3 đến 5 lần khám theo dõi để đánh giá tiến trình phát triển của nang trứng. Khi nang trứng đạt kích thước phù hợp, bạn sẽ được tiêm thuốc kích thích, đây là thuốc tiêm.

- Bước 3: Lấy trứng

Lấy trứng là quá trình lấy trứng ra khỏi buồng trứng của bạn. Thủ thuật này được thực hiện dạng gây mê, do đó không đau và bạn có thể về nhà trong ngày.

Lúc này, bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò siêu âm qua ngã âm đạo có kim, được đưa vào nang trứng của bạn dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Chất lỏng bên trong nang trứng chứa trứng được hút ra và thu thập vào các ống. Quá trình lấy trứng thường diễn ra trong khoảng 15-20 phút.

- Bước 4: Phục hồi và đông lạnh trứng

Sau 24 giờ khi lấy trứng, bạn có thể bị đau bụng, đầy hơi, táo bón và ra máu âm đạo. Hầu hết bệnh nhân có thể giảm bớt sự khó chịu bằng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc miếng đệm sưởi ấm.

Nếu bạn bị đau bụng dữ dội hơn, cảm thấy ngất xỉu hoặc choáng váng, hoặc bị chảy máu âm đạo nhiều, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Những điều cần biết về việc đông lạnh trứng - xu hướng của giới trẻ hiện nay-3Sau khi lấy trứng bạn có thể cảm thấy đau bụng, rau máu âm đạo (Ảnh: Internet)

Cuối cùng, trong vòng vài giờ sau khi lấy trứng, những quả trứng trưởng thành được thu thập thành công sẽ được đông lạnh thông qua một quá trình được gọi là thủy tinh hóa. Quá trình này dựa vào việc đông lạnh nhanh thông qua việc sử dụng nitơ lỏng để giảm thiểu nguy cơ.

Quá trình đông lạnh trứng mất bao lâu?

Sau khi bạn gặp bác sĩ chuyên khoa sinh sản và trải qua các xét nghiệm cần thiết, quá trình đông lạnh trứng - từ kích thích hormone đến lấy trứng - chỉ mất khoảng 2 đến 3 tuần.

3. Những rủi ro khi đông lạnh trứng

Mặc dù hầu hết bệnh nhân chỉ cảm thấy khó chịu trong thời gian tiêm và ngay sau khi lấy trứng, nhưng quá trình này không phải là không có rủi ro. Khi thực hiện các thủ thuật để đông lạnh trứng, bạn có thể gặp một số vấn đề sức khỏe như:

- Hội chứng quá kích buồng trứng: Tình trạng này có thể khiến buồng trứng của bạn sưng lên và rò rỉ dịch vào cơ thể. Hội chứng quá kích buồng trứng dễ xảy ra hơn ở những người dưới 35 tuổi, mắc hội chứng buồng trứng đa nang, chỉ số khối cơ thể thấp.

- Rủi ro gây mê: Có những biến chứng tiềm ẩn liên quan đến việc gây mê nhưng hầu hết đều ít xảy ra biến chứng này.

- Chấn thương do kim đâm: Trong quá trình lấy trứng, có một nguy cơ rất nhỏ bị thương do kim đâm. Có dưới 1% nguy cơ đâm thủng cấu trúc bên trong ruột, bàng quang, tử cung, cổ tử cung hoặc mạch máu.

- Kích ứng da và xoắn buồng trứng: Đây cũng là những rủi ro hiếm gặp

Những điều cần biết về việc đông lạnh trứng - xu hướng của giới trẻ hiện nay-4Phụ nữ dưới 35 tuổi dễ bị quá kích buồng trứng khi kích trứng (Ảnh: Internet)

4. Một số câu hỏi thường gặp

Trứng có thể đông lạnh trong bao lâu?

Sau khi được thủy tinh hóa, trứng của bạn có thể được lưu trữ vô thời hạn — cho đến khi bạn muốn sử dụng chúng. Nhưng hầu hết mọi người sử dụng trứng đông lạnh của họ trong vòng 3 đến 10 năm.

Bao nhiêu trứng là lý tưởng để đông lạnh?

Không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người, vì độ tuổi của bạn ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công khi đông lạnh trứng. Quá trình lấy trứng thường cho ra 10 đến 12 trứng, nhưng có khả năng không phải tất cả trứng của bạn đều sống sót sau quá trình rã đông và một số trứng sẽ có khả năng bất thường.

Vì vậy, phụ thuộc vào độ tuổi, chi phí, nhu cầu có con sau này mà bạn sẽ có những quyết định số lượng trứng đông lạnh khác nhau.

Có một số khuyến nghị lượng trứng đông lạnh để đảm bảo quá trình có con sau này. Phụ nữ dưới 35 tuổi nên đông lạnh 20 trứng trưởng thành để có 85% cơ hội có ít nhất một đứa con. Phụ nữ từ 38 đến 40 tuổi nên đông lạnh 30 trứng trưởng thành để có 75% cơ hội có ít nhất một đứa con. Phụ nữ từ 40 đến 42 tuổi nên đông lạnh 30 trứng trưởng thành để có 50% cơ hội có ít nhất một đứa con.

Độ tuổi nào là tốt nhất để đông lạnh trứng?

Đối với hầu hết phụ nữ, độ tuổi 30 là độ tuổi đỉnh cao của khả năng sinh sản nên bạn có thể đông lạnh trứng trong độ tuổi này. 

Mặc dù trứng vẫn có thể tiếp tục được lấy ra và đông lạnh sau độ tuổi đó, nhưng hầu hết các chuyên gia sinh sản không khuyến khích phụ nữ ở độ tuổi 40 tiến hành đông lạnh trứng.

 

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-viec-dong-lanh-trung-xu-huong-cua-gioi-tre-hien-nay-20240826160643171.htm

thụ tinh trong ống nghiệm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.