Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!

Dù có những lúc gặp áp lực điều trị khủng khiếp, chứng kiến bệnh nhân COVID-19 bất ngờ trở nặng hay đau xót nhìn họ ra đi rồi tự hỏi mình có mắc sai lầm gì không, nhưng nữ bác sĩ vẫn khẳng định: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!

Trưng Vương là một trong những bệnh viện (BV) ở TP.HCM chuyển công năng từ chữa bệnh đa khoa sang điều trị COVID-19 hoàn toàn từ rất sớm, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Có một cô gái tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tham gia vào tua trực Cấp cứu đầu tiên ở nơi giành giật mạng sống cho bệnh nhân COVID-19.

Đó là bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân, 26 tuổi.

Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-1
Bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân.

Vào BV Trưng Vương, Thanh Xuân luân chuyển qua nhiều khoa như Tim mạch, Hồi sức tích cực – Chống độc đến Nội thần kinh, Nhiễm, Nội tiết…

Ngay khi vừa xong hết 18 tháng thực hành thì đợt dịch thứ 4 ập đến. Nữ bác sĩ được điều động về khoa Cấp cứu khẩn cấp để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trong 3 tuần.

Cảm giác ban đầu của người bất ngờ trở thành "quân chủ lực" điều trị COVID-19 là khá lo lắng.

Bởi dù dịch đã kéo dài hơn 1 năm nhưng kiến thức điều trị COVID-19 với một bác sĩ chuyên khoa Tim mạch như cô là rất mới. Và lúc này BV nơi cô làm việc trở thành nơi chuyên điều trị COVID-19.

Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-2Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-3Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-4


Thấy con gấp rút vừa tìm hiểu về căn bệnh, vừa chuẩn bị hành trang đối diện với các F0, cha mẹ cô cũng lo lắng theo.

"Thậm chí bà mình còn bảo: "Nguy hiểm quá, hay thôi xin nghỉ ở nhà đi con". Mình đã chích 2 mũi vắc xin rồi nên không lo lắng nhiều cho bản thân. Chỉ lo khi về lại lây bệnh cho gia đình, mà người nhà thì chưa có gì bảo vệ" – nữ bác sĩ kể.

Từ lo lắng đó nên trước khi bắt đầu ra quân điều trị, Thanh Xuân đọc đi đọc lại các quy trình chống lây nhiễm. Cô kỹ đến mức thực hành mặc đồ bảo hộ mỗi ngày hàng tá lần.

Ngoài ra, Xuân cũng nhờ bạn bè ở khoa Bệnh Nhiệt đới các BV đã điều trị COVID-19 truyền kinh nghiệm trong việc chế ngự con virus quái ác.

Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-5

Rồi cái ngày "tham chiến" cũng đến.

"Tới rồi, tới rồi…".

Khi tiếng còi xe cấp cứu chở những bệnh nhân đầu tiên tới, mọi người trong tua trực của nữ bác sĩ hồi hộp đến nỗi đồng thanh hô lớn.

Kiểm tra cho nhau một lượt xem đồ PPE (đồ bảo hộ chống dịch) mặc đã kín chưa rồi những chiến sĩ áo trắng nhanh chóng ra nhận bệnh.

F0 cô độc, bác sĩ cũng xót xa

Ngày đầu tiên tại "chiến trường COVID-19", cũng là lần đầu mặc PPE trong suốt nhiều tiếng đồng hồ, Thanh Xuân cảm giác như phải nhân đôi sức mạnh để thở.

Thời gian cũng đảo lộn vì thường xuyên làm ca đêm, nhiều lúc ra nghỉ, thay PPE khi đã 2-3h sáng.

Những ngày đầu, bệnh nhân dù đông nhưng hầu hết là trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

1-2 tuần sau, điều đau lòng thực sự mới xuất hiện khi nhiều trường hợp là bà con, gia đình, vợ chồng đều cùng nhau nhiễm bệnh.

Để thuận tiện, các nhân viên y tế cố gắng sắp xếp cho các trường hợp cùng gia đình ở gần nhau.

"Nhiều lúc chỉ việc dọn chỗ nằm cho bệnh nhân cũng làm mình đau đầu tính toán. Nhưng nhìn mọi người vô viện chào nhau, nhận ra bà con cũng nhiễm bệnh, xin ở chung phòng… cho vui thì mình cũng phải cố thực hiện để mọi người có tâm lý ổn định và yên tâm điều trị" – bác sĩ Xuân kể.

Cũng vì biết yếu tố tinh thần rất quan trọng nên nữ bác sĩ đặc biệt chú ý đến những bệnh nhân triệu chứng nặng nhưng phải nằm 1 mình nhiều ngày.

Mệt mỏi kèm với sợ hãi với cô đơn khiến họ như dễ bị tấn công hơn.

Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-6Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-7
Khi điều trị COVID-19, Thanh Xuân phải làm luôn việc chăm sóc, thay tã... cho các trường hợp bệnh nhân không có người thân bên cạnh.

"Có mấy cụ ông cụ bà nhớ nhà, cứ cầu xin mình cho họ về đi, họ nói họ khỏe rồi. Mà làm sao mình cho về được khi mà họ còn đang thở oxy. Nhiều lúc an ủi họ mà cũng thấy nghẹn ngào theo. Vậy nên mình xem những bệnh nhân ở đây như người thân vậy để họ thấy rằng họ không đơn độc" – nữ bác sĩ tâm sự.

Bệnh nhân COVID-19 không có người thân để chăm nuôi và hộ lý cũng lo không xuể với lượng bệnh quá lớn nên ngoài làm việc chuyên môn, bác sĩ Thanh Xuân cũng kiêm luôn cả lo cho bệnh nhân ăn, uống, thậm chí thay tã cho họ. 

Suốt những ngày trong ca trực, trừ lúc đọc hay ghi bệnh án, cô hầu như không có phút nào để ngồi xuống nghỉ.

Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!

Ám ảnh nhất với bác sĩ Xuân có lẽ là những trường hợp nhiễm COVID-19 trở nặng, tử vong đột ngột.

Nhiều lần cô chứng kiến bệnh nhân mới đó còn gọi điện về nói chuyện vợ, lát sau đã phải đặt nội khí quản và không còn giao tiếp được với người nhà nữa.

Gắn bó với họ một thời gian, chăm nom như người ruột thịt nên khi chứng kiến họ từ còn tỉnh cho đến lúc hôn mê rồi qua đời, cô cảm thấy mất mát rất lớn.

Lúc đó, Thanh Xuân tự hỏi: Không biết liệu mình đã làm hết sức chưa, liệu có phải mình đã sai bước nào dẫn đến tình trạng bệnh nặng không hồi phục nổi.

Áp lực và rất buồn, nhất là sau mỗi đêm có bệnh nhân ra đi nhưng nữ bác sĩ trẻ chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.

Cô tự nhủ từ những bài học thương đau đó, ít nhiều cũng có thêm kinh nghiệm để cứu cho các trường hợp nguy kịch khác.

"Mình phải tiếp tục làm, phải giúp được nhiều bệnh nhân hồi phục. Mình không muốn nhìn thấy con số tử vong ngày một tăng lên.

Và mình cũng muốn 1 tay góp sức giúp Thành phố nhanh chóng khôi phục lại trạng thái ban đầu, vì ai cũng mệt mỏi cả rồi" – Thanh Xuân chia sẻ.

Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-8
Bệnh nhân COVID-19 hồi phục và xuất viện trở về là động lực để bác sĩ Thanh Xuân và đồng đội tiếp tục chiến đấu.

Động lực để cô tiếp tục còn là các trường hợp hồi phục ngoạn mục sau chuỗi thời gian dài cả ekip cùng nỗ lực điều trị.

Đó là cặp vợ chồng cùng tỉnh dậy và hồi phục trong phòng hồi sức cấp cứu, rồi cùng nhận ra nhau, đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Hay như một gia đình gồm vợ, chồng, các con rất nhỏ và người bà ở quận 7 đều mắc COVID-19. Mọi đau khổ suy sụp ban đầu của họ dần lạc quan và hạnh phúc trong ngày xuất viện đoàn tụ trở về nhà.

Trong khó khăn và cận kề giữa sự sống, cái chết, vẫn có những câu chuyện thật đẹp sưởi ấm lòng người.

Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-9

Thoáng cái mà 3 tuần liên tục đối mặt các F0 đã hết.

Ngày cuối cùng trực chiến, Thanh Xuân nửa háo hức về nhà, nửa lại muốn tiếp tục sát cánh với các đồng đội.

Tiếng xe cấp cứu kéo cô về với thực tại, rằng phải tận dụng khoảng thời gian nghỉ 2 tuần để gia tăng sức lực mới có thể "cân" được cuộc chiến dự báo ngày càng cam go.

Nữ bác sĩ nhắn nhủ với các đồng nghiệp trẻ sắp "ra trận" giống mình, nên trang bị kỹ kiến thức, không chỉ về chuyên môn mà còn là cách tự bảo vệ khỏi mọi sự lây nhiễm.

Khi có thêm ý chí vững vàng cùng tinh thần hết mình vì người bệnh, đối mặt với COVID-19 không còn là điều quá đáng sợ.

Nữ bác sĩ trong tua cấp cứu giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19: Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc!-10

Theo Nhịp Sống Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc http://nhipsongviet.toquoc.vn/nu-bac-si-trong-tua-cap-cuu-gianh-giat-lai-su-song-cho-benh-nhan-covid-19-chua-bao-gio-nghi-toi-viec-bo-cuoc-22202138123443465.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.