Nuôi chó, mèo cần biết thông tin này, nếu không muốn gặp họa

Bị mèo hàng xóm cào vết nhỏ ở lưng, nhưng không đi tiêm phòng vaccine dại, không ai ngờ, ba tháng sau, bé H.V.H (11 tuổi, ở Tuyên Quang) đã tử vong vì nhiễm bệnh dại.

Bị mèo hàng xóm cào vết nhỏ ở lưng, nhưng không đi tiêm phòng vaccine dại, không ai ngờ, ba tháng sau, bé H.V.H (11 tuổi, ở Tuyên Quang) đã tử vong vì nhiễm bệnh dại.

Mùa nắng nóng đến, các chuyên gia khuyến cáo tình trạng bệnh dại do chó, mèo - những “thú cưng” trong gia đình tấn công sẽ gia tăng nên người dân cần chủ động đề phòng.

Nuôi chó, mèo cần biết thông tin này, nếu không muốn gặp họa - Ảnh 1.

Những gia đình nuôi chó, mèo cần phải tiêm phòng bệnh dại cho chúng và xích, nhốt cẩn thận, không để trẻ nhỏ lại gần. Ảnh: TL

Tức tưởi những cái chết oan

Ba tháng trước, cháu H.V.H (11 tuổi, ở Tuyên Quang) bị mèo hàng xóm cào vào lưng nhưng không nói cho gia đình biết.

Đến khi cháu thấy mệt mỏi, thường rùng mình nhiều lần, không ăn uống được, rất sợ gió, gia đình mới đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Không may, chỉ một ngày sau, cháu qua đời vì đã bị nhiễm bệnh dại.

Trước đó, cháu H.T.H (9 tuổi, ở Phú Thọ) bị chú chó gần nhà cắn vào đùi. Vì không tiêm phòng nên chỉ sau vài tuần, cháu có biểu hiện sợ nước, sợ gió, hai ngày liền không ngủ.

Cháu bé nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện tỉnh, sau đó đưa lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng khó thở, co thắt thanh quản.

Nhưng vì cháu bé đã lên cơn dại nên các bác sĩ tại đây cũng đành bất lực.

Theo bác sĩ, từ khi bệnh nhi khởi phát bệnh đến lúc chết chỉ vẻn vẹn trong ba ngày.

Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận bệnh nhi N.A.T (3 tuổi, ở Hà Nội) cấp cứu vì bị chính chú chó cưng cắn vào mặt khi bé đang chơi đùa.

Bị chó bất ngờ tấn công, bé T đau đớn và chảy nhiều máu. Vùng mặt bé bị nhiều vết cắn sâu, tổn thương nặng nề, vành tai và ống tai ngoài bị rách.

Trầm trọng hơn, cháu bé còn bị rách giác mạc cùng dây chằng mắt và hốc mắt. Đáng chú ý, đây là chú chó được nuôi trong nhà bé T nhiều năm, hàng ngày vẫn chơi đùa với bé.

Trước đó, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cũng đã cấp cứu cho một cô bé 2 tuổi bị chó nhà bất ngờ tấn công rất nghiêm trọng.

Các bác sĩ phải khâu gần 200 mũi trên gương mặt cô bé. Cùng thời điểm, bệ̣nh viện tiếp nhận bé gái 8 tuổi, ở Tây Ninh, bị chó nhà tấn công khi đến gần xem chó ăn.

Bất ngờ, cháu bé bị cắn gần đứt tai phải, mặt và cằm có hơn chục vết cắn cào với độ sâu đáng kể.

Cháu bé được khâu vá các vết thương và xuất viện trong tình trạng ổn định. Điều may mắn, cả hai ca đều không có dấu hiệu bị mắc bệnh dại.

Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 trẻ bị chó tấn công, thậm chí có tuần tiếp nhận tới 3 trẻ bị chó nhà cắn vào vùng mặt.

Có trường hợp nghiêm trọng nhất, bệnh nhi bị chó cắn mất một bên má.

Tiêm huyết thanh kháng dại ngay nếu bị chó, mèo cắn

PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, ở nước ta, bệnh dại xảy ra ở tất cả các tháng trong năm song tăng cao hơn vào mùa hè.

Thời tiết nóng ẩm là điều kiện môi trường thuận lợi cho virus dại phát triển.

Những con chó bị bệnh dại trong thời tiết nắng nóng cũng dễ bị kích thích, trở nên hung dữ hơn nên khả năng tấn công người và các con chó khác nhiều hơn.

Thói quen thả rông chó, mèo của người dân cũng khiến việc lan truyền bệnh dễ dàng hơn và dễ làm bùng phát bệnh dại trên người và trên chó, mèo trong những ngày nắng nóng này.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành trong nhiều năm, hàng năm trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại.

Đáng chú ý, 80% ca tử vong thuộc khu vực phía Bắc, hầu hết đều không tiêm phòng vaccine.

ThS. BS Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian ủ bệnh dại kéo dài, sớm nhất cũng phải nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người kéo dài đến vài năm.

Nó phụ thuộc vào vị trí cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh.

Vì thế, những người bị chó, mèo cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12h sau khi bị cắn. Tỉ lệ tử vong sau khởi phát của bệnh dại gần 100%.

Các chuyên gia cho rằng, đối với trẻ em, mối nguy tức thời là có thể lây nhiễm dại khi bị chó, mèo cắn.

Điều này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn có thể để lại di chứng nguy hiểm cho cơ thể non nớt của bé.

Ngoài ra, nó còn khiến trẻ bị chấn động đến tâm lý. Bên cạnh đó, răng chó, mèo rất bẩn, chứa nhiều vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng, để lại sẹo, rất khó phục hồi về mặt thẩm mỹ.

Còn ở góc độ hô hấp, theo BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi Đồng 1), những thú cưng có lông như chó, mèo, chim... là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng và hen suyễn ở trẻ nhỏ.

BS Trần Anh Tuấn cho hay, lông vật nuôi chiếm đến 10% nguyên nhân gây dị ứng.

Cá biệt, một nghiên cứu ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy, có tới 25% các ca bệnh dị ứng đến khám liên quan đến chó, mèo.

Đáng ngại nhất là trường hợp trẻ bị hen suyễn vì khi tiếp xúc với tác nhân này, cơn hen có thể dữ dội hơn.

Theo các chuyên gia, thời điểm trẻ bị chó, mèo tấn công thường rơi vào ngày nghỉ, sau giờ học ở trường về nhà, nhưng do người lớn bận việc không để ý khiến bé gặp nạn khi chơi một mình.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo những gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi chó, mèo vì ngoài nguy cơ bị chúng tấn công, trẻ cũng có thể bị nhiễm giun sán, hoặc các bệnh về hô hấp.

Những gia đình nuôi chó, mèo cần phải tiêm phòng bệnh dại cho chúng, xích, nhốt cẩn thận, không để trẻ lại gần khu vực nuôi nhốt.

Khi bị chó, mèo dại cắn, bệnh nhân lên cơn dại có biểu hiện: Đau nhức cơ thể, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức.

Sau đó, bệnh nhân bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, sợ nước, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể rất mạnh.

Người bị chó cắn, mèo cào cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch dưới vòi nước chảy với xà phòng đặc 20% hoặc rửa bằng nước muối 0,9%, sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn.

Trường hợp vết cắn, vết cào phức tạp cần phải đến cơ sở y tế để được xử trí. Đặc biệt, ngay sau khi bị chó cắn, mèo cào, cần đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Theo Gia đình và Xã hội


Bệnh chó dại

tiêm phòng vaccine


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.