PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Chủng Delta khiến người nhiễm chuyển từ thể nhẹ sang nặng nhanh, nhiều người trẻ chuyển nặng

Tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 8.994 bệnh nhân Covid-19 trong nước tại 40 tỉnh, thành phố. Đợt dịch lần này không chỉ lây lan ngoài cộng đồng mà đã xuất hiện các bệnh viện và lkhu công nghiệp.

Tỷ lệ mắc COVID-19 tử vong thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay, số ca mắc COVID-19 trong đợt 4 liên tục tăng nhưng hiện nay ngành y tế vẫn có thể đối phó ngay cả khi số ca mắc tiếp tục tăng.

Trong đợt dịch này, biến chủng Delta (lần đầu tiên ghi nhận tại Ấn Độ) tốc độ lây lan rất nhanh. Đặc tính của những biến chủng virus đang được ghi nhận là làm cho người nhiễm chuyển từ thể nhẹ sang nặng nhanh hơn. Nhiều người trẻ tuổi cũng chuyển nặng nhanh hơn.

Theo ông Khuê, do biến chủng Delta lây lan rất nhanh nên Việt Nam đã có sẵn kịch bản 10.000 đến 30.000 ca mắc. Đến nay, Việt Nam có hơn 11.300 ca mắc và hệ thống điều trị đang đáp ứng hiệu quả. Số bệnh nhân được chữa khỏi là 4.543 và chỉ có 61 trường hợp tử vong (chiếm khoảng 0,54% tổng số ca mắc, tỷ lệ thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Chủng Delta khiến người nhiễm chuyển từ thể nhẹ sang nặng nhanh, nhiều người trẻ chuyển nặng-1
Biến chủng virus có tốc độ lây lan nhanh, ảnh minh hoạ.

"Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ chiếm khoảng 65-70%. Những trường hợp này ít triệu chứng, chỉ cần cách ly thật tốt, điều trị thuốc nâng cao thể trạng miễn dịch, bảo đảm về điều kiện chăm sóc là sẽ khỏi bệnh", ông Khuê nói.

Với kịch bản 30.000 ca mắc, khoảng 19.500-21.000 trường hợp nhẹ sẽ không cần phải có đội ngũ các thầy thuốc quá chuyên sâu và máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ điều trị. 

Khoảng 20-25% bệnh nhân còn lại (tương đương 7.000-8.000 người) ở loại trung bình có thể chuyển về thể nhẹ hoặc diễn biến nặng. Họ cần phải có hệ thống điều trị hỗ trợ như theo dõi các diễn biến nguy cơ.

Khoảng 5-7% của 30.000 ca nhiễm (1.500 người) cần phải đầu tư kỹ thuật cao và nhân lực chuyên môn sâu để có thể can thiệp ECMO, thở máy, thở oxy trung tâm… Việc điều trị cho các bệnh nhân này rất quan trọng, nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

PGS Khuê thông tin: "Ngành y tế thiết lập các đơn nguyên của bệnh viện dã chiến có đơn vị hồi sức cấp cứu tích cực với đủ trang thiết bị để đáp ứng tình hình dịch. Vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra nhiều địa phương, chủ động lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến tại các địa phương này.

Việt Nam đã có kịch bản 30.000, 50.000 ca mắc. Tôi tin nước ta sẽ đáp ứng được. Thực tế, chúng ta có cơ sở để cách ly số lượng lớn. Với tỷ lệ F0 có triệu chứng nhẹ, cộng thêm chiến lược tiêm vaccine, chúng ta hy vọng về khả năng đáp ứng đủ của các cơ sở điều trị".

Nhân viên y tế không may mắc Covid-19 không phải là chuyện bất thường

Gần đây, mọi người bàn tán nhiều tới việc nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19 trước đó đều đã được tiêm vắc xin Covid-19. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, 55 người nhiễm virus cần phải kiểm tra, xem xét kỹ. Cũng như sự việc cùng một thời điểm mà có tới 9 trường hợp bị phản ứng ở các mức độ sau tiêm chủng ở Sơn La cũng rất cần tìm rõ nguyên nhân.

Nhân viên y tế không may bị mắc Covid-19 không phải là chuyện bất thường. Ở các nước trên thế giới, tỷ lệ này là khá cao. Bởi, họ cũng là người bình thường như bất cứ ai. Rời bệnh viện, họ cũng còn có gia đình, cũng cần có việc đi đây đó, có các mối quan hệ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Chủng Delta khiến người nhiễm chuyển từ thể nhẹ sang nặng nhanh, nhiều người trẻ chuyển nặng-2
Dịch tấn công vào bệnh viện.

"Trong cuộc chiến đấu với đại dịch này, họ thật sự là những chiến binh trên tuyến đầu. Nói thế để thấy dù nghiêm túc, quyết liệt chống dịch, không dung túng họ nếu nhỡ có sai sót, chúng ta cũng cần khách quan, khoa học, công tâm nhìn nhận sự việc ở nhiều chiều, nhiều góc độ", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Dịch tấn công liên tiếp vào cơ sở y tế là bài học lớn để các bệnh viện phải cảnh giác hơn, không chỉ chú trọng việc phòng ngừa lây nhiễm chéo trong khối y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mà còn đối với tất cả nhân viên trong bệnh viện, kể cả khối hành chính.

Để dịch bệnh không có cơ hội tấn công vào đội ngũ nhân viên y tế, bệnh viện, Bộ Y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn như: Bộ tiêu chí "Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp" (ban hành tại quyết định 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế); Bộ tiêu chí "Phòng khám an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp" (ban hành tại Quyết định 4999/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 1/12/2020).

Một số các quy tắc các cơ sở y tế cần lưu ý như: chia kíp làm việc cho khối nhân viên hành chính và lâm sàng cho phù hợp, làm việc độc lập, làm việc trực tuyến đối với các bộ phận hành chính, qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa với khu vực lâm sàng, hạn chế việc nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp, thực hiện 5K, không đi lại, hạn chế giao lưu giữa các khoa, phòng.

Bệnh viện phải thường xuyên sàng lọc, phát hiện sớm, hướng dẫn khai báo, đánh giá nguy cơ dịch tại bệnh viện, xét nghiệm cho khu vực phòng khám, hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân.

Các nhân viên y tế dù đã được tiêm phòng vắc xin, bệnh viện cũng phải thường xuyên tầm soát cho họ. Các nhân viên khi đến bệnh viện phải được kiểm tra các yếu tố nguy cơ, thực hiện đầy đủ hướng dẫn về đeo khẩu trang, mặc trang phục bảo hộ. Đồng thời, họ phải thay trang phục trước khi về nhà. Các phòng làm việc phải thông thoáng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/pgsts-luong-ngoc-khue-nhieu-nguoi-tre-tuoi-chuyen-nang-nhanh-65-70-ca-mac-covid-19-trieu-chung-nhe-161211806142705736.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.