Ra ngoài vài giây, mẹ Cao Bằng "chết đứng" khi nhìn cảnh tượng xảy đến với con trai

Câu chuyện của con chị Trường là một bài học cảnh tỉnh sâu sắc dành cho các bậc cha mẹ.

Câu chuyện của con chị Trường là một bài học cảnh tỉnh sâu sắc dành cho các bậc cha mẹ.

Lặng người trước tiếng la hét thất thanh của con

Đại diện lãnh đạo Khoa Hồi sức cấp cứu – Viện Bỏng quốc gia cho biết, đơn vị này vừa cấp cứu thành công bé trai bị bỏng nặng do ngã vào bếp củi. Bệnh nhân là bé Đặng Cùn Sênh (9 tuổi) dân tộc Dao thường trú tại xã Triều Nguyên, huyện Bình Nguyên, tỉnh Cao Bằng.

Chị Đặng Môi Trường 40 tuổi (mẹ của bé Sênh) kể lại, 6 giờ sáng bé Sênh thức dậy cùng mẹ nhóm bếp củi để xua đi cái giá lạnh cuối mùa ở vùng núi Đông Bắc. Chị Trường vừa quay ra ngoài chưa đầy một phút chạy vào đã thấy con chìm trong lửa. Chị chết đứng người khi nghe tiếng la gào thất thanh của con trai út đang giãy giụa trong bếp lửa mà chị vừa mới nhóm xong.

Ra ngoài vài giây, mẹ Cao Bằng chết đứng khi nhìn cảnh tượng xảy đến với con trai-1
Bé Sênh được chẩn đoán bỏng lửa 16% độ IV, tổn thương nặng vùng mặt, đầu, vai lưng, bỏng hô hấp

Không đủ bình tĩnh để xử lý, chị buông ấm nước đang cầm trên tay và chạy đến nhấc bổng con khỏi bếp củi đang cháy hừng hực, chị Trường liền hô hoán chồng là anh Đặng Trần Phúc đưa con đi bệnh viện cấp cứu.

Tại bệnh viện cháu bé được các bác sỹ tiếp nhận trong tình trạng hôn mê sâu, sức khỏe rất yếu, da bị tổn thương nghiêm trọng, giác mạc bị ảnh hưởng nặng nề, tổn thương sâu nhất là phần mặt và đầu, vai lưng, bỏng hô hấp nghiêm trọng. May mắn phần tay và hai bàn chân không bị tổn thương quá nhiều.

Có mặt tại hành lang bệnh viện với khuôn mặt nặng trĩu âu lo mệt mỏi, vợ chồng chị Trường không bắt chuyện hay tiếp xúc với ai. Một phần do cả hai anh chị đều là người dân tộc thiểu số, không thông thạo tiếng Kinh, một phần vì lo lắng khoản tiền viện phí đã khiến anh chị gần như không đêm nào chợp mắt nổi.

Nhưng tất cả người nhà bệnh nhân đang điều trị cùng khoa với bé Sênh đều hiểu, gia đình bé thuộc diện khó khăn lại đông con nên cả kinh tế và nhận thức đều bị hạn chế. Chị Trường có chia sẻ với bác sĩ rằng, gia đình có tận 4 người con, bé đầu năm nay 17 tuổi, bé út là Sênh do mắc bệnh bẩm sinh nên không thể đi học, bố mẹ của bé chỉ biết đi làm mướn qua ngày mới có tiền nuôi con bươn trải cuộc sống.

Nhìn con trai nằm vật vã trên giường bệnh, băng quấn kín cơ thể, chỗ nào không quấn băng lại để lộ những phần xương gầy gân guốc do bệnh tật khiến em còi cọc. Mặc dù không thể diễn đạt bằng tiếng phổ thông nhưng tất cả đều hiểu rằng chị Trường đang ước giá như có thể gánh đau đớn thay con.

Sau khi nhập viện, các bác sỹ tại viện Bỏng Quốc gia đã tiến hành cắt lọc, loại bỏ dị vật vảy da, vảy tiết trên cơ thể, vệ sinh diện bỏng, tiến hành băng toàn bộ diện bỏng cho bé Sênh.

Ra ngoài vài giây, mẹ Cao Bằng chết đứng khi nhìn cảnh tượng xảy đến với con trai-2
Bố mẹ của bé Sênh một vì lo lắng cho sức khỏe của con nên nhiều đêm không thể chợp mắt

Hiện tại, sức khỏe toàn trạng bé đã dần ổn định, nhưng vẫn chưa thể mở mắt nhìn vì phần mặt của bé tổn thương quá nặng, hiện bé Sênh đang được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại tại phòng 208, khoa hồi sức cấp cứu, tầng 2, bệnh viện bỏng Quốc gia.

Bác sĩ Phan Trường Tuệ - Điều dưỡng trưởng - Khoa Hồi sức cấp cứu – Viện Bỏng Quốc gia cho biết: "Bé Sênh được chẩn đoán bỏng lửa 16% độ IV, tổn thương nặng vùng mặt, đầu, vai lưng, bỏng hô hấp. Tuy nhiên, với những cố gắng nỗ lực hết mình, ê kíp tiếp nhận đã cấp cứu thành công cháu bé".

Bác sĩ cũng cho biết thêm, khi bị bỏng, việc sơ cứu ban đầu cũng rất quan trọng, nếu xử trí không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút … thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn cho trẻ.

Trường hợp cháu Đặng Cùn Sênh rất may mắn khi bị bỏng được bệnh viện tuyến dưới sơ cứu đúng cách, đưa tới bệnh viện tuyến Trung ương rất kịp thời.

Chuyên gia khuyến cáo phòng tránh bỏng trẻ nhỏ

Bác sĩ Tuệ cũng khuyến cáo, bỏng là một trong những tai nạn phổ biến ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh phải tuyệt đối thận trong khi chăm sóc trẻ.

Chính vì vậy, để phòng tránh những tai nạn cho trẻ nhỏ, có những quy tắc an toàn cần thiết mà bố mẹ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Ra ngoài vài giây, mẹ Cao Bằng chết đứng khi nhìn cảnh tượng xảy đến với con trai-3
Trường hợp cháu Đặng Cùn Sênh rất may mắn được đưa tới bệnh viện tuyến Trung ương rất kịp thời

- Đồ dùng làm bếp, lò nướng, các thiết bị có nhiệt độ cao trong phòng bếp phải được để lên cao, tránh xa tầm với của trẻ em. Không để trẻ lại gần hay vui chơi ở khu vực đang nấu nướng.

- Với ấm đun nước, bình giữ nhiệt, phích nước cần được để ở nơi trẻ nhỏ không được phép lại gần. Đối với trẻ nhỏ trên 7 tuổi, cần phải hướng dẫn an toàn cho bé khi ở trong nhà bếp.

- Không nên để trẻ nhỏ trong nhà tắm hay nhà bếp chỉ vài giây để mở cửa hay làm việc gì đó. Phải luôn luôn có người giám sát trẻ nhỏ khi tắm.

- Không để trẻ tiếp xúc với lửa, diêm, hộp quẹt hay các vật dễ cháy nổ như xăng, ga, cồn...

- Thường xuyên kiểm tra đồ dùng điện như quạt, nồi cơm điện, đèn, ổ cắm... để phát hiện sớm những dấu hiệu hở điện.

- Đặc biệt là ở các địa phương vẫn đang sử dụng bếp than, bếp củi để sinh hoạt. Tuyệt đối không để bé chơi xung quanh bếp, người lớn phải để mắt tới trẻ khi thấy con di chuyển đến những nơi có nguy cơ cháy nổ nguy hiểm.

Bác sĩ nhấn mạnh, những nơi như khu vực bếp nấu ăn, lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa không lường đối với trẻ. Đối với những trẻ có biểu hiện bệnh lý bẩm sinh, không có khả năng nhận thức hành vi phải có người lớn trông giữ cẩn thận. Trường hợp bệnh nhi Sênh là một điển hình để cảnh báo các mẹ trong việc chăm sóc con cái.

Cách sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng

- Khi trẻ bị bỏng, việc đầu tiên phải làm là tách trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng lập tức.

- Tiếp theo dùng nước mát xả vào vùng da bị thương của trẻ trong 10-15 phút để làm dịu lại vết bỏng.

- Tuyệt đối không thoa bất kì loại kem nào lên vết bỏng, hay chườm vết bỏng bằng đá lạnh, khăn lạnh. Điều này có thể gây co mạch và tụt thân nhiệt, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

- Lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Theo Khám Phá


bị bỏng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.