Xuất hiện một vết loét ở niêm mạc lưỡi nhưng lâu khỏi, bà Nguyễn Thị Vinh trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội tưởng đó là nhiệt miệng nên không đi khám. Vết loét ngày càng to và không đau. Bà Vinh kể thấy gợn trong miệng chứ không có triệu chứng nào cả. Đến khi nó to bằng đầu ngón tay, nuốt khó bà mới nói với các con.
Con bà đưa đi kiểm tra, bác sĩ nghi ngờ ung thư lưỡi nên cho làm xét nghiệm tế bào học. Một tuần sau kết quả ung thư lưỡi. Bác sĩ cho biết, họ chỉ có thể xạ trị và điều trị hóa chất cho bà Vinh.
Trong một lần đi kiểm tra răng, tình cơ ông Vũ Văn Thọ, Hà Đông, Hà Nội phát hiện một đốm nhỏ trong miệng màu trắng dầy cộm, không gây đau, nha sĩ khuyên ông Thọ nên đi kiểm tra tầm soát ung thư khoang miệng. Kết quả, ông Thọ bị ung thư miệng.
Trường hợp của Bùi Văn Điện trú tại Phủ Lý, Hà Nam cũng tương tự, ông Điện nghiện thuốc lá rất lâu. Khi thấy lưỡi có vết loét có bờ bị khoảng 3-4 tuần uống kháng sinh không khỏi ông mới đi khám. Lúc khám cho ông, bác sĩ thấy lưỡi phủ lớp rêu trắng dày, miệng hơi toàn mùi thuốc lá. Bác sĩ đã nghi ngờ ung thư lưỡi và kiểm tra sinh thiết đúng ung thư lưỡi. Nguyên nhân có thể do ông Điện hút thuốc lá nhiều. Ông kể ngày xưa hút 2 ngày/bao, bây giờ có bỏ nhưng ngày vẫn 2-3 điếu cho đỡ buồn.
Ung thư miệng rất dễ bỏ qua giai đoạn sớm vì hầu như ai cũng có một vài lần bị nhiệt miệng, loét miệng. Giáo sư Mai Trọng Khoa – Giám đốc trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai cho biết, cần chú ý các triệu chứng của ung thư miệng qua vết loét khó lành, không gây đau có màu trắng hoặc màu đỏ. Vết loét ngày càng lan rộng phải nghĩ ngay đến ung thư vùng miệng.
Sát thủ êm đềm
Ung thư miệng và họng xuất hiện như là kết quả của tổn thương ADN trong tế bào ở miệng và họng. Yếu tố gây ra ung thư khoang miệng đó là hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu. Ngoài ra còn có loại virus HPV.
Theo GS Khoa, thuốc lá được xem là sát thủ êm đềm. Đối với ung thư vùng miệng, thuốc lá có thể gây tổn thương tế bào bề mặt của khoang miệng và phần trên của họng. Những người hút thuốc có khả năng phát triển ung thư miệng và phần họng trên nhiều hơn những người không hút thuốc.
Khoảng 90% những người mắc ung thư này sử dụng một vài loại thuốc lá. Thuốc lá được dùng phổ biến ở nam, vì vậy ung thư miệng thường phổ biến ở nam hơn nữ. Những người dùng thuốc lá không khói hoặc nhai thuốc lá có nguy cơ tương đương mắc ung thư má và mặt trong môi.
Ngoài ra, uống rượu cũng có thể làm tổn thương tế bào bên trong miệng và phần trên họng. Xấp xỉ 3/4 số người ung thư miệng và họng trên thường uống rượu. Sự kết hợp rượu và thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư của bạn.
Việc sử dụng răng giả tạo cũng tạo ra yếu tố ung thư khoang miệng. Đó là sự gắn kết lỏng lẻo của răng giả có thể làm mắc kẹt các mảnh nhỏ thuốc lá và rượu, và sự phơi nhiễm lâu dài với những yếu tố nguy cơ được biết đến này có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng.
Ngoài ra, những virus gây u nhú ở người (HPV) cũng là một tác nhân gây ung thư. HPV là một nhóm virus lây truyền theo đường tình dục, có liên quan đến hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Gần đây, HPV được tìm thấy là một yếu tố trong khoảng 1/5 ung thư miệng do thói quen quan hệ tình dục bằng đường miệng. Các nhà khoa học Hoa Kỳ đã tìm ra HPV – tuýp 16 là thủ phạm gây ra các bệnh ung thư vùng miệng họng. Ở Hoa Kỳ có 14.000 ca ung thư họng mới mỗi năm, khoảng 70% dính líu tới HPV – 16.
Mới đây nhất, một ngôi sao Hollywood lừng danh bị ung thư họng miệng đã chia sẻ rằng anh ta bị bệnh này do thói quen làm tình bằng miệng.
Để phòng ngừa ung thư khoang miệng bác sĩ khuyến cáo nên tách khỏi ra các tác nhận gây bệnh và đặc biệt nên có thói quen kiểm tra răng miệng hàng năm để có thể phát hiện được bệnh sớm nhất.
Theo Infonet