Số lượng F0 diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tăng

Trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV tăng nhanh, Hà Nội đang tập trung giảm tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong do Covid-19.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Hà Nội đang theo dõi và điều trị cho tổng cộng 20.288 trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn. Con số này đã tăng 13,8% so với trung bình 7 ngày trước đó.

Sau khi triển khai theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà, Hà Nội đang có 10.347 trường hợp được điều trị ở nơi cư trú, chiếm hơn 50% tổng ca mắc Covid-19 trên địa bàn.

Trong khi đó, 5.092 trường hợp đang được điều trị tại khu cách ly và 4.789 người phải được chăm sóc tại các bệnh viện trên địa bàn.

Số liệu Covid-19 ghi nhận tại Hà Nội từ ngày 27/4

Đáng chú ý, trong số F0 được điều trị tại bệnh viện, 3.050 F0 của Hà Nội ở thể nhẹ và không xuất hiện triệu chứng (chiếm khoảng 63%). Nhóm mắc bệnh ở mức độ trung bình có tổng cộng 1.428 người.

Số bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội hiện nay là 311 trường hợp, chiếm 6,5%. Con số này đã tăng 19,6% so với trung bình 7 ngày trước đó. Kết quả này cũng là hệ lụy tất yếu khi số ca mắc mới của thành phố đã tăng rất nhanh trong thời gian gần đây.

Trong số bệnh nhân diễn biến nặng, 268 trường hợp đang phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 10 người thở oxy dòng cao (HFNC), 9 ca thở máy không xâm lấn và 24 người thở máy xâm lấn.

Trước bối cảnh đó, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong cho bệnh nhân Covid-19.

Theo đó, các trường hợp nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm nCoV cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận và điều trị kịp thời.

Người bệnh đến khám, chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện).

Các cơ sở khám, chữa bệnh phải sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao gồm: Người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng Covid-19.

Mỗi cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 phải sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ.

Sở Y tế Hà Nội đặc biệt yêu cầu tất cả bệnh viện không được từ chối bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch, đảm bảo F0 được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất. Sau khi sức khỏe của bệnh nhân ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh và đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.

Các cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 cũng được yêu cầu cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; Rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện theo phân tầng điều trị.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 99,21% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Thành phố cũng đã bắt đầu tổ chức tiêm chủng mũi tăng cường vaccine Covid-19 cho người dân trên địa bàn.

Ở lần cập nhật gần nhất của Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã tiêm 116.627 mũi bổ sung và 54.234 liều nhắc lại cho người dân trên 18 tuổi. Con số này với nhóm trên 50 tuổi lần lượt là 38.690 và 2.645.

Theo Zing


Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.