Sự thật về giá trị dinh dưỡng của nước ép trái cây

Một nghiên cứu về thói quen tiêu dùng nước ép trái cây cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang hình thành thói quen uống nước trái cây ít nhất một lần/ngày (24,4%) và hai – ba lần/tuần (23,5%).

Một nghiên cứu về thói quen tiêu dùng nước ép trái cây cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang hình thành thói quen uống nước trái cây ít nhất một lần/ngày (24,4%) và hai – ba lần/tuần (23,5%). Nhìn chung, đa số người tiêu dùng chọn nước trái cây vì lợi ích của nó mang lại như ít phẩm màu tổng hợp, giữ nguyên vị trái cây tươi tự nhiên hơn và bổ sung thêm vitamin.

LTS: Gần đây, từ nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường rộ lên phong trào kinh doanh nước ép trái cây tươi. Thịnh hành nhất là nước bưởi, rồi sau đó là nước cam rồi mới tới các loại trái cây ép khác. Liệu nước ép trái cây có tốt?

Có thể tin nghiên cứu này là chính xác vì người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới cũng từng tôn sùng nước trái cây. Ở Mỹ, cách đây một thập kỷ, nước cam ép được xem là sản phẩm dinh dưỡng cân bằng có mặt mỗi sáng trên nhiều bàn ăn, thậm chí nó còn được xem là giải pháp để giải quyết chứng thiếu vitamin C, tình trạng thiếu sức sống, thậm chí một vấn đề máu hiếm gặp là “toan huyết” (acidosis).


Nước ép hoa quả tươi chưa chắc tốt

Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, nước ép trái cây đang đánh mất vị thế vì không ít sự thật của nó dần dà được phơi bày. Gọi là nước trái cây tươi ư? Chưa chắc, vì vào những năm 1960, cơ quan Thực phẩm và thuốc men (FDA) Hoa Kỳ đã tuýt còi vì chẳng có gì “tươi” ở đây cả, thậm chí nhà sản xuất còn thêm nước và đường vào nước ép.

Gọi nước ép trái cây là thức uống dinh dưỡng? Cần xem lại, vì nước ép chứa đường không thua gì các thức uống có gas, trong khi nó lại không chứa chất xơ như trái cây tự nhiên. Do nước ép không có chất xơ, nên cơ thể sẽ hấp thu nhiều đường fructose hơn, điều này làm cho lượng đường máu tăng cao. FDA còn cảnh báo tình trạng rối loạn tiêu hoá (nôn ói, tiêu chảy) do uống nước ép trái cây một khi sản phẩm này không xử lý hết vi khuẩn có trong trái cây. Vì thế, một số chuyên gia dinh dưỡng khuyên nếu uống nước trái cây, nên uống trực tiếp ngay sau khi xử lý nhằm tránh các vấn đề này.

Trong thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng luôn kêu gọi người tiêu dùng rời bỏ nước ép quay về với trái cây và rau quả tự nhiên, như một hình thức dinh dưỡng đúng đắn, vừa phòng tránh bệnh tật lại vừa giúp cơ thể thon gọn. Đầu năm nay, trên tờ The Telegraph (Anh), chuyên gia dinh dưỡng Susan Jebb kêu gọi mọi người rời xa nước cam ép vì “nó chứa nhiều đường như Coca-Cola”, điều dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Một nghiên cứu về chuyện ăn uống trái cây tươi hàng ngày của sinh viên Mỹ, đăng trên tạp chí Nghiên cứu phân phối thực phẩm (Journal of Food Distribution Research) số tháng 3.2013, cho thấy 25% sinh viên từ 17 – 24 tuổi bị thừa cân, hậu quả của việc ăn ít trái cây và rau quả tươi.

Trái cây tươi mang lại nhiều chất xơ, ít calo và nhiều chất chống oxy hoá (flavonoid) hơn nước ép. Trong khi đó, nước ép lại chứa đường, chất tạo màu hoặc chất bảo quản, những thành phần không tốt cho sức khoẻ. Sự thật là như thế.

Theo Thế giới tiếp thị



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.