Sự thật về nguồn gốc quả thanh mai

Trong những ngày nắng nóng này, quả thanh mai hiện đang được người dân lựa chọn dùng để giải nhiệt vô cùng phổ biến. Nhưng loại quả này xuất xứ từ đâu?

Những ngày nắng nóng, quả thanh mai màu nâu, xù xì bán tràn ngập các con phố ở Hà Nội. Tuy nhiên, giá bán lại khác nhau và nhiều người nghi ngờ quả này có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Mỗi nơi một giá

Chị Nguyễn Vân Nga ở ngõ 1 Tôn Thất Tùng (Đống Đa, Hà Nội) vừa mua được 2kg thanh mai rừng với giá 120.000 đồng/kg khoe:

“Những năm trước chị phải lùng mãi mới mua được để ngâm đường uống mùa hè, vậy mà năm nay ra ngay đầu ngõ là có, giá cũng chẳng đắt hơn năm ngoái”.

Theo lời chị Nga, thanh mai hay còn gọi là quả dâu rừng, được trồng nhiều ở Lào Cai và Quảng Ninh.

Vì mọc trên rừng nên lượng quả thanh mai mỗi mùa không nhiều và không có các chất bảo quản. Từ khoảng tháng 3 đến tháng 5 là mùa thanh mai.

sự thật về nguồn gốc quả thanh mai
Quả thanh mai hiện đang được rất nhiều người ưa chuộng.

Do có vị chua nhẹ, khi chín mọng có vị ngọt nên thanh mai rừng thường được ngâm đường, mật ong làm nước uống giải nhiệt mùa hè, siro trị ho làm đẹp da đều rất tốt.

Ngoài ra, thanh mai cũng có thể rửa sạch ăn ngay cực kỳ lạ miệng và hấp dẫn.

Chị Lê Thị Thùy Linh, làm kế toán cho một công ty chuyên về phần mềm trên phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ rằng năm nào chị cũng phải mùa khoảng 4-5kg quả thanh mai rừng về ngâm đường làm thức uống giải nhiệt mùa hè cho cả gia đình.

Năm nay, quả này bán tràn ngập phố Hà Nội chứ không hiếm như những năm trước. Tuy nhiên, chị Linh cho hay, xe hàng rong bán thanh mai một giá, các cửa hàng online lại bán giá khác nên chẳng biết đằng nào mà lần.

“Để mua được giá rẻ, mọi người ở cơ quan mình rủ nhau mỗi người mua 2-3kg, vài người gộp lại thành một đơn hàng lớn rồi đặt mua online giá lấy buôn, rẻ bằng 2/3 giá bán lẻ.

Ví như hôm qua, 7 người đặt mua gần 30kg thanh mai giá chỉ 80.000 đồng/kg, miễn phí ship”, chị Linh bật mí.

Theo khảo sát của PV, hiện nay trên một số tuyến phố ở Hà Nội, như Tôn Thất Tùng, Xã Đàn Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa), Giải Phóng, Nguyễn Xiển (Hoàng Mai),... quả thanh mai rừng được bán khá nhiều, giá dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại to nhỏ khác nhau.

Còn trên các trang mạng xã hội, quả này chỉ từ 100.000-130.000 đồng/kg, mua với số lượng từ 20kg trở lên tính bằng giá bán buôn.

Chị Lê Thị Tú - bán thanh mai trên phố Phạm Ngọc Thạch, cho biết mới bán được 1 tuần nay. Trung bình mỗi ngày, chị bán được 50-70 kg.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn ở Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) bán thanh mai online, cho biết, anh thường nhập thanh mai từ Quảng Ninh hay Lào Cai về bán, mỗi ngày khoảng 2 tạ.

Giá thanh mai khá cao, song lúc nào cũng đắt như tôm tươi.

Ngoài ra, anh Tuấn còn bán thanh mai ngâm đường sẵn, giá 650.000 đồng/bình 10kg.

Hàng Tàu trà trộn

Theo chị Ngân, một đầu mối chuyên bỏ sỉ thanh mai ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), phần lớn thanh mai về chợ Long Biên đều là hàng Trung Quốc, thanh mai Quảng Ninh, Lào Cai rất ít.

“Thanh mai Trung Quốc về chợ đổ buôn với giá 25.000 đồng/kg nhưng dân bán hàng rong ở phố cứ quảng cáo là thanh mai từ Quảng Ninh, Lào Cai rồi bán với giá 130.000-150.000 đồng/kg để kiếm lời”, chị Ngân cho hay.

Tương tự, anh Tuấn cũng tiết lộ rằng phần lớn thanh mai bán trên thị trường hiện nay đều là hàng Tàu. Còn thanh mai Lào Cai cũng có nhưng không nhiều.

“Nhiều người nói ở Việt Nam, cụ thể là trên Lào Cai, mùa này đã hết thanh mai là không đúng. Ở Sa Pa đúng là không có loại quả này. Loại thanh mai mà anh bán được lấy tận trên vùng Y Tý (Lào Cai)”, anh Tuấn khẳng định.

Ngoài ra, anh Tuấn còn cho biết, rất khó để phân biệt được thanh mai Tàu và thanh mai Việt bởi thanh mai trồng ở Côn Minh (Trung Quốc) với thanh mai trồng ở Y Tý đều có quả to, mọng và đẹp mã vì hai vùng này khí hậu thời tiết rất giống nhau.

Đây cũng chính là lý do khiến các xe hàng rong bán thanh mai ngoài phố cố tình nhập nhèm nguồn gốc, lừa người tiêu dùng.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.