Thuốc làm đẹp làm... hỏng da, hại thận

Khát khao có được làn da của mình “trong ngọc, trắng ngà”, nhiều chị em sử dụng phương pháp tẩy trắng da cấp tốc khiến cho làn da của mình trở thành “xù xì da cóc”.

Khát khao có được làn da của mình “trong ngọc, trắng ngà”, nhiều chị em sử dụng phương pháp tẩy trắng da cấp tốc khiến cho làn da của mình trở thành “xù xì da cóc”.

1 tháng giảm 7kg

Đó là thông tin mà chị Mai Thị Hoa (TP.Bắc Ninh) được một bà chủ tiệm làm đẹp giới thiệu. Người đó cho biết, chỉ cần tiêm 1 hộp thuốc L…, tương đương với 10 mũi tiêm là chị Hoa sẽ giảm 5-10kg trong vòng 1-2 tháng. Đặc biệt thuốc được quảng cáo rất an toàn vì bài tiết mỡ qua phân và nước tiểu, không những thế còn có thể chống ung thư cổ tử cung.

Không nên tự ý mua thuốc về dùng (ảnh minh họa).

Chỉ cần hơn 8 triệu là chị em có được một thân thể ưng ý. Sau khi sinh đứa con thứ 2, dù ăn kiêng và tập luyện nhưng cơ thể chị Hoa vẫn sồ sề, vùng bụng và vùng cánh tay tích nhiều mỡ. Nghe quảng cáo và giá cả hợp lý, chị Hoa mua một hộp thuốc và nhờ luôn bà chủ tiệm làm đẹp tiêm cho.

Không rõ vì thuốc hay vì tinh thần phấn khởi mà hai tuần đầu, chị Hoa cảm thấy mình gọn gàng, nhanh nhẹn hơn. Tuy nhiên, sang đến tuần thứ ba, các vùng tiêm thuốc như bụng, đùi, cánh tay nổi mẩn đỏ, sờ vào có các cục xơ cứng, vón hòn. Khi đi khám, các bác sĩ cho biết chị bị phản ứng với thuốc tiêm giảm béo. Nếu không dừng thuốc, bụng chị còn có nguy cơ chai cứng, có khả năng chỗ phồng, chỗ xẹp, trông còn xấu xí hơn cả lúc chưa tiêm.

Gần đây, một nam thanh niên (TP.HCM) cũng đã khiến cư dân mạng xôn xao vì bộ mặt bị biến dạng, mẩn đỏ vì tiêm thuốc trắng da. Anh này còn cho biết, toàn thân bị rỉ nước vàng, đau buốt, phải đi viện điều trị. Đánh mạnh vào nhu cầu giảm béo và khát khao có được làn da trắng sáng, mịn màng của chị em, hiện trên thị trường (nhất là trên các trang mạng) có rất nhiều sản phẩm thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc bôi… với các công dụng “nổ” đến tận trời như - chỉ một tháng là giảm 5-7kg, làn da đẹp mịn màng, trắng hồng khắp mọi ngõ ngách cơ thể. Các thuốc này đều được giới thiệu là của Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ… Giá thuốc cũng rất “giời ơi”, dao động từ một vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng.

Không đẹp mà nguy hại

Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), khi tiêm bất cứ thuốc lạ nào vào cơ thể, người bệnh cũng cần cảnh giác với khả năng sốc thuốc, nhất là các thuốc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Ngoài ra, các thành phần có trong thuốc tiêm làm trắng da như Glutathione và Collagen đều có chứa acid amin nên rất dễ gây dị ứng cho da. “Có nhiều người dị ứng thuốc khiến da dẻ cóc cáy, sần sùi, nổi mụn, rỉ nước vàng trông rất… kinh dị. Không ít người muốn trả tiền tỷ chỉ để quay về với “làn da nâu” ngày xưa” - bác sĩ Khánh cho biết.

Còn bác sĩ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam – Cuba) cho biết, không có loại thuốc tiêm nào có thể giảm béo tại chỗ. Theo ông Thái, nước tiểu và lipit (mỡ) là hai thành phần khác nhau, không thể “tự tiêu” và thoát ra ngoài bằng đường bài tiết phân và nước tiểu được. Ngoài ra, ai sẽ đảm bảo việc tiêu mỡ “không đều” khiến cho vùng da tiêm thuốc chỗ lồi, chỗ lõm, tạo các cục xơ cứng, cơ thể sẽ bị biến dạng, méo mó theo. Một số loại thuốc đã được cảnh báo nếu dùng lâu có thể hại da, suy thận…

Còn thuốc tiêm trắng da thường là cách truyền trực tiếp vào da một số vitamin và khoáng chất có lợi cho da, nhằm làm “gãy” các tế bào có nhiều sắc tố đen để da sáng hơn. Tuy nhiên, khi đó, làn da của chị em sẽ trở nên mong manh, yếu đuối, không còn khả năng chống lại các tia tử ngoại. Vì thế, dễ xảy ra tình trạng, sau một thời gian “lột da” trắng sáng, da của chị em dễ bị nám đen, nổi mụn hơn. Khả năng chị em bị ung thư da cũng cao hơn. Chưa kể đến việc một số kem bôi, kem matxa làm trắng da thực chất chỉ là tẩy da chết, làm da trắng sáng hơn. Nhưng nếu tẩy quá nhiều, quá mạnh cũng khiến da bị tổn thương.

“Nguy hại nhất chính là việc các sản phẩm tiêm này thường được chị em mua về tự tiêm hoặc nhờ các “chuyên gia làm đẹp” tiêm. Trong khi khuyến cáo y tế, tất cả các sản phẩm có liên quan đến sức khỏe đều cần được bác sĩ chỉ định dùng, việc tiêm thuốc cần được thực hiện ở cơ sở y tế hoặc người có chuyên môn y tế thực hiện. Việc tự tiêm thuốc, nhất là thuốc vitamin C vào tĩnh mạch sẽ có khả năng gây ra sốc thuốc, người dùng sẽ bị tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Thậm chí khi cấp cứu, các bác sĩ cũng bó tay vì chưa bao giờ biết đến loại thuốc bệnh nhân đã dùng” – bác sĩ Thái cho biết.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.