Viêm tụy cấp có thể gây tử vong

Viêm tụy cấp là một bệnh lý cấp tính của tuyến tụy, có thể thay đổi từ viêm tụy phù nề cho đến viêm tụy xuất huyết và hoại tử. Tần suất xuất hiện bệnh thay đổi tùy theo từng nước và phụ thuộc vào các yếu tố nguyên nhân như rượu, sỏi, do thuốc... Ở Việt Nam thường do sỏi hoặc do giun đũa chui vào ống tụy, tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy...

Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân trong bệnh sinh viêm tụy cấp, nhưng cơ chế chủ yếu của viêm tụy cấp đến nay vẫn chưa được hoàn toàn biết rõ. Trong đó nguyên nhân đầu tiên là do các yếu tố tắc nghẽn đường dẫn mật tụy như do sỏi, giun, u, do chèn ép từ ngoài đã làm viêm tụy cấp hoặc do kích thích tiết quá nhiều dịch tụy như ăn quá nhiều, nhất là sau một thời gian nhịn đói, sự tắc nghẽn này thường kèm theo sự trào ngược dịch ruột và dịch tụy đã được hoạt hóa khi đến tá tràng có thể kèm theo dịch mật là những yếu tố gây hoạt hóa men tụy.

Nguyên nhân thứ hai là do rượu, rượu có thể gây viêm tụy cấp nhưng cũng có thể gây viêm tụy mạn.

(Ảnh minh họa)

Sau phẫu thuật, nhất là sau phẫu thuật bụng.

Sau chấn thương vùng bụng.

Sau nội soi mật tụy ngược dòng.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn (sau quai bị, viêm gan virut), do dùng thuốc (thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, thuốc ngừa thai...).

Biểu hiện của bệnh

Khởi phát cấp tính, đột ngột với cơn đau bụng cấp - triệu chứng chính thường gặp. Đau có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng mà bệnh nhân không chịu nổi, đau thường xuyên và có cơn trội hẳn lên. Đau ở vùng thượng vị và ở vùng quanh rốn hoặc hạ sườn trái, tương ứng vùng tụy, đau lan lên ngực trái hoặc ra sau lưng, đau tăng khi nằm ngửa, giảm khi cúi gập mình ra phía trước. Đau có thể làm bệnh nhân vật vã bất an, toát mồ hôi hoặc choáng ngất. Với biểu hiện đau này gần giống với đau bụng cấp trong bệnh lý dạ dày - tá tràng, nhất là xuất hiện sau khi uống rượu bia nhiều sẽ làm chúng ta chủ quan không đi khám bác sĩ ngay, nhiều trường hợp đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. 70 - 80% các trường hợp có nôn.

Toàn thân có hội chứng nhiễm khuẩn, với các biểu hiện như sốt, đau đầu, môi khô, lưỡi bẩn; nhất là trong trường hợp do giun và sỏi có thể xảy ra ngày đầu hoặc ngày thứ hai, còn trong viêm tụy cấp do rượu, nhiễm khuẩn thường đến muộn sau 5 - 7 ngày do bội nhiễm.

Ngoài ra nếu trong trường hợp có viêm tụy cấp hoại tử thì có thêm các biểu hiện khác như mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, đầu chi lạnh, tím tái...

Các biến chứng có thể xảy ra

Thể viêm tụy cấp phù nề: điều trị tốt, kịp thời thì bệnh sẽ ổn sau 5 - 7 ngày, không để lại di chứng.

Thể hoại tử từng phần: đáp ứng điều trị chậm chạp hơn, nếu không kịp thời có thể tử vong, diễn tiến có thể dẫn đến áp - xe tụy hoặc nang giả tụy.

Thể xuất huyết: tiên lượng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.

Ngoài ra có thể gây các biến chứng nặng nề trên các cơ quan như gan, thận, tim mạch... Tuy nhiên các biến chứng này chủ yếu gặp ở các thể hoại tử, xuất huyết. Cụ thể:

- Biến chứng ở phổi: tràn dịch màng phổi nhất là đáy phổi trái, xẹp phổi hoặc viêm đáy phổi trái. Biến chứng nặng nhất về hô hấp là hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn.

- Biến chứng trên hệ tim mạch: giảm huyết áp, hoặc trụy tim mạch là do giảm thể tích tuần hoàn hoặc do sốc mà nguyên nhân là do phối hợp nhiều yếu tố, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, xuất huyết và thoát dịch.

Có thể gây hội chứng đông máu rải rác nội mạch, như trong trường hợp viêm ruột xuất huyết hoại tử.

- Biến chứng trên hệ tiêu hóa: đó là biểu hiện của viêm loét dạ dày - tá tràng cấp thường biểu hiện dưới dạng xuất huyết và được coi như là một biến chứng stress do đau và nhiễm khuẩn, nhiễm độc.

- Trên thận: thiểu niệu hoặc vô niệu do suy thận chức năng vì giảm thể tích tuần hoàn, kèm theo urê máu cao, đây là một yếu tố tiên lượng nặng.

Điều trị và dự phòng

Phần lớn viêm tụy cấp là thể phù (85-90%), điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa, bệnh sẽ thoái triển sau 5-7 ngày. Các biện pháp thông thường là: hút dịch vị, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch khi các triệu chứng đau giảm nhiều mới bắt đầu cho ăn dần, bắt đầu là nước đường, đến nước cháo đường, rồi cháo để giảm sự tiết dịch tụy; bù nước và điện giải để đảm bảo thăng bằng kiềm toan, tùy theo điều kiện và nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng các loại thuốc giảm tiết, kháng sinh cho phù hợp.

Ở bệnh nhân có tiền sử sỏi hoặc giun chui đường mật, hoặc sau bữa ăn thịnh soạn có sử dụng nhiều rượu, mà xuất hiện đau bụng cấp, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để khám và điều trị hợp lý, kịp thời tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Cách tốt nhất với mỗi chúng ta cần giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, định kỳ 6 tháng đến một năm tẩy giun một lần để tránh mắc ký sinh trùng đường ruột; ăn uống hợp lý, tránh việc sử dụng bia, rượu quá nhiều để đảm bảo cho cơ thể luôn luôn được khỏe mạnh.

Theo BS. Nguyễn Bạch Đằng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.