Việt Nam khẩn cấp đối phó dịch bệnh Ebola

Nhiều quốc gia nâng cảnh báo dịch do virus Ebola khi số mắc, tử vong tại 4 nước Tây Phi gia tăng rất nhanh. Bộ Y tế Việt Nam cũng yêu cầu áp dụng tờ khai y tế tại cửa khẩu quốc tế, đặc biệt lưu ý khách đến từ vùng dịch.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều ngày 6/8, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola.

Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tập trung giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện; phát hiện sớm ca bệnh nếu có, đồng thời tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống.

Từ đầu năm đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 1600 trường hợp mắc Ebola, trong đó có 887 trường hợp tử vong chỉ tại 4 nước Tây Phi. Chỉ trong  vòng hai ngày (31/7 và 1/8); 4 nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone báo cáo thêm 163 trường hợp mắc mới, 61 ca tử vong. Guinea có 13 ca mắc mới nhưng có đến 12 người tử vong, Liberia 77 ca bệnh mới và 28 ca tử vong. Đặc biệt, có đến 100 cán bộ y tế lây nhiễm virus nguy hiểm này.

Việt Nam khẩn cấp đối phó dịch bệnh Ebola - 1

Dịch Ebola đang lan rộng ở 4 nước Tây Phi

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế Trần Đắc Phu nhấn mạnh, hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào tuy nhiên nguy dịch vào nước ta là có thể. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, nếu tình hình tiếp tục trở nên xấu hơn, nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn.

Theo ông, dịch bệnh do virus Ebola rất nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh. Nó có thể lây lan thông qua 4 đối tượng gồm: Công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch; Công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; Người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola; Người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola - là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc dịch này.

Trước tình hình này, Việt Nam đang khẩn cấp chuẩn bị phương án đối phó. Ngày 6/8, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu triển khai việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế. Đối tượng phải khai báo là khách nhập cảnh trên các chuyến bay xuất phát từ 4 nước gồm Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone trong vòng 21 ngày. Thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 15/8. Kế hoạch phòng chống bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola tại Việt Nam cũng đang được trình lãnh đạo Bộ. Phác đồ hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh Ebola đang được các chuyên gia gấp rút hoàn thiện.

Hiện nhiều quốc gia đã nâng cảnh báo với dịch Ebola. Đơn cử như Senegal – láng giềng với Guinea đã phát đi thông báo đóng cửa khẩu đất liền. Còn Nigeria thì ngưng chuyến bay qua các nước có dịch bệnh và tăng cường kiểm dịch tại sân bay. Tổ chức Hòa bình Mỹ cũng rút 340 nhân viên tình nguyện từ 3 quốc gia đang có dịch về nước.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phúc - đại diện Tổ chức Y tế thế giới  (WHO) tại Việt Nam cho biết, Ebola không phải là virus tồn tại trong không khí mà lây truyền sang người khi tiếp xúc gần với dịch thể của người nhiễm hay chết do nhiễm virus. Hầu hết các ca nhiễm bệnh Ebola đều do tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc, chất dịch cơ thể người nhiễm bệnh. Đã tìm thấy động vật nhiễm bệnh Ebola chết trong rừng và bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu.

Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày.

Để phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Theo Khám phá



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.