Việt Nam xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh, bác sĩ hết cách

Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng toàn bộ kháng sinh kể cả loại mạnh nhất, bệnh nhân chỉ còn cách để cơ thể tự chống đỡ.

Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng toàn bộ kháng sinh kể cả loại mạnh nhất, bệnh nhân chỉ còn cách để cơ thể tự chống đỡ.

Bác sĩ bất lực, bệnh nhân nằm chờ

Bên lề khóa đào tạo nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm kháng kháng sinh vừa diễn ra, PGS.TS Đoàn Mai Phương, nguyên trưởng khoa Vi sinh, BV Bạch Mai cho biết, vi khuẩn kháng kháng sinh hiện là mối quan tâm của cả thế giới khi tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc, tại một số nước thậm chí không thể kiểm soát.

Trong hơn 5 năm (từ 1983 - 1987), cơ quan Quản lý Dược và thực phẩm Mỹ mới chỉ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh. Còn từ năm 2008 đến nay, không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra.

Việt Nam xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh, bác sĩ hết cách-1
Bản đồ về tình trạng kháng kháng sinh trên toàn thế giới đến năm 2050, với khoảng 10 triệu người tử vong

Hiện tại, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 tử vong do kháng thuốc. Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

Theo PGS Phương, hiện tại Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Đó là lí do vì sao, nhiều nước phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả thì tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Đơn cử như tỉ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli (vi khuẩn đường ruột) đã lên tới 30-40%, kháng luôn cả kháng sinh mạnh nhất là colistin. Thậm chí, tại một số tỉnh phía Nam, tỉ lệ kháng thuốc của E.coli còn lên tới hơn 74%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%...

“Do là BV tuyến cuối, nên tại BV Bạch Mai gặp rất nhiều bệnh nhân bị đa kháng thuốc, kháng mở rộng và toàn kháng. Với trường hợp toàn kháng, khi đó, bác sĩ cũng bất lực, chỉ có thể giúp bệnh nhân truyền dịch, nâng cao thể trạng, tăng cường dinh dưỡng để cơ thể tự chống đỡ với vi khuẩn”, PGS Phương thông tin.

Xét nghiệm kháng sinh đồ vô cùng quan trọng

Theo PGS Phương, để xác định một loại vi khuẩn có kháng kháng sinh hay không hay do bác sĩ dùng kháng sinh chưa đủ liều, bắt buộc phải làm kháng sinh đồ tại phòng xét nghiệm vi sinh.

Việt Nam xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh, bác sĩ hết cách-2PGS.TS Đoàn Mai Phương

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, ngay lập tức sẽ báo với bác sĩ điều trị để cách ly bệnh nhân, giúp vi khuẩn kháng thuốc không lây lan cho các các bệnh nhân khác, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ sử dụng kháng sinh đang có.

Tuy nhiên hiện nay, chỉ một số ít BV có phòng vi sinh đạt chuẩn, còn lại chất lượng ở mức thấp do phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và chưa đủ nhân lực có trình độ để vận hành.

Do đó, để thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống kháng thuốc quốc gia, việc đưa các phòng xét nghiệm vi sinh đạt chuẩn tại các BV vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Hiện tại, theo thang của Bộ Y tế, phòng xét nghiệm vi sinh hoàn thiện nhất phải đạt mức 5 theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Tuy nhiên lâu nay chưa có bảng kiểm chi tiết.

Với sự hỗ trợ của chuyên gia đến từ Anh, các BV Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới TƯ, Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV TƯ Huế, Chợ Rẫy, trường y Government Medical College, Ấn Độ được tiếp cận hệ thống bảng kiểm mới AMR Scorecard để đánh giá phòng xét nghiệm của BV đang ở mức độ nào, từ đó đưa ra hướng cải tiến.

AMR Scorecard bao gồm bảng kiểm theo từng mô-đun cho xét nghiệm nuôi cấy và kháng sinh đồ bệnh phẩm máu, nước tiểu và phân, trong đó rất chuyên biệt cho kháng kháng sinh.

Theo PGS Phương, để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài nỗ lực từ bệnh viện, từ nhân viên y tế, bản thân cộng đồng, người dân cũng phải có trách nhiệm. Trong đó, hạn chế mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi.

“Người dân Việt Nam hay cho rằng bác sĩ sử dụng kháng sinh mạng mới tốt, điều nay hoàn toàn sai, tốt nhất là chỉ nên điều trị kháng sinh phổ hẹp. Nếu dùng kháng sinh mạnh luôn, đến khi mắc loại vi khuẩn mạnh hơn sẽ không còn kháng sinh để điều trị”, PGS Phương khuyến cáo.

Theo VietNamNet


vi khuẩn kháng kháng sinh

kháng kháng sinh

siêu vi khuẩn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.