Virus khiến 9 người tử vong sau đám tang có khả năng lây sang Việt Nam?

Các chuyên gia nhận định virus Marburg gây triệu chứng bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao. Đây là căn bệnh đã được ghi nhận trên động vật từ lâu.

Guinea Xích Đạo đã xác nhận đợt bùng phát đầu tiên của Marburg, loại virus có tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy virus này đã khiến 9 người tử vong, hơn 4.000 người bị cách ly tại nhà sau khi dự đám tang tại tỉnh Kie-Ntem của đất nước châu Phi này.

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thông tin Marburg lây lan qua đường dịch tiết (như máu), đường tiếp xúc ngoài da, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng có virus hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân...

Virus khiến 9 người tử vong sau đám tang có khả năng lây sang Việt Nam?-1
Virus Marburg gây ra các triệu chứng sốt xuất huyết. Ảnh: India Times

“Marburg lây lan qua các con đường trên mức độ trầm trọng sẽ thấp hơn so với các virus lây qua đường hô hấp. Các loại virus lây qua đường hô hấp tốc độ lây rất nhanh, có thể gây đại dịch. Trong khi đó, Marburg lây qua đường dịch tiết, tiếp xúc, khả năng trở thành đại dịch như cúm, Covid-19 sẽ thấp hơn”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết. 

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định Marburg có thể gây bệnh rất nguy hiểm do tỷ lệ tử vong cao. 

“Với tình hình mở cửa giao thương, phát triển đại dịch, không loại trừ khả năng virus này lây lan sang Việt Nam. Hiện loại virus này chưa có yếu tố để trở thành đại dịch. Tùy thuộc đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các nước sẽ có chính sách phòng chống dịch phù hợp”, bác sĩ Cấp cho biết thêm.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ học, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cũng thông tin virus Marburg có nguồn gốc từ động vật và lây từ người sang người.

“Loại virus này chỉ lây khi chất tiết của người bệnh xuyên qua da hay niêm mạc của người khác. Đặc biệt, Marburg không lây qua muỗi hay côn trùng cắn và không lây qua đường hô hấp nên không quá đáng lo ngại”, bác sĩ nói thêm.

Triệu chứng nhiễm virus Marburg cần lưu ý

Theo các chuyên gia, bệnh do virus Marburg gây ra có biểu hiện ban đầu giống như sốt virus thông thường như cơ thể sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mỏi cơ khớp, buồn nôn…

Sau đó, bệnh nhân có thể bị rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, tử vong tương đối nhanh chóng trong vòng 7 ngày, tương tự virus Ebola. 

"Người mắc bệnh thường rất mệt mỏi, tử vong nhanh. Vì thế, xác suất mầm bệnh lây truyền từ nước này sang nước khác, từ khu vực này sang khu vực khác thấp hơn so với các loại virus có thời gian ủ bệnh dài hoặc có nhóm không triệu chứng", bác sĩ Cấp cho biết.

Đến nay, bệnh do virus Marburg gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng.

Theo WHO, bệnh do virus Marburg là một bệnh có độc lực cao, gây sốt xuất huyết, với tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Đây là virus cùng họ với virus Ebola, truyền sang người từ dơi và lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp chất dịch cơ thể của người, bề mặt và vật liệu bị nhiễm mầm bệnh. 

WHO cũng cho biết nhiều bệnh nhân có thể có các triệu chứng xuất huyết nghiêm trọng trong vòng 7 ngày. Các triệu chứng do Marburg gây ra bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu.

Hiện chưa có vắc xin hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh do virus Marburg. Tuy nhiên, việc chăm sóc hỗ trợ sớm bằng bù nước và điều trị triệu chứng sẽ giúp cải thiện khả năng sống. 

Bệnh do virus Marburg là bệnh rất hiếm gặp ở người và hiện chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống căn bệnh này.

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM)

 

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/virus-marburg-khien-9-nguoi-tu-vong-o-chau-phi-co-kha-nang-lay-sang-viet-nam-2111231.html

virus Marburg


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.