Vỡ túi ngực vì bỏ quên 30-40 năm

Nhiều phụ nữ vẫn mang túi silicone lỏng loại cũ trong cơ thể sau vài chục năm cấy ghép dù loại túi này được nhà sản xuất khuyến cáo chỉ dùng trong 10 năm.

Nhiều phụ nữ vẫn mang túi silicone lỏng loại cũ trong cơ thể sau vài chục năm cấy ghép dù loại túi này được nhà sản xuất khuyến cáo chỉ dùng trong 10 năm.

  Vỡ túi ngực vì bỏ quên 30-40 năm

Vừa qua, Bệnh viện (BV) Cấp cứu Trưng Vương đã phẫu thuật cho bà L., 59 tuổi, bị vỡ túi ngực. Điều đáng nói là dạng túi silicone bà L. đang cấy ghép đã được nhiều đơn vị y tế trên khắp thế giới ngưng sử dụng từ năm 1992, sau một cảnh báo của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Loại túi này được nhà sản xuất khuyến cáo nên thay thế sau khi sử dụng khoảng 10 năm. Tuy nhiên, bà L. cho biết đã đặt nó vào cơ thể tròn 20 năm trước trong một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ tại Pháp.

 

 

30-40 năm mới lấy ra!

 

TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ BV Cấp cứu Trưng Vương, nơi bà L. được phẫu thuật, kể lại: Lúc nhập viện, toàn bộ khuôn ngực của bà L. bị biến dạng. Túi ngực bên phải bị vỡ, silicone tràn ra ở dạng chất lỏng sền sệt; ngực bên trái thì toàn bộ khối silicone bị bao xơ, rất cứng. “Bao xơ là tình trạng cơ thể tự tạo ra một lớp vỏ bọc xung quanh túi ngực, khiến nó dần trở thành một khối cứng chứ không còn mềm mại như lúc mới cấy ghép.

 

Ngoài vấn đề thẩm mỹ, bao xơ còn khiến việc lấy túi ra khó khăn hơn. Chúng tôi phải rạch một đường dài nửa quầng vú, tức gấp rưỡi đường rạch thông thường. Túi này cũng đã lâu năm nên khi lấy phải rất cẩn thận để không làm vỡ. Còn ngực bên phải tuy bị vỡ túi nhưng may là bệnh nhân vào viện sớm nên chưa xảy ra tình trạng viêm. Phẫu thuật cho bên ngực này cũng khá phức tạp bởi silicone đã tràn ra khắp ngực dưới dạng một chất sệt, phẫu thuật viên cũng phải tìm phần vỏ túi vốn chỉ còn là một mảnh chất dẻo nhăn nhúm”.

 

BS Khanh cũng cho biết đây không phải là trường hợp đầu tiên ông và các đồng nghiệp phải phẫu thuật lấy ra túi silicone. Có trường hợp túi vỡ, có trường hợp không vỡ nhưng bệnh nhân tìm đến thay túi hoặc tháo bỏ bởi ngực ngày một cứng do tình trạng bao xơ. Còn BS Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, Giám đốc BV Chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Thanh Vân, cho biết ông từng gặp nhiều ca túi ngực bị bỏ quên tới 30-40 năm, đến khi lấy ra chỉ còn là một khối cứng như đá!

 

 “Năm 1992, khi FDA cấm dùng tại Mỹ và túi nước biển được dùng để thay thế tại quốc gia này và nhiều nước khác thì một số nước châu Âu vẫn tiếp tục sử dụng do túi silicone thường bền hơn. Vì vậy, tôi cũng gặp nhiều người mang túi chừng mười mấy năm tìm đến để thay túi mới, xử lý các sự cố rò rỉ…”, BS Vân lý giải.

 

Nên kiểm tra định kỳ

 

Túi ngực loại cũ chứa silicone lỏng thường được nhà sản xuất khuyến cáo nên thay mới sau 10 năm sử dụng, còn túi nước biển thì tùy theo loại cũng có hạn sử dụng khoảng 5-10 năm. Loại túi mới nhất là túi silicone dạng đặc - không tràn ra dù túi có vỡ, nứt, tuy có thể dùng vĩnh viễn nhưng người dùng vẫn nên kiểm tra định kỳ.

 

BS Vân cho biết nhà sản xuất khuyên nên thay túi sau 10 năm vì để lâu có thể dẫn đến hiện tượng rò rỉ, dễ nứt, vỡ hơn. Với túi ngực nước biển (vốn là nước muối sinh lý NaCl 0,9%, được dùng phổ biến trong y học), việc rò rỉ không gây hại cho sức khỏe bởi dung dịch này phù hợp với sinh lý con người. Còn túi silicone lỏng nếu rò rỉ hoặc vỡ, tràn ra mà chậm xử lý thì có thể gây viêm.

 

BS Khanh khuyến cáo: “Ngay cả một phụ nữ bình thường, không đặt túi ngực cũng nên kiểm tra ngực hằng năm để phòng ngừa các bệnh liên quan đến tuyến vú. Bởi vậy, việc kiểm tra túi ngực không có gì là bất tiện cả, họ có thể kết hợp với việc kiểm tra định kỳ này”.

 

Ông cũng đưa ra một số dấu hiệu mà các phụ nữ đặt túi ngực cần lưu ý: Nên đến BV nếu phát hiện ngực bị biến dạng, xẹp, không còn nằm đúng vị trí… Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể đau, một số khác lại hoàn toàn không có cảm giác. Silicone lỏng khi tràn ra khỏi túi cần được phẫu thuật sớm để lấy ra khỏi cơ thể vì để lâu sẽ vón cục, ăn vào các mô và việc lấy ra sẽ phức tạp hơn, khó bảo toàn hình dạng vú hơn, đồng thời bệnh nhân cũng có nguy cơ bị viêm, hoại tử nếu quá chậm trễ.

 

 Cần phẫu thuật bổ sung sau 10 năm

 

Tháng 8-2011, FDA đưa ra cảnh báo phụ nữ đã thực hiện nâng ngực thường có thể cần đến một cuộc phẫu thuật bổ sung trong vòng 10 năm kể từ khi cấy ghép để giải quyết các biến chứng của thiết bị. Các dữ liệu khảo sát cho thấy cứ 5 phụ nữ tiến hành nâng ngực thì có 1 người phải phẫu thuật lần nữa để tháo bỏ túi, thay thế hoặc giải quyết các biến chứng trong vòng 10 năm. Các biến chứng thường gặp là xơ hóa vùng xung quanh thiết bị cấy ghép, rò rỉ, sưng đau, hai bên ngực không còn cân xứng… và các vấn đề liên quan đến vết sẹo khi phẫu thuật.

 

Theo Người lao động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.