Anh trai đã 40 tuổi, bố mẹ tôi vẫn không chịu tìm vợ cho anh

Tôi không thể bỏ cha mẹ già yếu và anh trai tật nguyền để ra ở riêng. Nhưng nếu sống chung thế này, mọi người đều không thể vui vẻ nữa.

Tôi năm nay 36 tuổi, có vợ và hai con gái. Gia đình chúng tôi sống chung với cha mẹ đều đã gần 70 tuổi và một anh trai vừa tròn 40, chưa lấy vợ. Trên chúng tôi còn có chị gái, lấy chồng gần nhà.

Nói về anh trai tôi, anh bị câm từ nhỏ, chỉ nói được ít từ một cách ngọng nghịu. Chính vì không nói được nên anh không đi học. Tuy nhiên, ngoài nhận thức hạn chế, anh vẫn có khả năng nghe - hiểu bình thường, khỏe mạnh, tính tình hiền lành, cao ráo, đẹp trai.

Từ nhỏ đến lớn, anh vẫn làm mọi việc từ chăn trâu, cắt cỏ, cấy, gặt. Lớn lên, anh theo các anh trong làng đi phụ hồ, tiền kiếm được bố mẹ đều giữ cho, tính đến nay số tiền cũng không nhỏ.

Anh trai đã 40 tuổi, bố mẹ tôi vẫn không chịu tìm vợ cho anh-1

Tôi muốn ở với gia đình mình, nhưng vợ tôi thì không (Ảnh minh họa: Freepik).

Tính anh nhút nhát, lại không nói được nên chuyện vợ con gặp khó khăn. Anh cũng không biết yêu đương trai gái là gì. Bố mẹ tôi biết con mình không bình thường, sợ người ta cười chê, cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện tìm vợ cho con.

Giờ anh 40 tuổi, bố mẹ tôi già hơn, còn tôi đã lập gia đình. Bố mẹ luôn mặc định anh trai tôi sẽ ở vậy suốt đời. Sau này bố mẹ khuất núi, tôi sẽ thay bố mẹ lo cho anh.

Anh em ruột thịt, tôi chưa từng nghĩ ngợi chuyện này, cảm thấy đó là việc hiển nhiên. Tuy nhiên, vợ tôi không nghĩ vậy. Cô ấy khuyên tôi nhân lúc anh chưa già, còn khỏe, nên kiếm cho anh một người vợ. Chỉ cần một người phụ nữ khỏe mạnh, biết làm ăn, quá lứa lỡ thì hay góa phụ cũng được. Nói gì thì nói, không gì bằng có vợ có chồng.

Khi tôi đưa vấn đề này ra thảo luận, cha tôi không đồng ý. Ông nói, người bình thường, cưới nhau rồi vẫn bỏ nhau đầy ra đấy. Anh tôi như thế, ai người ta thèm lấy. Nếu có người lấy thì anh đã chẳng độc thân tới giờ. Thực ra cha mẹ tôi chưa từng đi hỏi vợ cho anh, dù trước đây cũng từng có người đánh tiếng mối mai cho người thân của họ.

Tôi nói thế nào, cha tôi cũng không đồng ý, cho đến khi biết đó là ý của vợ tôi thì cha nổi giận. Cha mắng vợ tôi chưa gì đã sợ nặng gánh gia đình chồng, sợ sau này phải nuôi anh chồng. Cha tôi mắng cô ấy không ra một cái gì, không thiếu từ nào xấu xa, tệ bạc. Vợ tôi vì quá uất ức, thẳng thắn nói rằng "chăm sóc anh trai chồng không phải trách nhiệm của em dâu".

Cuối cùng, cha tôi tuyên bố, nếu vợ chồng tôi không muốn lo cho anh thì mảnh đất và ngôi nhà đang ở ông sẽ chia đôi, tôi một nửa, anh trai một nửa. Sau này cha mẹ mất đi, anh tôi ở một mình cũng được, không cần nhìn sắc mặt ai mà sống.

Vợ tôi sau việc này rất ấm ức. Cô ấy cho rằng, mình hoàn toàn có ý tốt, thực sự lo cho tương lai của anh sau này. Nhưng cuối cùng, lại bị cha mẹ chồng đổ cho tiếng ác. Vợ đòi tôi ra ở riêng, vay mượn thêm mua đất, làm nhà, không sống chung cùng bố mẹ và anh trai chồng nữa. Nếu tôi không đồng ý, cô ấy sẽ mang con về ngoại ở.

Tôi tự nhiên đứng giữa hai "làn đạn", không biết nên tránh né thế nào để không bị thương. Tôi không thể bỏ cha già mẹ yếu và anh trai tật nguyền để ra ở riêng. Nhưng nếu sống chung thế này, mọi người đều không thể vui vẻ nữa.

Hôm qua, tôi nằm suy nghĩ, bất chợt nhớ đến câu nói của vợ "chăm sóc anh chồng không phải là trách nhiệm của đứa em dâu như con", tự nhiên có suy nghĩ không hay. Có phải vợ tôi thực sự lo cho anh chồng nên mới muốn tìm vợ cho anh, hay cô ấy thực sự đang coi anh chồng là một gánh nặng?

Bao nhiêu năm nay, gia đình chúng tôi vẫn sống như vậy, chẳng ai suy nghĩ gì. Bây giờ chỉ vì đề xuất của vợ tôi, quan hệ mọi người trong nhà bỗng trở nên xào xáo. Giờ cô ấy còn ra điều kiện nếu không ra ở riêng sẽ mang con về ngoại. Tôi thật sự không biết nên thế nào cho đúng?

 

 

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/anh-trai-da-40-tuoi-bo-me-toi-van-khong-chiu-tim-vo-cho-anh-20240207002951607.htm

anh trai


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.