Bà ngoại hơn 70 tuổi vẫn phải nuôi 4 đứa con, tôi góp ý thì bị bà dọa cắt tài sản thừa kế

Biết rằng mẹ nào cũng thương con, nhưng bảo bọc con mù quáng như bà ngoại thì tôi cũng bó tay chẳng còn gì để nói nữa.

Mỗi lần đọc được ở đâu có câu “Con dù lớn vẫn là con của mẹ” thì tự dưng tôi lại thấy hơi khó chịu. Một câu nói về tình mẫu tử thật cao đẹp, nhưng với gia đình tôi thì lại giống như châm biếm vậy.

Bà ngoại tôi có 5 người con, theo thứ tự thì mẹ tôi xếp thứ 2. Bác cả không lập gia đình nên không có người nối dõi, tôi được coi là trưởng nữ trong nhà. Gia đình tôi tuy không quá nghiêm khắc nhưng cũng có lắm quy củ phải tuân theo.

Hồi ông ngoại còn sống thì gia cảnh nhà tôi khá ổn. Ông bà có 2 nhà hàng bán đồ chay rất đông khách, quanh năm làm chẳng hết việc. Nhờ quán đồ chay mà ông bà nuôi 4 người con khôn lớn, còn mua được 2 căn nhà mặt phố tiền tỷ.

Thường thì con cái sẽ nối nghiệp bố mẹ để duy trì lộc kinh doanh, song riêng nhà tôi thì chẳng ai chịu kế thừa quán chay ấy. Lý do bởi bà ngoại tôi quá nuông chiều các con khiến họ trở thành những người lười biếng và ỷ lại. Ngoại trừ cậu út đi du học và lập nghiệp ở nước ngoài ra thì 4 người còn lại đều ăn bám ông bà ngoại. Trong đó có cả mẹ tôi.

Bác cả ngày xưa được ông bà cho ăn học toàn trường xịn, mai mối cho nhiều cô gái tốt nhưng cuối cùng cuộc đời bác chẳng ra đâu vào đâu. Ông ngoại kiên trì suốt hơn chục năm để khuyên con trai lớn kế nghiệp quản lý nhà hàng, nhưng kết cục bác chỉ có đam mê duy nhất là vẽ tranh.

Mà khổ cái bác tôi quan niệm làm nghệ thuật thì tiền bạc chẳng có ý nghĩa gì. Bao nhiêu năm bác chỉ có mỗi đam mê với màu mè và cọ vẽ, cái nhà riêng ông bà cho bác ngập đầy hàng trăm bức tranh. Tôi vẫn nhớ ông bà thở dài không biết bao nhiêu lần và nói “Giá như cậu cả mê cô nào đấy y như mê tranh thì đã có đích tôn nối dõi tông đường”.

Mẹ tôi và 2 dì thì không ai có năng khiếu kinh doanh. Họ rất hợp tính nhau, lười như nhau và đều thích ăn diện. Các dì từng làm văn phòng một thời gian xong nghỉ vì lương thấp, không thích gò bó. Mẹ tôi thì trượt đại học nên xin tiền ông bà mở một hàng hoa quả. Cơ mà không biết tính toán nên thua lỗ, sau thì dẹp luôn rồi mẹ đi lấy chồng.

Đẻ tôi xong mẹ phát hiện bố qua lại với người yêu cũ. Họ cãi nhau nên mẹ nộp đơn ly hôn rồi ôm tôi về nhà ngoại. 2 dì lấy chồng xong vẫn thường xuyên về chơi, họ không có công việc ổn định nhưng được ông bà ngoại cho tiền nên suốt ngày rủ mẹ tôi đi mua sắm.

Bà ngoại hơn 70 tuổi vẫn phải nuôi 4 đứa con, tôi góp ý thì bị bà dọa cắt tài sản thừa kế-1

Hàng tháng mẹ dùng tiền bố chu cấp nuôi tôi để tiêu pha vì cơm nước đã có ông bà ngoại lo cả. Học phí của tôi cũng do ông bà cho. Ngày bé vô tư chả biết gì nhưng lớn lên tôi cũng dần hiểu chuyện, tôi thấy thương ông bà vì phải gồng gánh gần chục miệng ăn.

5 năm trước ông ngoại tôi mất. Vì sức khỏe kém và trải qua quãng thời gian dài dịch bệnh nên bà ngoại tôi cũng không thể quản lý việc kinh doanh như trước nữa. Bà đáng lẽ đã đến tuổi an nhàn từ rất lâu rồi, vậy mà các con chẳng ai san sẻ gánh nặng cuộc sống với bà. Duy nhất cậu út giỏi giang có trách nhiệm nhưng cậu lại lập nghiệp ở nước ngoài, mỗi tháng gửi một khoản tiền về nhờ tôi chăm sóc bà ngoại giúp. Các em họ của tôi đứa thì học trái nghề đứa thì còn nhỏ quá nên cuối cùng tôi là đứa nhận trọng trách duy trì sản nghiệp của ông bà.

Mẹ tôi đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn không có thu nhập, chỉ ở nhà trồng hoa và đi tập yoga làm đẹp. Hàng tháng tôi trích 10 triệu tiền lương ở nhà hàng đưa cho mẹ nhưng lúc nào cũng bị mắng là “vô dụng”. Mẹ so tôi với con cái nhà khác, kêu rằng bạn bè của mẹ toàn được con cái cho cả đống tiền khi đến tuổi về hưu, chỉ ở nhà ăn ngủ chơi với các cháu. Còn tôi 30 tuổi rồi vẫn chưa lấy chồng, tiền kiếm ra cũng chỉ “lèo tèo” vài chục triệu mỗi tháng không đủ để phụng dưỡng mẹ.

Tôi ức lắm nhưng chẳng thể cãi mẹ được. Bà ngoại thấy cháu bị mắng nên thương, lại bỏ tiền túi ra mỗi tháng thêm 5 triệu nữa để dúi cho con gái.

Quanh quẩn thế nào 2 dì biết chuyện nên cũng vòi tiền bà ngoại để đỡ “kém miếng khó chịu” với mẹ tôi. Bà đồng ý luôn, thế là mỗi tháng bà mất hơn chục triệu với 3 cô con gái.

Tôi nói chuyện riêng với ngoại và can bà đừng cho tiền mọi người trong nhà nữa, ai cũng ở tuổi trung niên cả rồi mà bà cứ dung túng như trẻ con vậy thì không ổn tí nào. Hàng xóm đã chê cười bác cả suốt bao năm vì ăn bám bố mẹ, giờ đến 3 cô con gái cũng vậy thì bà tôi an hưởng tuổi già thế nào đây?

Bà ngoại gạt đi và bảo ruột thịt trong nhà không nên tính toán lẫn nhau. Cơ bản vì bà chẳng thiếu tiền nên 20-30 triệu bỏ ra nuôi 4 đứa con mỗi tháng chẳng đáng là bao. Thế nhưng cái chuyện mẹ già thất thập cổ lai hy phải còng lưng ra nuôi 4 đứa con trung niên ăn bám thật đáng xấu hổ, tôi phận cháu chắt mà thấy nhục nhã thay. Các dì đi lấy chồng chẳng cho bà xu nào, toàn về ngoại bòn rút hết tiền bạc đến đồ đạc, động tí là xin của bà mang về nhà. Mẹ tôi với bác cả thì thôi chẳng ai khuyên nhủ được, họ thích sống hưởng thụ và đầu óc trên mây thì làm sao hiểu được nỗi vất vả khi kiếm tiền.

Gần đây bà ngoại đổ bệnh nằm liệt giường. Các con yêu quý chẳng ai chăm nom cho bà, chỉ có mỗi mình tôi lo thuốc men săn sóc. Thấy trước tương lai chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa nên bà định lập di chúc chia tài sản cho các con. Bà khéo léo dự tính rằng 2 căn nhà mặt phố bây giờ đem cho thuê căn của bác cả, lấy tiền đó chia đều cho bác với mẹ tôi hàng tháng. 2 dì thì được bà phần cho 2 cái sổ tiết kiệm, nhìn con số lãi hàng tháng từ tài khoản mà tôi xây xẩm mặt mày. Riêng vàng với trang sức thì bà sẽ chia cho các cháu, tôi là chị lớn nên nhỉnh hơn chút xíu coi như của hồi môn.

Bản di chúc của bà phân chia rất hợp lý, tuy nhiên tôi không hiểu vì sao bà phải tốn công sức lo cho 4 người con ngồi không ăn sẵn đến lúc chết như vậy. Tôi khuyên bà sửa lại di chúc để mọi người có ý thức tự lo cho bản thân. Đến tôi là phận hậu bối còn không dám ỷ lại tài sản của gia đình, nhà lắm miệng ăn thì tiền núi cũng lở.

Không ngờ bà lại mắng cho tôi một trận ù tai. Bà bênh con chằm chặp, bảo tôi chưa đẻ chưa làm mẹ thì không hiểu tình thương mẫu tử như thế nào. Trời ơi tôi nghe xong mà nghẹn ứ cả cổ. Sao bà lại thương con mù quáng như thế chứ. Bà còn dọa sẽ cắt quyền thừa kế của tôi nếu tôi cứ ý kiến về chuyện phân chia tài sản. Cạn lời thật sự.

Có phải tôi quá tính toán chi li với người nhà không, hay tôi là người duy nhất tỉnh táo trong gia đình này nhỉ?...

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/ba-ngoai-hon-70-tuoi-van-phai-nuoi-4-dua-con-toi-gop-y-thi-bi-ba-doa-cat-tai-san-thua-ke-20230930170238924.htm

bà ngoại

ăn bám


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.