Ngày cưới, tôi đã mặc chiếc áo trắng ngả màu từ hơn 30 năm trước

Ngày cưới, khi thấy tôi mặc bộ áo dài cũ kĩ, lỗi thời khoác tay chồng vào lễ đường lộng lẫy, ai cũng ồn ào bàn tán. Nhưng tôi vẫn cười rạng rỡ hạnh phúc.

Ngày cưới, khi thấy tôi mặc bộ áo dài cũ kĩ, lỗi thời khoác tay chồng vào lễ đường lộng lẫy, ai cũng ồn ào bàn tán. Nhưng tôi vẫn cười rạng rỡ hạnh phúc.

Tôi và mẹ chồng có mối quan hệ rất tốt. Có thể nhiều người sẽ bảo tôi xu nịnh, giả tạo khi tôi nói: “Tôi thương mẹ chồng y như mẹ ruột tôi”. Nhưng đó hoàn toàn là sự thật. Thậm chí tôi còn thân với mẹ chồng hơn cả mẹ mình. Mỗi khi có chuyện buồn, thất vọng tôi có thể trút tâm sự với mẹ chồng mà không lo ngại điều gì.

Mẹ chồng tôi chỉ có duy nhất một người con trai. Vì thế bà thương yêu chăm bẵm chồng tôi kĩ lắm. Nhớ hồi mới quen nhau tôi cũng nhiều lần trăn trở vì thấy chồng quá lệ thuộc vào mẹ. Tôi sợ cuộc sống làm dâu sẽ cay đắng khổ sở. Nhưng rồi khi về nhà anh chơi, nói chuyện với mẹ anh thì tôi có suy nghĩ khác.

Thấy tôi rụt rè, bà nắm tay tôi kéo xuống bếp cùng làm cơm. Bà kể toàn chuyện ngày xưa thời bao cấp. Bố chồng tôi là liệt sĩ. Ông hi sinh trên đất Lào khi mẹ còn đang mang thai chồng tôi. Đến giờ phút cuối đời ông cũng chẳng được biết mặt con cũng như chồng tôi chưa từng biết mặt cha. Từ đó, mẹ sống một mình, gồng gánh tất cả để nuôi dưỡng chồng tôi trưởng thành.

Ngày cưới, tôi đã mặc chiếc áo trắng ngả màu từ hơn 30 năm trước - Ảnh 1.

Ngày cưới, khi thấy tôi mặc bộ áo dài cũ kĩ, lỗi thời khoác tay chồng vào lễ đường lộng lẫy, ai cũng ồn ào bàn tán. (Ảnh minh họa)

Mẹ kể về những lần chạy chợ ban đêm phải để chồng tôi ở nhà một mình. Rồi những lần đi học mưa gió không có xe đạp phải cõng chồng tôi băng qua mấy cánh đồng để tới trường… Càng nghe tôi càng khâm phục mẹ. Bà đã hi sinh cả một đời cho chồng con. Và tôi càng hiểu câu chồng tôi hay nói: “Trước khi gặp em anh đã nghĩ sẽ không lấy vợ. Vì thế em đừng thắc mắc vì sao anh đã 35 tuổi mới biết yêu”.

Sau hôm đó, mẹ cứ kêu tôi qua nhà chơi. Mỗi lần qua là những câu chuyện khác nhau về chồng tôi. Mẹ nhớ hết từ lúc anh chập chững đến tận bây giờ. Hồi đó dù khổ cực nhưng cứ Tết là mẹ lại dẫn chồng tôi đi chụp ảnh. Mỗi năm một tấm làm kỉ niệm.

Khi chúng tôi tiến đến hôn nhân, người mừng nhất có lẽ là mẹ. Chồng tôi kể mẹ cứ xoắn lên hỏi thăm nhiều người về cách tổ chức hôn lễ. Một lần mẹ gọi tôi qua nhà. Mẹ cẩn thận lấy từ trong tủ ra một bộ áo dài trắng cũ đã lỗi thời và ngả màu cháo lòng. “Con có thể mặc bộ áo dài này trong lễ cưới không?”. Mẹ vuốt tà áo, mắt buồn bã nhìn tôi hỏi.

Nhìn bộ áo dài, nghĩ đến lễ cưới, bất giác tôi rùng mình. Định từ chối thì mẹ nói tiếp: “Bộ áo dài này tự tay mẹ may cho đám cưới của mẹ với bố nhưng không kịp. Con cũng biết mà, hồi đó không phải dễ dàng như bây giờ. Rồi mẹ định mặc khi đón bố con trở về. Nhưng cũng không có cơ hội. Giờ con trai mẹ lấy vợ, mẹ chỉ muốn nhìn con dâu mẹ mặc bộ áo dài này một lần cuối cùng trước khi mẹ đi theo bố con. Được không con?”.

Chính tôi cũng không hiểu sao nướcmắt tôi rơi. 36 năm trời mẹ vẫn cẩn thận giữ gìn tà áo như báu vật. Bên trong đó lại là nỗi đau, sự tuyệt vọng cùng cực lẫn nghị lực, tình yêu thương lớn lao. Vậy thì tôi làm sao từ chối mẹ được.

Ngày cưới, tôi đã mặc chiếc áo trắng ngả màu từ hơn 30 năm trước - Ảnh 2.

Tôi biết mẹ đã chịu đựng rất nhiều nỗi đau. (Ảnh minh họa)

Ngày cưới, khi thấy tôi mặc bộ áo dài cũ kĩ, lỗi thời khoác tay chồng vào lễ đường lộng lẫy, ai cũng ồn ào bàn tán. Nhưng tôi vẫn cười rạng rỡ hạnh phúc. Tôi biết có người còn hạnh phúc hơn tôi. Đó là mẹ chồng.

Hiện giờ tôi đã có một cậu nhóc con 3 tuổi. Từ khi sinh bé tới giờ, mẹ chồng tôi một tay chăm bẵm tất cả. Vì thế mà thằng bé quấn bà nội hơn mẹ. Mẹ chồng còn là người hòa giải mỗi khi vợ chồng tôi xảy ra chiến tranh. Bao giờ mẹ cũng đứng về phía tôi, bênh vực cho tôi. Thử hỏi với một người mẹ chồng tâm lý, thương yêu mình như thế, tôi làm sao không thương bà được. Phận làm dâu con, tôi nghĩ để được mẹ chồng thương thì mình phải đồng cảm, phải thương bà trước đã. Mẹ nào cũng là mẹ, đừng quá phân biệt mẹ chồng - mẹ ruột để rồi không hoàn thành chữ Hiếu.

Theo Trí thức trẻ

mẹ chồng nàng dâu


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.