Ở cùng nhà vợ, tôi biến mình thành gã đàn ông nhu nhược

Sau thời gian ở rể, tôi thấy nhiều bất cập. Từ người tự chủ về kinh tế, sống có quan điểm, chính kiến riêng, tôi trở nên nhu nhược.

Tôi tốt nghiệp Sư phạm toán nhưng chật vật vài năm vẫn lẹt đẹt mãi với hợp đồng ngắn hạn. Tôi xin nghỉ, về tự mở lớp dạy thêm và ôn thi cấp 2, cấp 3.

Kiến thức tốt, bản thân tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Lứa học sinh đầu tiên tôi dạy, ôn thi vào lớp 10 và vào đại học đều đỗ, nhiều phụ huynh học sinh tìm đến gửi gắm con.

Trong một buổi hội thảo, tôi gặp Ly. Bố em còn là cổ đông của một trường học tư nhân. Cả hai khá hợp nhau về sở thích, suy nghĩ.

Ở cùng nhà vợ, tôi biến mình thành gã đàn ông nhu nhược-1
Ảnh: B.N


Sáu tháng quen biết, tôi và em làm đám cưới. Công việc của tôi khá tốt nhưng thu nhập chưa cao nên Ly thuyết phục tôi về nhà em sống, khi nào sinh con xong, hai vợ chồng mua nhà trả góp rồi ra riêng chưa muộn.

Các bác trong họ biết chuyện tôi ở rể vội khuyên, đừng dại ở chung với nhà vợ, dễ xảy ra mâu thuẫn. Đàn ông phải có thế của mình, không thể để lép vế…

Tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can, vì cho rằng, quan điểm đó hoàn toàn cổ hủ. Bố mẹ Ly đều là người có trình độ, chắc không đến mức quá đáng.

Kết hôn chưa được nửa tháng, bố vợ gọi tôi ra, khuyên con rể bỏ công việc ở lớp dạy thêm, về trường ông đang góp vốn làm công tác quản lý.

Ông ngọt nhạt: ‘Anh về đấy học cách quản lý, sau này còn hỗ trợ con bé Ly tiếp quản cơ ngơi của bố mẹ. Bố mẹ sinh một mình nó, có bao nhiêu bù đắp cho vợ chồng anh hết’.

Tôi đồng ý về làm cho bố vợ. Bạn bè đều khen tôi số hưởng, nhà vợ giàu, có công việc tốt. Tôi cũng từng hạnh phúc vì điều đó. Tuy nhiên, sau thời gian ở rể, tôi thấy nhiều bất cập. Từ người tự chủ về kinh tế, sống có quan điểm, chính kiến riêng, tôi trở nên nhu nhược.

Bố vợ là người độc đoán, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, ông tự quyết định. Lương tháng ở trường, thay vì chuyển vào số tài khoản tôi đăng ký, ông cho kế toán chuyển thẳng vào tài khoản con gái mình. Tôi muốn chi tiêu gì, phải ngửa tay xin vợ.

Mặc dù, tôi không có thói quen la cà quán xá nhưng vẫn có nhiều mối quan hệ, thi thoảng giao lưu, học hỏi cho công việc, Mỗi tháng tôi đi ăn uống với họ 1,2 lần.

Bố vợ tôi lại quy định, bữa tối, các thành viên phải có mặt đầy đủ. Hôm nào tôi bận, không về, ông liền mang bộ mặt khó đăm đăm. Tôi phải xin lỗi rối rít, chấp nhận từ bỏ những mối quan hệ của mình.

Từ ngày vợ sinh con, tối đến, tôi cũng tranh thủ giặt tay chậu quần áo lớn của mọi người. Nhà có máy giặt, bố vợ tôi chỉ cho phép dùng giặt đồ dày, còn đồ mỏng, đồ em bé, theo ông giặt bằng tay mới sạch.

Cuối tuần, tôi tranh thủ dọn dẹp 3 tầng nhà, từ trên xuống dưới, chưa bao giờ tôi kêu ca. Đôi lúc, mệt mỏi, tôi muốn nằm một chút, bố vợ kiểu gì cũng chê trách tôi lười.

Bố mẹ vợ gần như can thiệp vào tất cả cuộc sống của hai vợ chồng tôi. Từ nuôi con, ăn uống, quần áo, đến cả công việc. Căng thẳng nữa là việc tôi gửi tiền nuôi em gái ăn học dưới quê và mua thuốc men cho mẹ. Trước đây, tự chủ về tài chính, tôi hoàn toàn thoải mái nhưng từ khi vợ quản lý lương, mỗi lần gửi về, tôi phải nhắc vợ đưa.

Vợ kiên quyết không đưa tôi tiền gửi cho mẹ. Chúng tôi căng thẳng, cô ấy quát tháo ầm ĩ cả nhà. Bố vợ thấy vợ chồng con gái cãi vã, không cần nghe rõ đầu đuôi nguồn cơn, sẵn sàng thóa mạ con rể.

Tôi là đàn ông, bị nhà vợ xúc phạm như vậy, tự ái vô cùng. Tôi đợi mọi thứ nguôi ngoai, vui vẻ trở lại, mới bàn với vợ ra ở riêng. Bạn tôi có căn hộ chung cư 60m2, để lại cho tôi với giá tốt. Hơn nữa, tôi chỉ cần trả một nửa, còn lại bạn cho nợ trong 10 năm. 

Nếu ở riêng, vợ chồng sẽ hoàn toàn độc lập, tự sắp xếp cuộc sống theo ý mình. Tôi nghĩ, đây cũng là xu thế trong xã hội hiện đại, khi đến tuổi trưởng thành, cần bớt phụ thuộc vào bố mẹ hai bên. Ban đầu, vợ chồng có thể khó khăn, sau sẽ dần ổn định. Nào ngờ, Ly không đồng ý. Vợ trách tôi bạc, lúc khó khăn nhờ vả ông bà ngoại, đến lúc đủ lông, đủ cánh là phủi tay...

Tôi thừa nhận, vợ chồng trẻ ở chung với bố mẹ có nhiều cái lợi: Không tốn tiền thuê nhà, không phải lo lắng việc nhà, con cái được ông bà trông nom, tình cảm gia đình gắn chặt…

Ngược lại, ở chung cũng có những gò bó như phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, cư xử khéo léo để giữ hòa khí gia đình. 

Theo các bạn, tôi suy nghĩ có gì sai không? Xin hãy cho tôi lời khuyên!



Theo VietNamNet 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/o-re-nha-vo-toi-bien-minh-thanh-ga-dan-ong-nhu-nhuoc-644024.html

ở rể

bố vợ


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.