Trước khi xảy ra sự cố sức khoẻ tại lễ tưởng niệm 11/9, bà Hillary Clinton từng bị đồn mắc các loại bệnh suy nhược thần kinh khác nhau, từ động kinh đến mất trí nhớ, thậm chí cả Parkinson. Đây là những căn bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công việc của bà Hillary nếu bà trúng cử chức Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi về bệnh tình của mình, bà Hillary từng cười gạt đi và nói rằng đó chỉ là “thuyết âm mưu” của đối thủ.
Về sự cố khuỵu ngã khi bước lên xe rời khỏi lễ tưởng niệm 11/9, đại diện của bà Hillary thừa nhận bà được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi vài ngày trước đó. “Trong buổi lễ, vì quá nóng nên bà Hillary bị mệt và phải rời đi sớm để về nhà con gái nghỉ ngơi. Sau đó, bà đã khoẻ lại”, phát ngôn viên của cựu Ngoại trưởng Mỹ nói.
Tuy nhiên, theo một số bác sĩ, bệnh viêm phổi chỉ là cái cớ mà bà Hillary đưa ra để che giấu một căn bệnh khác trầm trọng hơn – bệnh Parkinson.
Hồi tháng 12/2012, vài ngày trước khi bà Hillary lần đầu tiên điều trần trước quốc hội Mỹ về cuộc tấn công khủng bố tại Benghazi, bà đã bị chấn động não và ngất xỉu. Các bác sĩ khi đó chẩn đoán bà Hillary có một cục máu đông sau tai phải và cần uống thuốc làm loãng máu để tan cục máu đông. Theo các bác sĩ của bà Clinton, cục máu đông không dẫn đến đột quỵ hoặc bất kỳ biến chứng thần kinh nào khác.
Cuộc điều trần đáng lẽ diễn ra vào ngày 20/12 bị hoãn lại cho đến khi bà bình phục. Dù được thông báo đã khoẻ lại, nhưng đến tháng 1/2013, khi tham gia điều trần, bà Hillary vẫn phải đeo một mắt kính đặc biệt. Mắt kính này được cho là dành cho người bị chấn thương sọ não. Đồng thời, bà cũng bị vấp ngã khi bước lên cầu thang và phải được dìu bởi một nhân viên mật vụ.
Hồi đầu tháng này, Tiến sĩ kiêm phát thanh viên Drew Pinsky đã nói trong chương trình của mình rằng ông thực sự lo lắng về sức khoẻ bà Hillary và chất lượng các dịch vụ y tế mà bà đang sử dụng. Ông cho rằng bà Hillary đang được điều trị theo phương pháp y tế của những năm 50 thế kỉ trước. Tiến sĩ Drew cũng nhận định thêm: “Việc tổn thương não đã khiến bà ấy mất thăng bằng.” Sau các phát ngôn về sức khoẻ của bà Hillary trên sóng truyền hình, đài CNN đã tuyên bố ngừng phát sóng chương trình “Dr.Drew on Call” của tiến sĩ Pinsky.
Tiến sĩ Ted Noel, một bác sĩ gây mê từ Orlando, Florida, cũng củng cố tin đồn rằng bà Hillary mắc bệnh Parkinson trong một đoạn video đăng tải trên trang web bình luận chính trị VidZette. Ông này đã chỉ ra một loạt hành động khó hiểu của bà Hilllary cho thấy bà đang mắc một căn bệnh trầm trọng. Theo đó, những hành động kì lạ này bắt đầu xuất hiện từ năm 2005 và thường xuyên lặp lại cho đến tận bây giờ như: liên tục ho không ngừng nghỉ, có những cử chỉ tay khá kì lạ khi diễn thuyết, thường xuyên lắc đầu và mắt có phần lồi hơn trước.
"Đến đầu năm 2016, vấn đề sức khoẻ của bà Hillary trở nên trầm trọng một cách rõ rệt. Những chuyển động cơ thể kỳ lạ và những lần “não đóng băng” ngày xuất hiện dày đặc, "tiến sĩ Noel nói trong video. "Điều này phù hợp với sự tiến triển của bệnh Parkinson ở giai đoạn sau.”
Tuy nhiên, các phân tích này của tiến sĩ Noel đã bị bác bỏ bởi Stanley Fisher – một nhà thần kinh học, một chuyên gia hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực rối loạn vận động, bao gồm cả bệnh Parkinson.
Bác sĩ Fisher nói: “Tôi không phải là fan hâm mộ của bà Hillary. Nhưng tôi cảm thấy thật đáng hổ thẹn khi một người nhận là bác sĩ lại có những nhận định như vậy. Theo quan điểm của tôi, những hành động của bà Hillary thậm chí còn chưa đủ để chứng minh rằng bà mắc bệnh Parkinson giai đoạn đầu.”
Theo bác sĩ Fisher, việc một người phụ nữ 68 tuổi vấp ngã hay bị choáng váng là điều rất bình thường, đặc biệt khi bà Hillary có lịch trình làm việc dày đặc. “Chưa đủ bằng chứng để kết luận về bệnh tình của bà Hillary. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bà ấy hoàn toàn khoẻ mạnh”, Fisher nói.
Theo Tiền Phong